Thứ ba, 18/10/2016, 20h31

Giúp con chủ động tránh xa thói hư tật xấu

Để giúp con tránh xa những thói hư tật xấu, cha mẹ phải thật sự kiên trì, chịu khó, kết hợp với các phương pháp giáo dục đúng đắn, kịp thời.

Gia đình nên giúp trẻ nhận thức về tác hại của những tật xấu (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Không ít bậc cha mẹ thắc mắc rằng phải chăng khi các con của chúng ta lớn lên thì những nết xấu mới hình thành và nguyên nhân gây nên những tính nết xấu như lười biếng, ăn cắp vặt, đua đòi, gian dối… là do từ phía xã hội? Thực tế cuộc sống đã chỉ rõ hoàn toàn không hẳn như vậy. Các nết xấu kể trên thường hình thành ở độ tuổi nhi đồng và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu không được ngăn chặn, uốn nắn kịp thời, khi các cháu đã lớn, các thói xấu đã ăn sâu mới sửa thì sẽ rất khó khăn, thậm chí trẻ phải trả giá trước luật pháp.

Nếu trẻ bị nhiễm những tật xấu như lười biếng không chịu học tập, làm việc phụ giúp gia đình, chuộng hình thức, thích chưng diện đồ trang sức, tiêu hoang, ham mê trò chơi điện tử, ăn cắp vặt… thường không còn hứng thú và tâm trí để tập trung vào các hoạt động tích cực và kết quả học tập không cao. Vì thế, các em không để tâm đến sự phát triển của thể chất lẫn tâm lý, thường rơi vào tình trạng thể lực kém, tinh thần uể oải, suy nhược. “Cây non dễ uốn”, khi trẻ còn nhỏ mắc những chứng tật xấu kể trên, dù thật đáng buồn nhưng cũng là thời điểm tốt nhất để giáo dục sửa chữa, uốn nắn. Đồng thời đưa ra những phương pháp thích hợp để giúp trẻ hình thành những thói quen tốt tránh xa nếp sống xấu.

Trước hết, gia đình hãy giúp trẻ nhận thức sâu sắc về tác hại của những tật xấu. Các cháu tuổi nhi đồng nếu mắc phải những tật xấu thường là do trẻ có nhận thức lệch lạc như: mình còn nhỏ cha mẹ phải yêu thương, chiều chuộng, đáp ứng mọi đòi hỏi của mình; cha mẹ phải làm mọi việc và mình không cần phải làm gì hết; mình phải được sống tự do, thoải mái, thích làm gì thì làm… Từ đó nảy sinh tâm lý ích kỷ, đua đòi, lười nhác, tùy tiện, thiếu kỷ luật, buông thả… Nếu các cháu chưa nhận thức ra vấn đề thì rất khó để thay đổi, sửa chữa những thói hư tật xấu đó. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy kiên trì, dùng những lời lẽ thuyết phục, nêu lên những sự việc cụ thể sinh động để giúp trẻ thấy tác hại của những tật xấu, thức tỉnh lòng hướng thiện ở trẻ.

Chọn những biện pháp cụ thể, thiết thực và khéo léo để ngăn chặn những hành vi sai trái. Chẳng hạn, nếu cha mẹ phát hiện trẻ vừa ăn cắp vặt vừa nói dối như trường hợp bé V. - ở Q.Tân Bình, TP.HCM lên 8 tuổi, đã lấy của mẹ 100 ngàn để mua đồ chơi chia cho các bạn. Chị T. - mẹ của V. phát hiện được nhưng chỉ nhẹ nhàng hỏi con: “Mẹ mất một ít tiền để trong ví, không biết con có nhặt được không?”. V. lí nhí trả lời: “Con không biết đâu mẹ ạ!”. Vợ chồng chị T. “giả lơ” một thời gian, không đề cập đến chuyện mất tiền nong gì cả. Đồng thời chị cũng kiểm soát con gái kỹ hơn. Thỉnh thoảng kể con nghe vài câu chuyện về tác hại của thói xấu lấy cắp đồ người khác. Hơn một tháng sau, dường như đã “thấm” sự ăn năn, hối hận, V. đã thẳng thắn nhận lỗi với mẹ và tự hứa với gia đình không tái phạm nữa. Gia đình chị T. đã khéo léo đưa bé V. vào tình huống tự xem xét bản thân. Để bé phải tự đối mặt với sai lầm mà mình gây ra và tự giác nhận lỗi. Đó là một trong nhiều phương pháp giáo dục hữu hiệu mà các bậc cha mẹ cần tìm hiểu và vận dụng trong giáo dục con cái của mình. Tuy nhiên, với trường hợp trẻ mắc quá nhiều tật xấu, bị nhiều nhóm bạn xấu lôi kéo, cha mẹ phải khéo léo, kiên nhẫn thậm chí quyết định đưa con đến môi trường sống mới, hy vọng trẻ sẽ thay đổi.

Cần lập ra nội quy gia đình để ràng buộc các hành vi của trẻ. Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi nhi đồng là kinh nghiệm sống chưa nhiều, khả năng tự kiềm chế kém. Do vậy, trẻ dễ mắc những thói hư tật xấu từ người khác. Bởi vậy, khi thấy có dấu hiệu mầm mống của hiện tượng trẻ nhiễm những tật xấu, cha mẹ phải nghiêm khắc, kiên quyết cùng trẻ ngăn chặn ngay. Khi đã uốn trẻ được theo xu hướng tốt, để tạo điều kiện cho trẻ tiến bộ liên tục, gia đình hãy cùng trẻ thảo luận đề ra những quy ước sinh hoạt phù hợp để ràng buộc các hành vi của trẻ. Chẳng hạn, cấm không ai được nói dối, tuyệt đối không được ăn cắp, không được nói tục chửi bậy... Điều quan trọng là các thành viên khác trong nhà phải gương mẫu tuân theo. Đồng thời phải tạo được bầu không khí gia đình vui vẻ, đầm ấm, đồng thuận, mọi người trong gia đình luôn quan tâm, tôn trọng lẫn nhau.

Để giúp con tránh xa những thói hư tật xấu, cha mẹ phải thật sự kiên trì, chịu khó, kết hợp với các phương pháp giáo dục đúng đắn, kịp thời. Gia đình phải đồng hành để giúp trẻ sớm tỉnh ngộ, nâng cao khả năng tự kiềm chế bản thân và tạo sự hợp tác từ phía trẻ thì mới bảo đảm chắc chắn giải quyết được vấn đề.

Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)