Thứ năm, 31/12/2015, 23h08

Đường lên xứ Cùa

LTS: Gần 130 năm về trước, vùng Cùa, gồm hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) là nơi dừng chân của vua Hàm Nghi trên hành trình chống Pháp xâm lược. Tại đây, vua Hàm Nghi đã tuyên chiếu Cần Vương, kêu gọi văn thân, sĩ phu và Nhân dân trên khắp mọi miền đất nước chống giặc. Cùa hôm nay vẫn còn đó dấu xưa, tích cũ. Những người nông dân chân chất vẫn giữ gìn và phát triển sản vật cây trái từng được xem là đặc sản quê xứ từ trăm năm trước

Bài 1: Thương hiệu tiêu Cùa

“Tiêu Cùa được người tiêu dùng khắp nơi biết đến từ trăm năm trước bởi hương vị đặc trưng riêng có của loài cây bám rễ trên đất đỏ ba gian giàu vi lượng. Hôm nay, đặc sản “vàng đen” của bà con Cùa đã có thương hiệu, vào siêu thị rồi đấy!”, ông Nguyễn Hùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Chính phấn khởi cho biết.

“Tiêu Cùa là sản vật trời ban cho người dân nghèo xứ Cùa với chất lượng, hương vị đặc trưng”, ông Nguyễn Văn Tuệ nói

Ông Nguyễn Hùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Nói đến Cùa là phải nói đến chè, đến tiêu, cao su, nghệ, mít… Những loại cây trồng này khắp các miền trung du trên cả nước đều có, nhưng người dân Cùa tự hào với hương vị đặc trưng của các sản vật trồng ra trên đất đai quê xứ dầu dãi lắm nắng, nhiều mưa của mình. Chất lượng của hạt tiêu Cùa săn chắc, cay nồng, hàm lượng tinh dầu cao và mùi thơm đặc trưng riêng đi vào lòng người nhờ đó”.

Trồng tiêu theo chuẩn quốc tế

Trồng tiêu theo chuẩn quốc tế để nâng tầm vị thế của hạt tiêu Cùa là cách làm mới của những người nông dân trồng tiêu ở Cùa vài năm nay. Cách làm không chỉ từ trong nếp nghĩ mà có nghị quyết hẳn hoi. Nghị quyết chuyên đề với nội dung khôi phục và trồng mới 500ha hồ tiêu trong giai đoạn 2011-2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ là bước ngoặt đầu tiên đặt nền móng cho một thương hiệu vốn đã tồn tại bấy lâu trong tâm thức của người làm ra sản phẩm và người tiêu dùng. Nhiều chương trình dự án đã được chính quyền quan tâm lồng ghép nhằm để đẩy mạnh phát triển, khôi phục lại các vườn tiêu. Anh Nguyễn Văn Tuệ, ở thôn Mai Lộc 2 cho biết: “Tui tham gia dự án trồng tiêu đạt chuẩn quốc tế đã 3 năm nay. Với 600 gốc tiêu từ 3 đến 4 năm tuổi đã bắt đầu cho quả bói. Trước đây, để vườn tiêu cho quả phải mất hơn 5 năm. Nay được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật ươm giống, xử lý hố trồng, cải tạo vườn, cách sử dụng các vật tư, phân bón, chất kích thích, các chế phẩm sinh học an toàn… cây tiêu nhờ đó phát triển nhanh hơn, ít sâu bệnh hơn trước rất nhiều”. Còn ông Nguyễn Văn Sưu khẳng khái: “Trồng tiêu bây giờ mà không áp dụng khoa học kỹ thuật thì không hiệu quả! Tui trồng tiêu hơn 30 năm nay, với kỹ thuật canh tác cũ, dù hạt tiêu vẫn chất lượng nhưng tiêu trồng đến ngày thu hoạch lâu hơn, số lượng thu hoạch ít hơn. Ba năm nay tham gia CLB trồng tiêu theo chuẩn, không chỉ học được khoa học kỹ thuật trong chăm sóc mà hạt tiêu bán ra đã có đầu mối thu mua”.

