Thứ bảy, 10/6/2017, 19h58

Giáo viên mừng vì hạn chế các cuộc thi các cuộc thi

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết từ năm học tới, ngành giáo dục sẽ không lấy việc đăng ký viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) làm tiêu chí đánh giá thi đua.

Quy định không lấy việc đăng ký viết SKKN làm tiêu chí đánh giá thi đua được các GV đồng tình (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng có yêu cầu tinh giảm các cuộc thi nhằm giảm áp lực cho giáo viên (GV). Trước những thông tin mới này, từ GV đến lãnh đạo nhà trường đều hết sức đồng tình ủng hộ.

Bảo vệ cũng viết… SKKN

Viết SKKN nhằm đáp ứng tiêu chí chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên hoặc GV dạy giỏi. Tuy nhiên, trước đây chỉ có GV tham gia viết, còn hiện nay từ bảo vệ đến phục vụ, văn thư... cũng vào cuộc. Và tất nhiên, chất lượng sáng kiến có phần bị hạn chế.

Ông Lê Phương Trí (GV tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 4, TP.HCM) thông tin: “Cứ đầu năm, những ai đăng ký lao động tiên tiến là phải viết SKKN. Ngoài GV thì bảo vệ, phục vụ, văn thư… của trường cũng viết. Có không ít SKKN sao chép, toàn lý thuyết, không có tính ứng dụng. Ngay bản thân tôi, năm nào cũng phải viết hộ gần chục SKKN cho bạn bè, đồng nghiệp… Mới đây nhất là viết giúp cô phục vụ ở trường và các sáng kiến đều đạt, hay”.

Một GV dạy lớp 5 tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) chia sẻ: “Tất cả đều xuất phát từ yêu cầu đáp ứng tiêu chí danh hiệu thi đua nên viết SKKN đã thực sự không ổn về chất lượng. Ngoài GV có tâm, có năng lực viết ra những SKKN có chất lượng thì hầu hết đều lấy từ một nguồn nào đó trên mạng. Và phần lớn viết xong rồi để đó, không áp dụng thực tế”.

Trước những bất cập trên, quyết định ngay từ năm học tới không lấy đăng ký SKKN làm tiêu chí thi đua của Bộ GD-ĐT đều được GV đồng tình ủng hộ. Ông Trí cho rằng, các ngành khoa học kỹ thuật, sáng kiến là làm ra một cỗ máy, một sản phẩm mới, một quy trình sản xuất cụ thể, rõ ràng, áp dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Đối với giáo dục, sáng kiến chỉ là ý tưởng vận dụng cho điều kiện của từng lớp, từng trường, ít sáng kiến nào có thể áp dụng rộng rãi. “Không lấy đăng ký viết SKKN làm tiêu chí đánh giá thi đua là hoàn toàn hợp lý. Đồng thời còn giảm áp lực công việc cho GV”, ông Trí nói.

1 năm, GV phải tham gia vô số cuộc thi

Trong năm học thường diễn ra nhiều cuộc thi cấp trường, cấp quận, cấp sở và cấp bộ dành cho GV. Nổi bật phải kể đến các cuộc thi GV dạy giỏi, GV sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin... Không thể phủ nhận, mỗi cuộc thi đều trải qua nhiều vòng thi như làm đồ dùng dạy học, dạy một tiết có chuẩn bị, dạy một tiết đột xuất, thi vấn đáp về phương pháp dạy, xử lý tình huống giáo dục... giúp GV có cơ hội rèn luyện tay nghề, đặc biệt là GV trẻ. Tuy nhiên, xét về chất lượng vẫn xảy ra những cuộc thi mang tính chất lý thuyết, phong trào chưa kể ảnh hưởng đến thời gian đầu tư chất lượng bài giảng trên lớp.

“Tham gia các cuộc thi khiến GV bị ảnh hưởng thời gian đầu tư bài giảng, nếu không muốn ảnh hưởng thì bắt buộc thầy cô phải mang việc về nhà, hết sức vất vả. Chưa kể, trong quá trình tham gia, GV nào muốn bài thi chất lượng thì phải tự bỏ thêm tiền đầu tư vì kinh phí nhà trường hạn hẹp. Nhưng kết quả không phải lúc nào cũng như mong muốn”, ông Lê Phương Trí tâm sự.

Ông Lê Phương Trí cho biết: “Tham gia thi GV dạy giỏi, GV sẽ làm một bài lý thuyết về các văn bản hay phương pháp dạy học, nộp một SKKN, dạy 2 tiết có chuẩn bị trước. Đối với các trường có nhiều học sinh khá giỏi, điều kiện cơ sở vật chất tốt, dạy thông qua bảng tương tác... thì chắc chắn GV sẽ đoạt giải. Ngoài các giải thưởng, GV nào dự thi cấp quận đều được công nhận là GV chủ nhiệm giỏi. Ngược lại, các trường nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất chưa tốt... sẽ không tránh được thiệt thòi, số lượng GV đoạt giải rất hiếm hoi, từ đây dẫn đến tâm lý dự thi cho có phong trào. Xét về cuộc thi GV chủ nhiệm giỏi còn ít hơn vì chỉ là thi lý thuyết, kiểm tra sổ sách, SKKN, vấn đáp”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Đức Khoa (Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, TP.HCM) nhận định: “GV chắc chắn bị chi phối về thời gian, cụ thể sẽ có ít thời gian đầu tư chuyên môn bài giảng khi tham gia các cuộc thi. Yêu cầu tinh giảm các cuộc thi, chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy - học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát triển năng lực phẩm chất GV, học sinh là hết sức phù hợp, cần thiết”.

Ông Khoa kiến nghị thêm: “Nếu có tổ chức một số cuộc thi thì không nên đưa vào chấm điểm thi đua, vì tiêu chí đưa ra, chắc chắn GV phải cố tham gia, như vậy vô tình thầy cô lại bị áp lực”.

Đồng quan điểm với ông Khoa, GV dạy lớp 5 tại quận Bình Thạnh ở trên ý kiến thêm: Bộ GD-ĐT nên xem lại việc tổ chức các cuộc thi, cần hướng đến chất lượng, hiệu quả nhiều hơn.

Trên thực tế, hằng năm GV không chỉ tham gia các cuộc thi GV giỏi mà còn tham gia không ít cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao, khéo tay chào mừng các ngày lễ 8-3, 20-10, 20-11…; các cuộc thi y tế học đường, tìm hiểu pháp luật… Điều này cho thấy đội ngũ GV đang phải làm không ít công việc ngoài giảng dạy chuyên môn chính.

Bài, ảnh: Ngọc Trinh