Thứ ba, 9/1/2018, 22h14

Giành lại bạn đọc nhí

Từ lâu, văn học thiếu nhi là mảnh đất tiềm năng nhưng lại hay bị bỏ hoang. Một tín hiệu vui khi thời gian qua, các tác giả ở mọi lứa tuổi đã và đang nỗ lực giành lại bạn đọc thiếu nhi.

Văn học thiếu thi cần được phát hiện, nuôi dưỡng thường xuyên (độc giả nhí đến với một hội sách ở TP.HCM)

Ưu tiên độc giả nhí

Hơn mười năm trở lại đây, dòng sách thiếu nhi vẫn tiếp tục nỗ lực trên con đường chinh phục các độc giả nhỏ tuổi nhưng vẫn còn một khoảng trống không thể lấp đầy. Thực tế hiện nay cho thấy, dòng sách văn học thiếu nhi dường như đang thiếu trầm trọng những tác phẩm mới, những tác giả mới. Trong khi đó, các ấn phẩm văn học nước ngoài lại vô cùng phong phú, sinh động nên dễ dàng thu hút độc giả nhí.

Nhắc đến mảng văn học này, độc giả nhiều thế hệ vẫn luôn khắc ghi những đầu sách với những cái tên kinh điển như: “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Góc sân và khoảng trời”, “Kính vạn hoa”... Thế nên, những cú “hích” ở mảng văn học thiếu nhi với những tác phẩm mới xuất hiện trên làng văn như giải một cơn khát cho các em. Cây bút trẻ Văn Thành Lê không phải là tên tuổi quá xa lạ trong làng văn. Trong địa hạt sáng tác cho thiếu nhi, Văn Thành Lê từng có hai tác phẩm “Ông mặt trời và mùi hương của mẹ” và “Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu”. Những câu chuyện chốn làng quê mộc mạc, bình dị, những trò chơi của trẻ con vùng quê... được Văn Thành Lê khai thác nhẹ nhàng, tạo cho người đọc, nhất là độc giả nhí một không gian khác biệt hoàn toàn với chốn thị thành náo nhiệt. Với tác phẩm mới nhất “Trên đồi, mở mắt, và mơ”, Văn Thành Lê chia sẻ: “Viết cho thiếu nhi là cách để tôi được tắm nhiều lần trên dòng sông tuổi thơ. Tuổi thơ trong trí tưởng tượng. Tuổi thơ các em bây giờ. Đa phần đều gặp nhau ở sự hồn nhiên, tinh khôi đến tinh khiết và tinh nghịch đến tinh quái. Bởi vậy, khi cho câu chữ “bơi” về phía ấy, tôi thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, trường năng lượng mà có lẽ bất cứ ai cũng mơ màng muốn có”.

Có thể nói, với những người khoảng 30 tuổi đã có sách in sau đó chọn thêm việc viết cho thiếu nhi cũng đếm trên đầu ngón tay. Hồ Huy Sơn (1985) cũng là cái tên khá quen thuộc trong làng văn trẻ. Tập truyện ngắn “Con diều ngược gió” và “Đi qua những mùa vàng” vừa ra mắt như thổi một làn gió mới trong con đường viết văn của anh. Những ký ức tuổi thơ nơi miền quê trong trẻo, ngọt lành được Hồ Huy Sơn đưa vào tác phẩm nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người.

Chính sự ưu tiên nhiều hơn cho độc giả nhí, sự đa dạng trong phong cách viết của các tác giả đã làm nên sức hấp dẫn của văn học thiếu nhi, tạo nên một thể loại văn học vô cùng gần gũi, bình dị.

Phát triển lực lượng cầm bút

Ở mỗi giai đoạn, việc tiếp cận văn học thiếu nhi cần những bước đi mới, sáng tạo hơn. Bởi, không chỉ là một hình thức để giải trí, văn học thiếu nhi còn là cuốn cẩm nang hữu ích, cung cấp cho trẻ những kiến thức cần thiết về các lĩnh vực trong đời sống, xã hội. Khi trẻ háo hức mở những trang sách văn học là khi các em được tiếp cận một cái nhìn mới mẻ, một thế giới quan đầy sinh động khiến cho tuổi thơ thêm tươi đẹp hơn.

Với tác phẩm mới nhất “Trên đồi, mở mắt, và mơ”, Văn Thành Lê chia sẻ: “Viết cho thiếu nhi là cách để tôi được tắm nhiều lần trên dòng sông tuổi thơ. Tuổi thơ trong trí tưởng tượng. Tuổi thơ các em bây giờ. Đa phần đều gặp nhau ở sự hồn nhiên, tinh khôi đến tinh khiết và tinh nghịch đến tinh quái. Bởi vậy, khi cho câu chữ “bơi” về phía ấy, tôi thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, trường năng lượng mà có lẽ bất cứ ai cũng mơ màng muốn có”.

Trong nhịp sống hiện đại, sự xuất hiện của các thể loại sách điện tử, các chương trình giải trí trên mạng,... đã phần nào làm giảm đi sự hứng thú của trẻ nhỏ đối với sách văn học. Trong khi các bậc phụ huynh vẫn luôn mong muốn tâm hồn con em mình được nuôi dưỡng bằng những tác phẩm văn học trong sáng, đúng tâm lý lứa tuổi, giàu tính nhân văn. Nhìn lại con số những nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi trong cả nước mới thấy lực lượng này quá mỏng. Thế nên, chùm sách thiếu nhi mới ra mắt có sự đa dạng về tuổi của những người sáng tác nên việc tiếp cận trẻ em trong đời sống hiện đại cũng đã đem đến những góc nhìn mới, góp phần làm phong phú hơn các đề tài văn học thiếu nhi.

Vừa qua, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập, NXB Kim Đồng vừa giới thiệu chùm 5 tác phẩm đoạt giải thưởng Vận động sáng tác cho thiếu nhi, bao gồm: Những tấm lòng yêu thương (Hoàng Bình Trọng), Nhạc giữa trời (Nguyễn Thị Bích Nga), Những vì sao trong mơ (Nguyễn Ngọc Minh Hoa), Cẩm chướng đỏ (Bùi Đặng Quốc Thiều) và Mùa bay (Nguyễn Trang Thu). Đặc điểm dễ nhận thấy là chùm 5 tác phẩm đoạt giải đều mang hơi thở đời sống đương đại nên có thể tiếp cận với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi, góp phần quan trọng vào việc giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em cả về đạo đức và trí tuệ.

Giống như các dòng văn học khác, văn học thiếu thi cần được phát hiện, nuôi dưỡng thường xuyên. Mảng văn học này đang rất cần đến những “bệ đỡ” từ các cơ quan chức năng để phát triển.

Bài, ảnh: Yên Hà