Thứ ba, 25/4/2017, 22h45

Đưa nghệ thuật dân tộc vào học đường: Kỳ 1: Cách tiếp cận hiệu quả

LTS: Nỗ lực mang các loại hình nghệ thuật dân tộc đến các trường học để HS có thêm cơ hội tiếp cận là cách làm mà những người tâm huyết với sân khấu truyền thống không ngừng nỗ lực. Tuy vậy, vấn đề gieo mầm này cũng gặp không ít gian nan…

Chương trình “Giọt đàn yêu thương” tại Trường THPT Nguyễn Du

Những năm qua, các thể loại sân khấu dân tộc như đờn ca tài tử, tuồng, hát bội, cải lương, dân ca… đã được các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn trong một số trường học trên địa bàn TP và nhận được sự phản hồi tích cực.

Sức lan tỏa

Cách đây không lâu, dự án sân khấu học đường do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thực hiện đã được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Song, khi dự án kết thúc, tiền tài trợ không còn, vấn đề đưa sân khấu truyền thống vào học đường gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, không ít nghệ sĩ, những người tâm huyết với vấn đề này đã miệt mài đi trên con đường đầy gian khó ấy với mong muốn “mưa dầm thấm lâu”.

Từ đầu năm 2017 đến nay, nhà báo, đạo diễn Thanh Hiệp cùng một số nghệ sĩ đã thực hiện chương trình giới thiệu các bộ môn nghệ thuật truyền thống đến hơn 30 trường học trên địa bàn TP. Dù có nhiều băn khoăn, trăn trở, nhưng những người làm nghệ thuật tâm huyết vẫn có nhiều nỗ lực trong đầu tư, dàn dựng, tập luyện biểu diễn, nhằm phục vụ tốt hơn cho các khán giả còn ngồi trên ghế nhà trường. Những tên tuổi gạo cội của sân khấu như NSND Kim Cương, NSND Lệ Thủy, NS Phượng Liên, NSƯT Huỳnh Khải... là những nhân vật thường xuyên xuất hiện trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa về nghệ thuật truyền thống tại các trường học. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ trẻ.

Mỗi một chương trình đều có giới thiệu nội dung từng tiết mục và những đặc trưng ngôn ngữ của nó để các em HS hiểu được nội dung, ý nghĩa của trích đoạn và thấy được cái hay, cái đẹp, cái tinh tế trong nghệ thuật sân khấu truyền thống. Mong muốn là một sân chơi mang tính tương tác, trong chương trình giới thiệu có giao lưu cùng khán giả, giải thích thêm những điều các em chưa rõ, các nghệ sĩ còn mời các em lên sân khấu để thể hiện một số động tác múa, hát, diễn xuất cùng các nghệ sĩ. Nhà báo, đạo diễn Thanh Hiệp cho biết: “Một lần, chúng tôi đến với các em HS Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (Q.10) và nhận được sự reo hò, cổ vũ từ phía các em, sự chung tay từ phía nhà trường. Khi chương trình kết thúc, một em HS tìm đến tôi và ngỏ ý muốn được theo các cô chú trong đoàn tìm hiểu, theo đuổi nghệ thuật đờn ca tài tử. Chẳng thể nào nói hết niềm vui sướng khi nghe em chia sẻ như thế”. Thâm tâm không muốn bỏ hoạt động vì thế hệ trẻ nhiều ý nghĩa này, mỗi chương trình biểu diễn, nhiều nghệ sĩ cứ tự động viên mình kiên trì, nhẫn nại. Nghe được những lời chia sẻ của em HS ở Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám như vậy là họ đã phần nào thành công khi tạo được sự lan tỏa.

Nhịp cầu

Nhà báo, đạo diễn Thanh Hiệp cho biết: “Một lần, chúng tôi đến với các em HS Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (Q.10) và nhận được sự reo hò, cổ vũ từ phía các em, sự chung tay từ phía nhà trường. Khi chương trình kết thúc, một em HS tìm đến tôi và ngỏ ý muốn được theo các cô chú trong đoàn tìm hiểu, theo đuổi nghệ thuật đờn ca tài tử. Chẳng thể nào nói hết niềm vui sướng khi nghe em chia sẻ như thế”.

Giữa những loại hình văn hóa đang xâm nhập vào giới trẻ, thu hút sự quan tâm của các em HS còn ngồi trên ghế nhà trường, những buổi sinh hoạt chuyên đề về nghệ thuật truyền thống là khoảng thời gian hiếm hoi để các em có cơ hội đến gần hơn với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nằm trong chủ đề “Thanh niên với văn hóa dân tộc” do Trường THPT Nguyễn Văn Linh tổ chức xuyên suốt trong tháng thanh niên vừa qua, các em HS hào hứng với chương trình giao lưu cùng những nghệ sĩ cải lương, xuất thân trong gia đình có truyền thống lâu đời về cải lương như Gia Bảo, Bình Tinh... Có những em chưa từng được nghe vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh”, tân cổ “Lòng mẹ”... cũng đã bị lôi cuốn.

Nhận thức đúng giá trị di sản văn hóa dân tộc, Trường THPT Nguyễn Du cũng đã tổ chức chương trình “Giọt đàn yêu thương”. Chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh như NSƯT Tấn Giao, chuông vàng vọng cổ Nguyễn Thị Luận, Thanh Toàn, Tuyết  Nhung, Thanh Tiền, Hồng Ngọc… Những bài bản, điệu lý, câu hò và các trích đoạn cải lương… mang lại món quà tinh thần vô giá. Trên thực tế, nhiều HS vẫn rất thích nghe cải lương, đờn ca tài tử... và mong muốn có cơ hội được tìm hiểu về nghệ thuật này nhưng giữa môi trường giải trí như hiện nay, các em khó có điều kiện để thưởng thức, tìm hiểu.

Đem nghệ thuật truyền thống vào trường học như một buổi sinh hoạt ngoại khóa bổ ích cho các em, phần nào hỗ trợ công tác giáo dục học đường một cách sinh động, hấp dẫn. Cách làm này còn tạo nhịp cầu giao lưu, gắn bó, gần gũi giữa các nghệ sĩ với công chúng khán giả là HS các trường học. Thế nên, công việc tuy gặp không ít khó khăn, nhưng với sự hưởng ứng của nhiều đơn vị trường học đã giúp các ê-kíp thêm vững niềm tin, tiếp tục duy trì và cố gắng giới thiệu nhiều hơn nữa những buổi sinh hoạt ý nghĩa đến với HS.

Những khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng có thể tạo cho HS có thói quen tìm hiểu, yêu mến những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc có từ bao đời. Những nét văn hóa này nếu không được thế hệ trẻ quan tâm, yêu mến và gìn giữ thì sẽ sớm bị mai một.

Bài, ảnh: Thục Quyên