Thứ ba, 29/11/2016, 20h46

Giờ học khai thông nhận thức

Được đưa vào trường học để trở thành phương cách rèn luyện đạo đức có hiệu quả, giáo dục kỹ năng sống đang từng bước làm thay đổi nhận thức, hành vi của học sinh khi sống trong một môi trường nhiều thách thức. Đó chính là sứ mệnh của bộ môn Giáo dục công dân với những tác động sư phạm để hình thành được năng lực hành động tích cực giúp học sinh có khả năng thích nghi với cuộc sống.

Thầy - trò cùng đối thoại 

Đây là thông điệp mà các em học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) gửi đến cho nhau qua chuyên đề Tôi - Bảo vệ tôi do tổ bộ môn giáo dục công dân của trường thực hiện.

Tiếng nói muôn màu sắc

Có nhiều nhóm học sinh tham gia nhưng tựu trung lại, chuyên đề Tôi - Bảo vệ tôi được thực hiện dưới 3 hình thức chính: làm một đoạn phim ngắn, thuyết trình theo nội dung, vẽ poster. Đoạn phim ngắn Lăng kính yêu thương là câu chuyện nội tâm của một nhân vật nữ tên Vy sống trong môi trường đặc biệt do nhóm làm phim lớp 12AD2 dàn dựng. Môi trường đó đầy đủ về cuộc sống tinh thần nhưng lại thiếu hụt sự quan tâm của gia đình, trong đó có cha mẹ. Học hành sa sút, tâm lý buông xuôi là hậu quả nhãn tiền khó tránh khỏi khi Vy vướng vào tệ nạn xã hội. Cho đến khi được sự quan tâm của bạn bè, thầy cô, Vy mới tỉnh ngộ dù hơi muộn nhưng có còn hơn không. Ngoài hình ảnh chân thực, nhóm làm phim đã miêu tả cuộc đối thoại qua hình ảnh làn sóng điện trên màn hình vừa thể hiện sự sáng tạo vừa nhuộm thêm màu sắc sinh động cho một đoạn phim ngắn. Trong lúc đó, nhóm làm phim lớp 10D1 lại trình làng video clip về chủ đề Quấy rối tình dục. Tuy chỉ là tình huống giả định nhưng người xem thật sự phẫn nộ khi tình trạng này có mặt khắp nơi. Hậu quả là nỗi khiếp sợ và mất niềm tin vào cuộc sống sau khi bị những cú sốc về tâm lý nặng nề. Đáp án mà nhóm làm phim đưa ra đó là hãy tự bảo vệ mình trước khi có sự giúp đỡ của người khác. Sau một lớp luyện võ, cô nữ sinh đã biết tự phòng thủ trước sự tấn công của kẻ khác dù thể lực có thể chênh lệch. “Tôi bảo vệ chính tôi” là điều cần thiết trước khi có sự ra tay bảo vệ của người khác.

Trong vai một bác sĩ chuyên khoa, Nam Anh (lớp 10D3) lại đưa ra những lời khuyên thiết thực về vấn đề bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Với kiến thức tìm hiểu được qua sách vở, “bác sĩ” Nam Anh chỉ ra bài học đắt giá cho việc coi thường chế độ ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Ngoài trang bị kiến thức về y khoa để hiểu khái lược một số bệnh tật thường gặp, con người phải xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, tích cực vận động và luyện tập thể dục. Hãy tự bảo vệ chính mình bằng cách tránh xa các chất kích thích ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài như rượu bia, thuốc lá, ma túy.

Nói ít hiểu nhiều chính là đặc trưng nổi bật của các poster do các lớp đưa ra triển lãm trong chuyên đề. Sự che chắn bảo vệ bản thân mình được nhóm học sinh lớp 12AD1 cụ thể hóa bằng hình ảnh những tấm khiên che đỡ mọi sự tấn công bên ngoài của điều ác. Không chỉ dùng biện pháp ẩn dụ thông qua các hình ảnh mang tính biểu tượng, poster của các lớp đưa ra còn tận dụng những sắc màu cần thiết để nói hộ thông điệp mà các em muốn gửi đi. Nếu màu đen là tiếng nói của cái ác, điều xấu xa thì màu trắng tượng trưng cho những gì cần trân trọng để hướng tới tương lai với màu hồng, màu đỏ thắm tươi.

Thấm thía bài học trên ghế nhà trường

Dù đi bằng nhiều nẻo đường khác nhau nhưng hầu hết 12 tiết mục được vào chung kết đều hướng tới thực trạng hiện nay của học sinh khi bị áp lực từ nhiều phía bủa vây vì niềm hy vọng của gia đình và bệnh thành tích nơi nhà trường. Từ đó đã gây ra hệ lụy khôn lường cho cá nhân học sinh và cả nền giáo dục. Một số học sinh bị trầm cảm do stress và không ít em đã dại dột tìm đến cái chết đau lòng. Cũng trong chuyên đề này học sinh đã chỉ ra được các thủ phạm như bài vở quá tải, sự kỳ vọng của thầy cô, cha mẹ, thiếu kỹ năng sống… đã vô tình gây ra hậu quả đáng buồn.

Các em học sinh chơi trò chơi kiểm tra về áp lực học tập

Không dừng lại đó, các em đã tìm được nhiều câu trả lời hữu ích để cho bản thân và bạn bè hướng tới như có thời gian vui chơi giải trí, kết bạn thân để sẻ chia tâm sự, tham gia các đội nhóm, câu lạc bộ nhằm phát huy sở trường cá nhân. Chơi các môn thể thao, điều khiển cảm xúc, suy nghĩ tích cực cũng là cách cải thiện cuộc sống lành mạnh, lạc quan hơn. Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo, phải biến cái cản trở thành lực tác động để vươn lên: “Mọi thứ tiêu cực, áp lực thử thách đều là cơ hội để tôi vươn lên” như thông điệp mà các nhóm học sinh chuyển tải.

Bài học Tôi - Bảo vệ tôi càng thấm thía hơn khi các em được TS. tâm lý Lê Thị Linh Trang và ThS. giáo dục Phạm Phúc Thịnh trao đổi về những bài học cần  thiết để tự bảo vệ bản thân một cách có hiệu quả nhất. Không cần những trang sách dài dòng, không mượn những lời dạy giáo điều lý thuyết, chuyên đề Tôi - Bảo vệ tôi như đánh giá của thầy Hà Hữu Thạch (Hiệu trưởng nhà trường) đã mang đến cho học sinh những bài học thật sự hữu ích bởi vì đó là tiếng nói và việc làm của những người trong cuộc. Đây chính là thế mạnh của các tiết học giáo dục kỹ năng sống khi có sự tương tác của học sinh để các em biết làm chủ kiến thức và kinh nghiệm sống ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang