Thứ năm, 20/7/2017, 23h14

“Giã từ” nhạc sĩ Tô Thanh Tùng

Nhc sĩ Tô Thanh Tùng lúc sinh thi

Sau 2 năm chng chi vi căn bnh ung thư tin lit tuyến, sáng 19-7, nhc sĩ Tô Thanh Tùng đã trút hơi th cui cùng quê nhà TP.Sa Đéc, tnh Đng Tháp.

Bất kỳ ai gặp nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, tác giả của những ca khúc nổi tiếng “Giã từ”, “Sao em nỡ đành quên”, “Giăng câu”, “Tình cây và đất”, “Hồng Ngự mang tên em”, “Tiễn biệt”… cũng đều có cảm tình ngay lần đầu tiên. Vẻ mộc mạc, rất Nam bộ của ông được “đóng dấu” vào trong từng ca khúc. Và cuộc đời thăng trầm của Tô Thanh Tùng cũng được trải nghiệm trong từng lời ca, giống như lời trong ca khúc “Giã từ”: “Tuổi đời chân đơn côi/ gót mòn đại lộ buồn/ Đèn đêm bóng mờ nhạt nhòa…”.

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng sinh năm Giáp Thân (1944) tại tỉnh Đồng Tháp. Đam mê ca hát từ nhỏ và vì yêu cảnh sông nước quê mình nên ông đã tự mày mò sáng tác. Ông không được đào tạo bài bản về âm nhạc nhưng bằng tình yêu nghề và sức sáng tạo không mệt mỏi đã để lại cho đời hơn 200 tác phẩm rất có giá trị và phổ biến được khán giả yêu thích. Khởi đầu trong các sáng tác của ông là dòng nhạc trữ tình - bolero. Bản nhạc đầu tiên ký tên Tô Thanh Tùng là “Hồng Ngự mang tên em” (1963). Năm 1971, Tô Thanh Tùng tình cờ quen một cô ca sĩ miệt vườn tên Thu Vân có giọng hát rất hay, anh liền mời cô này từ Sa Đéc về Sài Gòn thu âm bài “Giã từ” để gửi cho đài phát thanh. Không ngờ với phong cách bolero tuyệt vời cộng hưởng cùng giọng hát da diết của Thu Vân, “Giã từ” đã làm lay động hàng triệu trái tim của thính giả yêu âm nhạc. Nhiều người đã bật khóc khi nghe bản nhạc này trong đêm vắng. Cô ca sĩ miệt vườn này cũng nổi tiếng từ đó, hiện cô đang định cư ở nước ngoài.

Những năm 90, khi chương trình Mưa bụi làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc lúc bấy giờ thì Tô Thanh Tùng lại một lần nữa khiến nhiều người ngạc nhiên khi trình làng ca khúc “Giăng câu” hết sức dân dã, khác với dòng nhạc bolero do Đình Văn và Tài Linh trình bày. “Giăng câu” mang âm hưởng rặt dân ca Nam bộ, được giới bình dân đặc biệt yêu thích.

Ca sĩ Bảo Yến, Hương Lan, hai trong những ca sĩ rất yêu thích dòng nhạc bolero của Tô Thanh Tùng đã gọi ông là người phổ thơ tuyệt vời với các bài “Người hàng xóm” của thi sĩ Nguyễn Bính, “Chùa Hương thiếu em” của nhà thơ - nhà báo Dương Trọng Dật. Vì vậy mà những năm tháng cuối đời, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng mong muốn có một đêm nhạc được tổ chức để mời hai giọng ca sở trường các ca khúc của ông nhưng vì bệnh tật ập tới mà ông đành lỗi hẹn.

Tô Thanh Tùng sống rất giản dị và chất phác. Với giai điệu bolero, các bài hát của Tô Thanh Tùng thường đem lại cảm giác buồn và đôi chút mất mát, ngậm ngùi. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng câu kết trong các bài hát của ông đều rất có hậu. Tình yêu dù đã ra đi nhưng vẫn nên giữ lại những điều ngọt ngào về nhau. Trước khi mất, ông viết một bài hát ngay trên giường bệnh: “Cuối cùng rồi cũng phải ra đi, không còn gì, không còn gì. Tôi trả lại hết cho đời, cho cha mẹ và bạn bè”.

Đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ Tô Thanh Tùng sẽ được tổ chức vào tối 30-7, tại Café Kasa (1 Đồng Nai, Q.10, TP.HCM). Chương trình không bán vé mà đặt thùng ủng hộ tại sân khấu. Toàn bộ số tiền sẽ được gửi về cho gia đình để hỗ trợ xây nhà mồ cho ông.

Xin tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa!

Minh Hin