Thứ năm, 7/1/2016, 22h23

Đồng bằng sông Cửu Long: Sốt xuất huyết trái mùa tăng cao

Theo số liệu của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, từ tháng 10-2015 đến nay đã tiếp nhận 520 ca sốt xuất huyết, tăng 212 ca so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 1 ca tử vong, trong khi 6 năm trở lại đây, tại bệnh viện chưa có trường hợp nào tử vong vì sốt xuất huyết.

BS đang khám bệnh cho cháu Danh Tuấn Kiệt

Nhiều hạn chế trong phòng - trị bệnh

BS.CKII Hà Anh Tuấn cho rằng: “Theo tôi, có khả năng do tình trạng biến đổi khí hậu khiến virus bị biến đổi về tuýp (hiện virus Dengue có 4 tuýp: Den-1, Den-2, Den-3, Den-4) nên tạo ra tình trạng sốt xuất huyết trái mùa tăng cao như hiện nay”.

Khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ (BV NĐ CT) có 39 giường bệnh nhưng thực kê 50 giường, vậy mà các giường đều nằm đôi, nằm ba… Anh Lê Văn Thời, 36 tuổi, ở xã Tân An Thạnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long âu yếm quạt cho con là cháu Lê Thị Huyền Trân, 10 tuổi, vừa từ Khoa Hồi sức tích cực & chống độc chuyển qua kể: “Huyền Trân bị bệnh sốt xuất huyết đã 16 ngày. Khi thấy con bị sốt, đau bụng, ói, nhức đầu, tôi đưa con vào BV Đa khoa huyện Bình Minh. Vô bữa trước, sáng hôm sau BV chuyển con tôi tới BV NĐ CT này”. Anh cũng cho biết thêm, ở xã của anh có nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết, cũng phải chuyển đến BV NĐ CT điều trị.

 Theo các BS chuyên khoa, dấu hiệu của bệnh có dạng biểu hiện xuất huyết dưới da, và dạng không biểu hiện ra ngoài. Cháu Nguyễn Thị Bảo Trân, 9 tuổi, ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, đang thở bằng máy và được theo dõi tích cực tại Khoa Hồi sức - Chống độc, BV NĐ CT. Cháu bị sốt xuất huyết nhưng không có biểu hiện xuất huyết dưới da. Mẹ của cháu, chị Lê Thị Vân, lấy tay lau nước mắt, nghẹn ngào: “Con em bị sốt cao, kêu đau bụng, nhức đầu. Em đưa đến trạm y tế, họ nói cháu bị viêm phổi. Chữa một tuần không hết mà sốt cao hơn, lại bị co giật, ăn gì cũng ói ra. Gia đình vội đưa đến BV NĐ CT. Cháu được chuyển vào Khoa Hồi sức này. Nằm ở đây 7 ngày rồi, bị tái sốc 2 lần. Hổng biết cháu có qua khỏi không?”…

Cũng có những trường hợp phụ huynh đưa con nhập viện trễ, khi bệnh diễn tiến nặng, khiến việc điều trị rất khó khăn. Trường hợp cháu Dương Văn Triều, 6 tuổi, ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, tử vong trong tháng 12-2015, cũng do cha mẹ chữa thuốc bên ngoài, đến khi vào BV NĐ CT thì tái sốc 2 lần và bị xuất huyết tiêu hóa nặng.

Dịch bệnh cần cảnh báo

TP.HCM: 7 trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong

Ngày 6-1, Sở Y tế TP.HCM đã họp giao ban với các trung tâm y tế dự phòng về tình hình dịch bệnh. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP, từ đầu năm đến nay toàn thành phố có 22.576 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 115% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 7 trường hợp tử vong (trong khi số ca tử vong năm 2014 là 5 ca). Riêng những ngày cuối tháng 12-2015, có 4.379 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, tăng 152% so với cùng kỳ năm 2014. Hiện nay trung bình mỗi tuần có khoảng 970 ca mắc sốt xuất huyết.

Với bệnh tay chân miệng, hiện nay trung bình mỗi tuần có 158 ca nhập viện, giảm 18% so cuối tháng 11, đầu tháng 12-2015 (là 194 ca/tuần). Cả năm 2015, toàn thành phố có 8.469 trường hợp tay chân miệng nhập viện, thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm 2014 (9.680) và đến nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Rất nhiều phụ huynh có con bị bệnh sốt xuất huyết cho biết, họ sống trong môi trường không được trong sạch. Ông Bùi Văn Mười, xã Tân An Thạnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, đang chăm con trai 10 tuổi bị bệnh sốt xuất huyết tại BV NĐ CT, cho biết : “Xóm tui hầu như nhà ai cũng đầy cỏ lác chung quanh. Trong nhà thì lu đựng nước mưa đầy lăng quăng. Hồi tháng 10 vừa qua, xóm tui có 5 cháu mắc sốt xuất huyết, cạnh nhà tôi có 2 anh em ruột cùng mắc bệnh. Còn bây giờ theo tui biết, có 6 cháu đang điều trị ở BV này”. Còn hoàn cảnh anh Danh Hậu thật đáng thương, nhà anh ở hẻm I, đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều, Cần Thơ. Hai vợ chồng làm mướn để mưu sinh, căn nhà bị xuống cấp, nền thấp, hàng xóm chung quanh cất nhà, tôn nền cao nên nhà của anh trở thành túi chứa nước. Hậu quả, cháu Danh Tuấn Kiệt, con anh chị, 12 tuổi, bị sốt xuất huyết phải nhập viện.

BS.CKII Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, BV NĐ CT nhận xét: “Phần lớn bà con có con mắc bệnh sốt xuất huyết đều sống trong những con hẻm, hoặc khu dân cư đông đúc, chật hẹp, điều kiện vệ sinh hạn chế. Số bà con dưới nông thôn cũng vậy, môi trường sống của họ bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới sức đề kháng của trẻ, các cháu rất dễ mắc bệnh”.

Trước đây, mùa mưa là cao điểm của bệnh sốt xuất huyết và chấm dứt khi bước vào mùa khô. Nhưng năm 2015 và kéo dài đến đầu năm 2016 này dịch bệnh không còn đi theo chu kỳ cũ. Hiện nay là đông xuân, thời tiết lạnh, vốn thuận lợi cho các bệnh viêm não, viêm đường hô hấp; tuy nhiên dù muỗi không sinh sản nhiều nhưng bệnh sốt xuất huyết vẫn tăng? Ngoài ra, theo BS.CKII Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực & chống độc, BV NĐ CT, dịch sốt xuất huyết năm nay còn những khác biệt: Xảy ra nhiều ở trẻ lớn, từ 12 đến 15 tuổi, đặc biệt là trẻ béo phì, có bệnh nhi nặng hơn 60kg. Việc điều trị cho các em này gặp khó vì phải cần lượng dịch truyền nhiều (truyền theo trọng lượng cơ thể) cho nên trẻ dễ bị suy hô hấp, phải thở bằng máy...

Bài, ảnh: Đan Phượng