Thứ ba, 7/8/2018, 21h26

Đổi mới chương trình Ngữ văn

Với chương trình Ngữ văn mới ở THPT, ngoài 3 tiết học bắt buộc, mỗi lớp có thêm 35 tiết/1 năm cho các chuyên đề học tập tự chọn dành cho những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn.

Các chuyên đề này chủ yếu tập trung vào việc gợi ý, hướng dẫn tổng kết một số nội dung lớn của văn học Việt Nam đã học cụ thể trong toàn bộ chương trình 3 cấp, giúp học sinh có cái nhìn khái quát và tập nghiên cứu về nội dung, giá trị và tiến trình lịch sử văn học; phong cách văn học, một số vấn đề tiếng Việt và hoạt động văn học thiết thực, gần gũi, đáp ứng sở thích, nhu cầu của các em. Với mỗi chuyên đề, chương trình đều nêu lên các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học khái quát, dành lại một khoảng trống khá lớn cho các tác giả SGK, giáo viên và học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu và bù lấp khoảng trống đó. Tuy gọi là chuyên đề nhưng khi biên soạn và thực hiện, tác giả SGK và giáo viên không được biến chuyên đề học tập thành các bài học lý thuyết hàn lâm, nặng nề; cần dành thời gian đáng kể của mỗi chuyên đề cho việc học sinh trao đổi, thảo luận, viết bài, sưu tầm, giới thiệu, thuyết trình về các nội dung chuyên đề, gắn với các yêu cầu đọc, viết, nói và nghe để hiểu sâu, có hứng thú hơn trong việc học Ngữ văn.

Trong quá trình xây dựng và trao đổi về chương trình Ngữ văn mới, vấn đề gây nhiều tranh luận nhất trên công luận là dạy và học những văn bản - tác phẩm nào? Tiếp thu ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu và giáo viên cả nước, Ban soạn thảo đã chỉnh sửa và được Hội đồng thẩm định quốc gia nhất trí với đề xuất như sau, bên cạnh những văn bản tùy chọn, chương trình quy định một số văn bản bắt buộc và văn bản bắt buộc lựa chọn. Thứ nhất, các tác phẩm bắt buộc là: Nam quốc sơn hà (thời Lý); Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi; Truyện Kiều của Nguyễn Du;  Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu; Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Thứ hai, các tác phẩm tự chọn bắt buộc, gồm: Tác phẩm văn học dân gian, chọn ít nhất 4 tác phẩm đại diện cho 4 thể loại truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam; chọn ít nhất 3 bài ca dao về các chủ đề: quê hương đất nước, tình yêu, tình cảm gia đình, con người và xã hội (trữ tình hoặc trào phúng); chọn ít nhất 1 sử thi Việt Nam; chọn ít nhất 1 truyện thơ của các dân tộc ít người Việt Nam; chọn ít nhất 1 kịch bản chèo hoặc tuồng. Tác phẩm văn học viết: Đối với văn học Việt Nam, chọn ít nhất 1 tác phẩm của mỗi tác giả sau đây: thơ Nôm, văn nghị luận của Nguyễn Trãi; thơ chữ Hán của Nguyễn Du; thơ Nôm của Hồ Xuân Hương; thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu; thơ Nôm của Nguyễn Khuyến; truyện và thơ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; truyện ngắn, tiểu thuyết của Nam Cao; tiểu thuyết, phóng sự của Vũ Trọng Phụng; thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng 8; thơ của Tố Hữu trước và sau Cách mạng tháng 8; kịch của Nguyễn Huy Tưởng; truyện ngắn, ký của Nguyễn Tuân; kịch của Lưu Quang Vũ. Riêng văn học nước ngoài, chọn ít nhất 1 tác phẩm cho mỗi nền văn học sau đây: Anh, Pháp, Mỹ, Hy Lạp - La Mã, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ…

Đây chỉ là văn bản ngữ liệu, điều quan trọng nhất với chương trình mới là yêu cầu đổi mới cách dạy và cách kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực.

PGS.TS Đ Ngc Thng
(Ban son tho chương trình Ng văn mi)