Thứ ba, 10/1/2017, 19h52

Gặp gỡ “Tứ đại gia sân khấu”

Là những gương mặt được khán giả yêu thích, NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Quế Trân đã chiếm được nhiều cảm tình của khán giả trong buổi giao lưu “Tứ đại gia sân khấu” tại đường sách vừa qua.

NSND Kim Cương (thứ 2 từ trái qua phải) chia sẻ cùng khán giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình

Ngày Tết làm vui... cho người khác

Tiếp nối thành công của số đầu tiên về nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu, Công ty Văn hóa Phương Nam đã tạo điều kiện cho khán giả có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ của những gương mặt sân khấu quen thuộc, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa của Sài Gòn xưa và nay.

Những câu chuyện của họ đã mang đến nhiều điều bất ngờ và giây phút lắng đọng cho khán giả với ký ức về Tết Sài Gòn xưa, về những chuyện đời, chuyện người... Được mệnh danh là “kỳ nữ”, NSND Kim Cương in đậm dấu ấn trong lòng người xem với nhiều vai diễn để đời. Những năm tháng tuổi trẻ và mãi đến tận bây giờ, bà vẫn giữ trọn một niềm đam mê với sân khấu. Yêu sân khấu đồng nghĩa với những cái Tết, người nghệ sĩ không có được ngày vui trọn vẹn như bao người khác bởi họ phải đầu tắt mặt tối bám trụ ở sân khấu. “Cả đời tôi, kể cả mấy chục năm khi tôi đã rời xa sàn diễn, tôi không biết ăn Tết là gì. Tôi không có thói quen đi thăm ai, chúc Tết ai và cũng không ai có thói quen thăm tôi, chúc Tết tôi. Cứ Tết là chúng tôi hát ngày ba suất. Khuôn mặt hóa trang cứ để nguyên từ sáng đến khuya vì hóa trang lại rất lâu. Người nhà đem cơm vào tận rạp cho chúng tôi thông qua bảo vệ. Bảo vệ gọi tên người nào thì người đó ra nhận cơm, giống như ở tù được thăm nuôi. Công sức của người nghệ sĩ được ghi nhận nhiều hơn vì Tết chúng tôi lãnh ba cử lương”, NSND Kim Cương kể lại. Rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân) chính là nơi bà và đại gia đình đoàn kịch Kim Cương từng trải qua bao mùa diễn Tết trong quá khứ.

Với NSƯT Thành Lộc, Tết xưa trong ký ức của anh đầy kỷ niệm gắn bó với sân khấu. Đời nghệ sĩ, được bên gia đình trọn vẹn 3 ngày Tết là điều hiếm có. “Nghệ sĩ chúng tôi thường thư thả đón những ngày trước Tết, từ ngày ông Táo về trời đến trước đêm 30. Ngoài ra, các nghệ sĩ còn dành thời gian cho gia đình, làm bổn phận dâu rể những ngày giáp Tết. Sau đó là quay cuồng trong những suất diễn phục vụ khán giả”, NSƯT Thành Lộc chia sẻ.

“Tứ đại gia sân khấu” để lại nhiều cảm tình trong lòng khán giả bởi những sẻ chia chân thành. Dù trời đã trưa nhưng nhiều khán giả vẫn nán lại đường sách Nguyễn Văn Bình đến phút cuối của chương trình. Đi lên bằng con đường lao động nghệ thuật chân chính, đầy đam mê, những người nghệ sĩ ấy đã được khán giả nhớ đến với niềm kính trọng, nhiều yêu thương. 

Trong ký ức của NSƯT Hữu Châu, hình ảnh những ngày trước Tết, xe chở đầu lân ngang qua những con phố của Sài Gòn làm anh háo hức, mong chờ. Là thế hệ “sinh sau đẻ muộn”, những ngày Tết xưa của NSƯT Quế Trân là những kỷ niệm với đình Cầu Quan (nay là đình Thái Hưng). Nơi đây, Quế Trân cùng cha là cố NSND Thanh Tòng cùng đại gia đình gánh hát Minh Tơ đã gắn bó bao năm.

Đọc sách không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang

Trong buổi giao lưu, bốn nghệ sĩ còn chia sẻ với khán giả về thói quen đọc sách, thực trạng các chương trình gameshow hiện nay... Những ngày gian khó, NSND Kim Cương phải làm quen với giám đốc Thư viện Quốc gia để được mượn sách. “Tôi luôn giữ cho mình thói quen đọc sách. Tôi thích sách văn học nước ngoài. Khi đã lùi xa ánh đèn sân khấu, tôi tìm đọc sách về Phật pháp giúp tôi không còn sân si, nhìn cuộc sống nhẹ nhàng hơn”, NSND Kim Cương cho biết.

Thói quen đọc sách không chỉ giúp nghệ sĩ thư giãn sau những giờ diễn mà còn giúp họ học cách cảm nhận lời thoại tốt hơn. Theo NSƯT Thành Lộc, “người nghệ sĩ không chỉ cần khả năng diễn mà còn phải chịu khó đọc sẽ có kỹ năng viết và nói tốt. Khi đó, họ sẽ có lời thoại tốt và chuyển tải thông điệp đến người xem. Đọc sách không bổ bề dọc thì cũng bổ bề ngang”. Những năm tháng theo chân đoàn kịch nói Kim Cương đi diễn ở các tỉnh, NSƯT Hữu Châu cùng nhiều nghệ sĩ trẻ khác ấn tượng với cái rương sách rất lớn của đoàn. Khi ai muốn đọc sách lại tìm đến người quản lý rương sách này để hỏi mượn.

Với NSƯT Quế Trân, nhờ NSND Thanh Tòng hướng dẫn cách đọc sách, Quế Trân đã hiểu thêm về tuồng, hiểu về tính cách, ngôn ngữ, tâm lý nhân vật... để diễn tốt hơn vai diễn của mình. “Thế hệ nghệ sĩ của tôi khi đi học trong trường, ngoài kỹ năng diễn, các thầy cô còn giao bài tập bắt buộc là phải đọc sách. Vì công việc của người nghệ sĩ cũng là công việc của người trí thức nên kỹ năng đọc là thứ văn hóa chúng tôi không loại bỏ được khỏi công việc của mình”, NSƯT Thành Lộc,

“Tứ đại gia sân khấu” để lại nhiều cảm tình trong lòng khán giả bởi những sẻ chia chân thành. Dù trời đã trưa nhưng nhiều khán giả vẫn nán lại đường sách Nguyễn Văn Bình đến phút cuối của chương trình. Đi lên bằng con đường lao động nghệ thuật chân chính, đầy đam mê, những người nghệ sĩ ấy đã được khán giả nhớ đến với niềm kính trọng, nhiều yêu thương.

Bài, ảnh: Yên Hà