Thứ tư, 9/1/2013, 14h01

Giáo viên cần biết lắng nghe, chia sẻ

Phụ huynh và giáo viên phải biết lắng nghe và chia sẻ để giáo dục học sinh được tốt hơn

Giữa giáo viên và phụ huynh có chung một đối tượng chăm sóc, giáo dục là học sinh. Trong khi mỗi giáo viên phải giáo dục vài chục học sinh thì phụ huynh chỉ chăm sóc 1-2 đứa con. Tuy nhiên, thỉnh thoảng giữa giáo viên và phụ huynh lại không tìm được tiếng nói chung; mâu thuẫn sẽ lớn dần nếu cả hai không chịu lắng nghe và chia sẻ…
Phụ huynh bức xúc
Chị Ngân ở quận 1 có con học tại một trường mầm non, kể: “Một hôm tắm cho con, tôi nhìn thấy một dấu đỏ lớn bằng bàn tay ở phía sau đùi trái của bé. Tôi hỏi: “Con bị sao thế này”. Bé trả lời: “Cô giáo đánh”. Nghe đến đây, tôi đã thấy nóng trong người rồi nhưng vẫn cố bình tĩnh hỏi cho ra đầu ra đuôi. Tôi hỏi: “Sao cô giáo lại đánh con. Tại con hư phải không?”. Bé trả lời: “Mấy hôm trước, thấy các bạn trong lớp có người lớn tới đón mà chưa thấy ba mẹ nên con chạy ra ngoài cửa ngóng. Cô lôi con vào và lấy dép của cô đánh vào chân con”. “Sao con không nói ngay với mẹ hôm con bị đánh?”, tôi nổi nóng với con. Bé trả lời: “Con sợ lại bị cô đánh”…”.
Còn chị Hoa ở quận 7 cũng bức xúc không kém, bởi thái độ của nhà trường đối với con mình. Chị kể: “Buổi chiều, tôi đến trường đón con (con chị lúc đó đang học lớp 2 - PV) thì bảo vệ cho biết con tôi đang ở Bệnh viện quận 7. Tôi vội chạy đến bệnh viện. Tại đây, tôi thấy má trái của cháu bị dán một miếng băng lớn. Bên cạnh cháu là một cô giáo mà sau đó tôi mới biết là giáo viên dạy thể dục. Cô kể, trong giờ tập thể dục, con tôi bị té. Sau khi bàn giao con cho tôi, cô giáo ra về. Lần đó con tôi phải nằm viện 4 ngày. Trong khoảng thời gian này, không một ai trong trường - từ cô giáo chủ nhiệm đến ban giám hiệu tới thăm cháu. Thậm chí, khi cháu đi học lại, cô chủ nhiệm còn nói: “Sao em nghỉ học nhiều thế”…”.
Một trường hợp khác là chị Khánh - phụ huynh một học sinh lớp 7 ở quận Bình Thạnh. Trong kỳ thi học kỳ I vừa qua, môn văn của con chị chỉ được 6 điểm trong khi em này học rất khá môn văn. Vì vậy, chị làm đơn xin được phúc khảo. Kết quả, không những giáo viên không tiếp nhận đơn mà còn có thái độ khiến chị vô cùng bức xúc. Tệ hơn, cô giáo còn có những lời nói khiến con chị không muốn đi học nữa…
Giáo viên phải nhận lỗi trước
“Của đau, con xót”, thấy con bị cô giáo đối xử như vậy có phụ huynh nào mà lại không bức xúc, thậm chí là nổi nóng.
Chẳng hạn như trường hợp của chị Ngân, ngay buổi sáng hôm sau, chị đã tới gặp ban giám hiệu nhà trường và yêu cầu phải kỷ luật cô giáo nếu không sẽ làm lớn chuyện. Lúc đó, cô hiệu trưởng đã xin lỗi phụ huynh và hứa sẽ giải quyết thỏa đáng. “Trước thái độ của cô hiệu trưởng, tôi phần nào “hạ hỏa”. Trong trường hợp cô hiệu trưởng một mực bênh cô giáo thì chắc chắn tôi sẽ làm đơn gửi lên Phòng GD-ĐT…”, chị Ngân cho biết.
Trường hợp của chị Hoa cũng vậy. Chị tính chuyển trường cho con nhưng trước đó phải “quậy” cô giáo một trận. Cũng may, chị chưa kịp làm gì thì tình cờ gặp cô phó hiệu trưởng. Khi biết chuyện cô đã ngỏ lời xin lỗi vì chưa kịp tới thăm con chị… “Nói chuyện với cô xong, tôi bỏ luôn ý định chuyển trường cho con và “quậy” cô giáo chủ nhiệm của cháu”, chị Hoa nói.
Riêng trường hợp chị Khánh, chị đã làm đơn chuẩn bị “cuộc chiến” với cô giáo chủ nhiệm và cũng là giáo viên dạy văn của con. May mắn là sau mấy ngày “căng thẳng” với phụ huynh và học sinh, cô giáo này đã phần nào nhận ra lỗi của mình nên ôn hòa hơn. Chị kể: “Khi tôi vào trường để gặp cô hiệu trưởng thì gặp cô giáo của con. Cô khuyên tôi nên rút đơn xin phúc khảo và hứa học kỳ II sẽ giúp đỡ cháu học tốt hơn. Thấy nếu làm căng quá thì con chỉ có nước chuyển trường khác, mà tôi thì không muốn nên chấp nhận đề nghị của cô…”.
Về vấn đề của chị Khánh, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết phụ huynh có quyền làm đơn phúc khảo khi họ có thắc mắc về điểm thi của con. Và nhà trường phải có trách nhiệm chấm lại bài. Vì vậy thái độ của cô giáo nói trên là sai, đặc biệt là khi cô nói với phụ huynh rằng: “Phúc khảo chỉ có nước xuống điểm chứ không bao giờ lên” và với học sinh là: “Mẹ em quậy quá…”.
Đành rằng giáo viên cũng có những lúc nóng giận, nhất là khi nói học sinh không nghe; nhưng “giận quá mất khôn” sẽ dễ làm mất đi hình ảnh đẹp trong mắt học sinh và phụ huynh.
Bài, ảnh: Kim Anh
ThS. Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) - cho rằng giáo viên cần phải đặt tình huống mình là cha mẹ học sinh để hiểu và thông cảm cho những bức xúc của họ. Trước tiên, phải lắng nghe những gì phụ huynh nói. Sau đó thì phải nhận lỗi và xin lỗi phụ huynh. Tiếp theo là phân tích cho phụ huynh thấy cái lỗi của học sinh, bởi có nhiều em quậy lắm, cô giáo nói không nghe. Đến khi giáo viên trách phạt thì về nhà nói với ba mẹ là bị cô giáo bạo hành…