Thứ hai, 13/4/2009, 15h04

Đổi mới kiểm tra đánh giá: Phải theo kịp đổi mới phương pháp dạy học

Giờ kiểm tra môn sử tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám

Muốn đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) mà không đổi mới kiểm tra đánh giá (KTĐG) thì sự đổi mới đó chắc chắn không đem lại kết quả như ý muốn. Chính vì thế có thể nói đổi mới KTĐG là bước đi thứ hai nhưng lại có ý nghĩa quyết định góp phần tạo nên sự thành công cho việc đổi mới PPDH trong nhà trường.
Những “thói quen” không tốt
Khi đánh giá những hạn chế về thực trạng KTĐG hiện nay nhiều ý kiến cho rằng mức độ đánh giá trong nhà trường vẫn mang tính đồng nhất, cào bằng. Điều này dẫn đến hậu quả tai hại. Nếu nhiều đối tượng HS có học lực giỏi, trung bình hoặc yếu làm chung một đề thi sẽ không phân hóa được đối tượng. Từ đó dễ làm cho các em có thói quen học tủ, học đối phó, tìm cách quay cóp, sử dụng phao thi… tiêu cực cứ xảy ra và khó ngăn chặn. Còn khi chấm bài một số GV có tâm lí cho điểm sàn sàn như nhau, không dám cho điểm thấp hoặc cao, mà nằm trong phạm vi an toàn nhất “vô thưởng vô phạt”. Nhiều HS nắm được “thóp” biết mình đã qua lượt kiểm tra rồi nên sau đó không “thèm” học bài nữa. HS nếu có thắc mắc về điểm số GV không chấp nhận chuyện đó mà giải thích cho HS hiểu cũng không đến nơi đến chốn. Thực tế có GV khi chấm bài chỉ biết cho điểm mà “quên” mất phần nhận xét ưu, khuyết điểm của bài làm. Nếu có ghi lời phê thì ghi sơ sài một vài từ đã được “lập trình” sẵn như: đạt, được, khá, có cố gắng…
Những nguyên tắc cần thiết
Đổi mới KTĐG kết quả học tập của HS luôn dựa trên quan điểm tích cực hóa hoạt động học tập, đề kiểm tra làm sao tạo điều kiện cho HS biết suy nghĩ, tìm tòi, khám phá.
Việc đổi mới đánh giá cần tuân thủ một số nguyên tắc như phải bám sát mục tiêu môn học từ đó đề ra các chuẩn kiến thức kĩ năng thái độ cần đánh giá. Đổi mới KTĐG căn cứ trên đổi mới chương trình và SGK theo quan điểm tích hợp, chú trọng hình thành phát triển 4 kĩ năng nghe - nói - đọc - viết.
Cố gắng giảm thiểu yêu cầu HS tái hiện kiến thức, tăng dần bài tập thử thách tư duy sáng tạo, năng lực vận động linh hoạt các kiến thức, kĩ năng đã học.
Cần đa dạng hóa các hoạt động kiểm tra tự luận và trắc nghiệm khách quan, công khai biểu điểm và định hướng đánh giá, coi việc KTĐG như một biện pháp kích thích hứng thú học tập của HS. Chú trọng tính phân hóa trong khi kiểm tra đó là ngoài câu hỏi dễ nhớ, thuộc lòng cần có câu khó, trung bình phản ánh trung thực nhất năng lực học tập của mỗi HS. Các hình thức và kĩ thuật đánh giá bao gồm: vận dụng quan sát, vận dụng vấn đáp, vận dụng kiểm tra viết trong đánh giá kết quả học tập. Bản chất vấn đáp là sử dụng câu hỏi gợi mở cho HS tìm tòi, suy nghĩ nhắm đạt được mục tiêu của bài học, giúp GV có những thông tin phản hồi từ phía HS mà điều chỉnh giảng dạy tiếp theo. Hình thức kiểm tra vấn đáp thường được thực hiện qua những cuộc đối thoại giữa GV với HS, giữa HS với HS. Tuy nhiên câu hỏi nên đặt trong tình huống có vấn đề và đúng lúc. Khi HS trả lời GV cần chú ý lắng nghe, tôn trọng ý kiến cá nhân của các em, phải có ý kiến đánh giá nhận xét câu trả lời. Không nên chấp nhận trả lời đồng loạt của tập thể, uốn nắn những cách hiểu không đúng của HS.
Phan Ngọc Quang