Ông Nguyễn Hùng Lâm cho biết, dự án trồng tiêu theo chuẩn quốc tế do Tổ chức Rotpi hỗ trợ. Theo đó, cứ mỗi giai đoạn trong vòng 3 năm, bà con được hỗ trợ về kỹ thuật và 50% cây giống, phân bón…

Tiêu Cùa vào siêu thị

Chạy xe chầm chậm dọc những cung đường bê tông dẫn vào từng thôn xóm, mùa này, nhìn đâu cũng thấy tiêu đang bói quả. Những người nông dân, gương mặt lấm tấm mồ hôi đang miệt mài chăm sóc, nhặt tỉa lá vàng, bứt bỏ quả tiêu sâu để chờ mong một vụ thu hoạch bội thu. Những đôi tay lướt nhẹ trên tán lá làm lộ từng chùm quả căng mọng, xanh đậm lúc lỉu. Hít hà mùi ngai ngái, nồng cay của tiêu xanh trong làn gió lạnh, thứ mùi thơm nhẹ nhàng, dịu ngọt, không lẫn vào đâu được.

Mặc dù chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể về hạt tiêu vùng Cùa. Với những người buôn bán hồ tiêu lâu năm và người rành ăn thì chất lượng của hạt tiêu Cùa là lựa chọn số một. Danh tiếng tiêu Cùa không phải bây giờ mà đã có từ trăm năm trước, khi những người nông dân chân chất dâng sản vật quê nhà lên nhà vua khi thành Tân Sở vừa đắp lũy, xây thành. Ông Nguyễn Văn Phụng, một người dân ở Cam Chính kể lại: “Ngày bé tôi vẫn thường hay được nghe ông nội kể về những ngày vua Hàm Nghi đóng quân ở Cùa, bà con trong vùng vẫn thường dâng lên vua những sản vật như mít ngọt, lá chè xanh, chuối, tiêu… Những sản vật chắt chiu làm ra từ đồng đất quê nhà được vua khen là đặc sản hiếm nơi nào có được”.

Cũng có thời điểm cây hồ tiêu ở Cùa rớt giá thê thảm, dịch bệnh trên tiêu hoành hành khiến nông dân điêu đứng. Nhưng người Cùa không bỏ tiêu. Nhiều hộ gia đình chấp nhận cắt phần đất của mình để trồng lên đó những cây khác như sắn, cao su. Dẫu vậy, họ vẫn cố duy trì cây tiêu với niềm tin hồi phục vị thế của thứ vàng đen từng đem đến cho họ không chỉ cơm ăn, áo mặc, đời sống no đủ mà còn có cả niềm tự hào. “Người nông dân thời nào cũng vậy, có lúc cây trồng chủ lực của mình khiến mình lao đao nhưng nếu mất niềm tin vào nó thì khó có thể vực dậy tiềm lực”, ông Nguyễn Văn Sưu nói. Theo thống kê sơ bộ, hiện vùng Cùa có khoảng gần 400ha trồng tiêu. Sản lượng tiêu hạt thu về theo chuẩn trồng tiêu mới ước lượng mỗi hécta thu được khoảng 1,5 tấn. Hạt tiêu của bà con làm ra, phần lớn được Công ty TNHH một thành viên Thương mại Quảng Trị phối hợp thu mua, xây dựng thương hiệu cho hạt tiêu vùng Cùa. Năm 2013, hạt tiêu Cùa chính thức được công nhận đạt chuẩn quốc tế. Dẫu chưa được vẹn tròn trong quy trình gắn kết giữa hai nhà nông - thương, nhưng ở một góc độ nào đó, vị thế của hạt tiêu Cùa đã tìm lại được chỗ đứng xứng đáng trên thị trường.

Chạy xe chầm chậm dọc những cung đường bê tông dẫn vào từng thôn xóm, mùa này, nhìn đâu cũng thấy tiêu đang bói quả. Những người nông dân, gương mặt lấm tấm mồ hôi đang miệt mài chăm sóc, nhặt tỉa lá vàng, bứt bỏ quả tiêu sâu để chờ mong một vụ thu hoạch bội thu. Những đôi tay lướt nhẹ trên tán lá làm lộ từng chùm quả căng mọng, xanh đậm lúc lỉu. Hít hà mùi ngai ngái, nồng cay của tiêu xanh trong làn gió lạnh, thứ mùi thơm nhẹ nhàng, dịu ngọt, không lẫn vào đâu được. Tôi dám chắc, những người nông dân xứ Cùa một đời gắn bó, không thể rời bỏ làng quê, không thể bỏ cây hồ tiêu - cây trồng truyền thống của cha ông cũng bởi cái mùi nồng cay đầy nhung nhớ ấy!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên