Thứ hai, 7/5/2012, 17h05

Định lượng thời gian ôn tập hợp lý

Bám sát nội dung trong sách giáo khoa và cấu trúc đề thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT là điều tôi luôn lưu ý khi ôn tập môn tiếng Anh, đồng thời phân bố thời gian hợp lý để ôn tập ngữ pháp, cấu trúc, từ vựng… một cách hợp lý. Tôi thường viết lại ít nhất 3 lần, đặt câu đối với mỗi cấu trúc, từ vựng và ấn định phải học được ít nhất 10 cấu trúc, từ vựng/ ngày bằng cách dành khoảng 20 phút sau khi ngủ dậy buổi sáng để học thuộc và ôn lại 15 phút trước khi đi ngủ. Trong bài thi có phần “chọn từ có phần gạch chân phát âm khác với các từ còn lại trong mỗi nhóm” nên tôi luôn phải chắc chắn mình phát âm đúng bằng cách nghe thầy cô đọc trên lớp rồi đọc theo, phiên âm hoặc tra lại từ điển nếu cần. Với những quy tắc phát âm khó nhớ, tôi cũng học cách tạo ấn tượng để dễ học (như đuôi “ed” có 3 cách phát âm là /id/, /t/ và /d/, được nhớ theo những cách sau: Những động từ có kết thúc là “đếm tiền” - tức là “d” và ”t” thì phát âm là /id/ như “wanted”, “needed”...; những từ có kết thúc là “phòng không sẵn ghế cho xe SH” - tức l “p, k, ss, gh, ch, x, sh” thì phát âm là /t/ như “watched”, “laughed”… phát âm là /d/ với các từ còn lại.
Đối với phần ngữ pháp, tôi cũng định lượng thời gian ôn luyện và làm bài tập cho từng phần ngữ pháp (Ví dụ: Hai ngày ôn lại thì của động từ + làm bài tập; hai ngày ôn câu bị động + bài tập; một ngày ôn câu điều kiện + bài tập...). Đồng thời, tôi cũng làm các bài tập lớn có cấu trúc giống bài thi tốt nghiệp trong khoảng thời gian 50 phút, sau đó kiểm tra đáp án và đánh dấu vào những câu sai để ôn lại cấu trúc và ngữ pháp đó. Ở trên lớp, tôi cũng chú ý lúc thầy cô chữa bài, phân tích câu để rút ra những kỹ năng cần thiết khi làm bài.
Hồ Bảo Trung (Thủ khoa ĐH Ngoại thương TP.HCM năm 2012)