Thứ năm, 20/4/2017, 21h26

Đội ngũ kế thừa sân khấu - điện ảnh: Kỳ 2: Đừng để... hụt hơi

Đã đến lúc, cần một sự đổi mới đồng bộ từ khâu tổ chức, đào tạo để có thể nuôi dưỡng một đội ngũ kế thừa cho ngành sân khấu - điện ảnh hiện nay.

SV Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM sau một buổi thi thực hành tiểu phẩm

Cơ chế thiếu tính đột phá

Hơn 40 năm qua, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM đã đào tạo rất nhiều thế hệ nghệ sĩ và cán bộ văn hóa nghệ thuật cho cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam. Từ ngôi trường này, rất nhiều thế hệ nghệ sĩ đã thành danh, góp sức phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Tháng 2-2017, trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và đại diện Bộ VH-TT&DL, Ban lãnh đạo Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM đã trình bày nhiều khó khăn trong việc thu hút SV, cơ sở vật chất cũng như các thiết bị để phục vụ việc dạy và học. Theo ông Vũ Ngọc Thanh, Hiệu trưởng nhà trường: “Khó khăn nhất chính là cơ sở vật chất của trường rất hạn chế. Do đặc thù đào tạo các ngành nghệ thuật nên cần có cơ sở thiết bị để phục vụ việc học, tránh học “chay” nhưng trường lại không có đầy đủ. Từ phim trường, phòng chiếu cho tới các loại đạo cụ… đều không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, với lực lượng giảng viên thiếu trình độ tiến sĩ, thạc sĩ theo quy định của Bộ GD-ĐT nên trường cũng không đủ khả năng mở thêm một số ngành học mới phục vụ nhu cầu của thí sinh…”. Với tính chất là một trường nghệ thuật đặc thù nhưng trang thiết bị máy móc, nhà hát thực nghiệm, sân khấu… vẫn thiếu trầm trọng. Nguyên nhân cơ sở vật chất của nhà trường đã xây dựng từ rất lâu, nay trở nên cũ kỹ, lạc hậu mà chưa có kinh phí thay thế, nâng cấp. Tham dự một buổi học của SV Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM tại địa chỉ 125 Cống Quỳnh (Q.1), chúng tôi mới hiểu được nhà trường hoàn toàn bị động trong việc mở rộng các lớp học để SV của trường có thêm những phòng học, sân khấu, trang thiết bị mới nhằm theo kịp xu hướng làm phim của thế giới. Đề án xây dựng cơ sở mới cho Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM tại Q.9 với tổng diện tích 8,6ha dù đã được Bộ VH-TT&DL phê duyệt kinh phí nhưng vẫn chưa khởi động được sau nhiều năm.

Vấn đề trăn trở của các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sân khấu - điện ảnh tại TP.HCM không chỉ là thiếu cơ sở vật chất mà còn ở vấn đề khó tìm được giảng viên đúng chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT. Cơ chế đã trói buộc sự tham gia đào tạo của những giảng viên giỏi. Dạy bậc ĐH diễn viên hay ĐH đạo diễn phải có bằng thạc sĩ... thì có mấy người? Thậm chí có những người có bằng cấp nhưng lại không giỏi, không có sản phẩm được xã hội công nhận và đánh giá cao thì lại được nhận vào làm công tác đào tạo. Cơ chế này sẽ giết chết các trường đào tạo chuyên nghiệp về văn hóa và nghệ thuật. Tình trạng eo sèo, thiếu vắng người học ở các ngành nghề then chốt, ở những ngành văn hóa nghệ thuật truyền thống trong danh sách bảo tồn cũng đang ở mức báo động. Các cơ sở đào tạo cũng như các đơn vị nghệ thuật truyền thống đều phải đối diện trước nguy cơ người học trên ghế nhà trường bỏ học, diễn viên đang công tác bỏ nghề, gây khó cho công tác đào tạo và hoạt động của đơn vị.

Cần sự liên kết chặt chẽ

SV sau khi tốt nghiệp - sản phẩm của nhà trường chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của các đơn vị nghệ thuật sân khấu - điện ảnh - truyền hình là một trong những vấn đề đau đáu trong công tác đào tạo đội ngũ kế thừa hiện nay. Rõ ràng, chúng ta cần một sự liên kết chặt chẽ hơn nữa từ nhiều phía.

Đạo diễn - NSƯT Công Ninh, Trưởng khoa Đạo diễn, Sân khấu - Điện ảnh, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cho biết: “SV ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đã tự tìm kiếm cơ hội công việc cho mình và tạo dựng được tên tuổi khi còn rất trẻ. Con số ấy rất khiêm tốn. Một số SV khi đã trở thành “người của công chúng” thì dễ bị chi phối bởi nhiều yếu tố mà xao nhãng việc học”.

Năng khiếu là bẩm sinh, nhưng để trở thành tài năng cần có quá trình đào tạo dài. Thực tế cho thấy khoảng cách từ nhà trường đến sàn diễn khá lớn. Nhiều người trẻ vốn có năng khiếu từ nhỏ nhưng sẽ không bộc lộ, tỏa sáng ngay trong một sớm một chiều vì họ cần thời gian rèn giũa, cần được đào tạo trong một môi trường bài bản, khoa học mới có thể bộc lộ hết được tài năng. Hiện nay, các trường đào tạo chính quy đang thiếu liên kết với các hãng phim, với các nhà sản xuất nên cần tăng tính thực tiễn cho SV ngay từ năm 2, năm 3 để SV có ngay sản phẩm thực tế.

Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tin vui đối với những người làm công tác văn hóa nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên, để đề án mang tính khả thi cao, nó rất cần một thiết chế văn hóa phù hợp. Theo đó, đối tượng của đề án là HS-SV đang theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong cả nước thuộc 7 lĩnh vực: Âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc và sáng tác văn học. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác phát hiện và đào tạo tài năng trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ, giảng viên, HS-SV đã đạt được các giải thưởng cao tại các cuộc thi tài năng trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ vẫn còn nhiều hạn chế, các chương trình đào tạo vẫn mang tính đại trà; chưa có phương thức tích cực và chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp, chính sách, cơ chế quản lý thích hợp và đồng bộ cho đào tạo, bồi dưỡng tài năng. Cấp bách hơn nữa là việc gìn giữ nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ mai một và thất truyền. Chúng ta cần nhiều hơn nữa sự chung tay từ nhiều phía để không hụt hơi trong quá trình tìm kiếm những người trẻ giữ “lửa” cho các loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc đang dần mất đi.

Đào tạo đội ngũ kế thừa sân khấu - điện ảnh chất lượng là nhu cầu cấp bách. Những hạn chế trong công tác đào tạo hiện nay cho thấy chúng ta đang còn rất nhiều việc phải làm mới mong có được những nghệ sĩ trẻ tài năng, tâm huyết với nghề trong tương lai.

Bài, ảnh: Yên Hà