Thứ hai, 17/1/2011, 14h01

Đừng quên công tác chủ nhiệm ở tiểu học

Thầy cô chủ nhiệm không chỉ là người dạy chữ mà còn dạy HS nhiều điều tốt đẹp khác và cũng là người hiểu được tâm tư, tình cảm của trẻ nhiều nhất. Ảnh: H.V.H
Khác với trung học, giáo viên (GV) dạy các môn học ở tiểu học cũng là GV chủ nhiệm. Chính vì tập trung đầu tư công sức vào bài dạy của nhiều môn mà đa số thầy cô ở tiểu học gần như chỉ thực hiện công tác chủ nhiệm trên sổ chủ nhiệm và sổ liên lạc theo quy định.
Thực tế, công tác chủ nhiệm ở tiểu học rất quan trọng, nếu làm tốt, nó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho thầy cô trong việc giảng dạy, giáo dục học sinh (HS). GV tiểu học thường có thời gian gần gũi các em rất nhiều, một số trường hợp thầy cô tiếp xúc với HS còn nhiều hơn cha mẹ. Vì vậy, thầy cô chủ nhiệm không chỉ là người dạy chữ mà còn dạy HS nhiều điều tốt đẹp khác và cũng là người hiểu được tâm tư, tình cảm của trẻ nhiều nhất. Làm tốt công tác chủ nhiệm, GV có thể ngăn chặn được trẻ bỏ học, trẻ chán học, trẻ trầm uất vì gia đình, trẻ bỏ nhà đi hoang, trẻ giải quyết bất đồng bằng bạo lực… đồng thời phát huy được những năng khiếu tiềm ẩn ở các em, từ đó các em cũng thích đi học và thích học hơn.
Để làm tốt công tác chủ nhiệm, việc đầu tiên khi nhận lớp, GV phải nắm được thông tin cá nhân từng em. Lưu ý các trường hợp HS mồ côi, cha mẹ ly hôn, cha mẹ làm ăn xa (hoặc lý do khác) phải ở với người thân, gia đình quá khó khăn về kinh tế, bản thân các em bị bệnh mãn tính, bệnh phải điều trị dài hạn… Kế tiếp là các em được phụ huynh quá cưng chiều, các em học yếu, các em thường nghịch phá chọc ghẹo bạn bè. Các trường hợp này thường nảy sinh nhiều vấn đề trong năm học, bởi ở tuổi tiểu học, trẻ rất nhạy cảm, hành động theo bản năng, dễ bi quan trước những điều không tốt đẹp từ gia đình hay từ bạn bè trường lớp…. Từ những thông tin này, GV nên gần gũi trò chuyện tiếp xúc các em nhiều hơn, tạo cho các em sự thân thiết, tin tưởng để có thể dễ dàng bộc lộ tâm tư tình cảm, điều mong muốn của chính mình khi cần thiết. Qua đó, thầy cô hiểu các em hơn và kịp thời ngăn chặn những suy nghĩ nông cạn, sai lầm, các hành vi không hay… hướng các em vào điều tốt đẹp, lạc quan hơn.
Quan hệ mật thiết với phụ huynh HS cũng là điều hết sức quan trọng trong công tác chủ nhiệm. Đừng đợi đến các kì họp phụ huynh hay khi các em vi phạm nội quy trường lớp mới mời phụ huynh lên để trao đổi. GV có thể thăm hỏi chuyện gia đình, trao đổi cách dạy dỗ con em khi có dịp gặp mặt nhau như lúc phụ huynh đưa đón con em. Thầy cô cũng đừng để các cuộc họp phụ huynh là lúc phê phán, chê bai việc học tập, hạnh kiểm của HS. Hãy làm cho cuộc họp trở thành buổi trao đổi thân mật giữa người giáo dục trẻ em được đào tạo bài bản ở trường sư phạm và những người giáo dục trẻ theo bản năng, theo vốn hiểu biết của bản thân. Cả hai bên đều học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Làm được như thế, chắc chắn các thầy cô sẽ được sự tin yêu ở phụ huynh và họ sẵn sàng hỗ trợ cho GV trong mọi hoạt động học tập, sinh hoạt mà GV đề ra, cũng như dễ dàng cung cấp mọi thông tin về trẻ ở gia đình.
Ngoài ra, công tác chủ nhiệm còn phải làm cho lớp học đoàn kết, yêu thương nhau, luôn quan tâm gắn bó với nhau. Để tạo được một lớp học như thế, người GV cần phải tạo điều kiện cho HS thể hiện sự quan tâm của mỗi thành viên trong lớp, chẳng hạn như cho các em tự làm thiệp chúc mừng bạn trong lớp nhân ngày sinh nhật, bạn trai làm thiệp chúc mừng bạn gái nhân ngày 8-3, thăm các bạn bị bệnh, viết nhật ký lớp (mỗi HS viết 1 ngày, nêu tất cả những vui buồn của lớp trong ngày mà mình cảm nhận được), động viên các em tham gia tất cả các phong trào của trường, của đội, nhất là các phong trào đòi hỏi sự tham gia tập thể…
Có thể nói để vừa phải đảm bảo tốt việc truyền thụ kiến thức văn hóa ở nhiều môn học cho HS, vừa phải làm tốt công tác chủ nhiệm, đó là việc không dễ dàng nhưng “Chính sự quan tâm, lòng yêu thương và sự chia sẻ của người thầy đã giúp những đứa trẻ phát huy hết khả năng của chúng” – theo John O’brien. Mong rằng các thầy cô giáo tiểu học đừng quên điều đó.
Lê Phương Trí
(Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4)

GV đừng để các cuộc họp phụ huynh là lúc phê phán, chê bai việc học tập, hạnh kiểm của HS. Hãy làm cho cuộc họp trở thành buổi trao đổi thân mật giữa người giáo dục trẻ em được đào tạo bài bản ở trường sư phạm và những người giáo dục trẻ theo bản năng, theo vốn hiểu biết của bản thân.