Thứ sáu, 20/1/2012, 21h01

Góp Hương cho đời!

Cô Vương Thị Thanh Hương cùng hai con. Ảnh: Như Hùng

34 tuổi đời, 13 năm tuổi nghề, cuộc sống đã cho chị nhiều trải nghiệm thú vị về nghề giáo. Và nếu thời gian có quay trở lại, chị vẫn chọn phấn trắng bảng đen để làm nghiệp cho mình. Ở đó, chị tìm thấy niềm vui, sự đam mê nghề nghiệp - nhưng hơn tất cả - chị thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa mỗi khi giúp được một học sinh (HS) nghèo học hành tiến bộ. Chị là Vương Thị Thanh Hương, GV Trường Tiểu học Lương Định Của (Q.3).
Nặng nợ với nghề
Đôi lúc chị tự hỏi: Không biết lý do đưa chị đến với nghề giáo gọi là “duyên” hay là “nợ”? Hồi còn học phổ thông, chị đã mơ ước mai này trở thành cô giáo để hằng ngày được lên lớp lắng nghe tiếng đọc bài ê a của lũ trẻ. Chị yêu trẻ con lắm! Chỉ cần nghe chúng nói chuyện, chơi đùa thôi là chị dường như quên hết mọi công việc người lớn giao phó. Ấy vậy mà bỗng nhiên đến năm lớp 12, thời điểm quan trọng để quyết định tương lai cho chính mình thì chị lại “nhảy” sang thích nghề hướng dẫn viên du lịch để được đi nhiều nơi và khám phá những điều thú vị. Đắn đo giữa hai sự lựa chọn, chị nộp hồ sơ thi cả hai ngành nhằm thỏa mãn ham thích nhất thời và ước mơ đeo đuổi bấy lâu. Nhưng có lẽ, do có “nợ” với nghề “gõ đầu trẻ” nên cánh cửa ngành du lịch đã không mở ra với chị. Vậy là an phận với ước mơ trở thành cô giáo, chị vẫn đều đặn mỗi ngày đạp xe lên Trường Trung học Sư phạm, chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng tốt nhất làm hành trang cho mình. Mãi cho tới khi tham gia kiến tập tại các trường tiểu học, và nhất là chuyến đi làm tình nguyện cho những người dân ở huyện Nhà Bè, chị mới thấy hết ý nghĩa lớn lao của nghề giáo. Tạm xa rời với cuộc sống ồn ào nơi trung tâm thành phố, chị mới hiểu thế nào là sự đói nghèo, thế nào là nỗi khổ của những người không biết chữ. Lớp học xóa mù do chị đảm nhận chỉ có 8 người. Nhưng lần đầu tiên đứng lớp, chị không khỏi sốc khi “học trò” có những người đáng tuổi cha, tuổi chú mình. Họ là bác xe ôm, cô bán vé số, anh bán kẹo kéo… ngày ngày rong ruổi khắp nơi để mưu sinh, mang về cho gia đình miếng cơm, manh áo. Chỉ đến khi màn đêm buông xuống, họ mới tạm gác lại công việc để dành chút thời gian đến lớp. Đang học mà “học trò” văng tục vì ghép vần không được, hay những câu chuyện sặc mùi “chợ búa” là điều rất bình thường ở lớp học này. Duy có môn toán là các bác học rất nhanh vì ngày nào cũng phải lẩm bẩm tính toán chuyện tiền nong. Mãi rồi cũng thành quen, chị kiên trì và cố gắng gần gũi với tất cả thành viên trong lớp. Càng tiếp xúc, chị càng thấy thương “học trò” của mình. Chỉ có một tháng làm chiến dịch nhưng với lòng quyết tâm và thái độ làm việc nghiêm túc, “học trò” của chị đã biết đọc và ghép hết tất cả các vần trong bảng chữ cái. Ngày chia tay, những lời cảm ơn, mời chào ngày gặp lại của “học trò” khiến chị ngậm ngùi. Kỉ niệm nhỏ ấy trở thành động lực để chị thêm yêu nghề giáo.
Ra trường, chị được phân công về dạy tại Trường Tiểu học Lương Định Của (Q.3). Với kinh nghiệm và sự dạn dĩ sau những lần đi kiến tập, tình  nguyện, chị được Ban giám hiệu tin tưởng giao cho dạy lớp 2, một lớp tương đối khó vì là giai đoạn hình thành cho trẻ những hiểu biết ban đầu về câu văn, đoạn văn. Càng gần gũi học trò, chị nhận ra lớp mình có nhiều em học yếu, thậm chí còn chưa viết chữ thành thạo. Đây lại là những học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ mải mê bươn chải nên không có thời gian quan tâm dạy dỗ. Với quyết tâm không để học trò yếu kém, chị đã xin phụ huynh cho mình được dạy phụ đạo sau mỗi buổi tan trường khoảng 45 phút và nếu phụ huynh nào muốn có thể đưa con tới nhà cô giáo để được kèm cặp thêm mà không phải tốn một đồng học phí nào. Vậy là sau buổi tan trường, chị lại gạt đi những muộn phiền, mệt mỏi của một ngày làm việc để dạy dỗ lũ học trò nghèo. Có những hôm phụ huynh vì lý do nào đó không tới đón được, cô giáo lại kiêm luôn việc đưa con họ về nhà. Trời đã chẳng phụ lòng người, chỉ sau một thời gian ngắn, đám học trò được chị kèm cặp đã theo kịp các bạn trong lớp, nhiều em còn được đứng trong danh sách khen thưởng học sinh giỏi cuối năm do nhà trường trao tặng.
Thấm thoắt đã 13 năm trôi qua. Nhưng ký ức ngày nào cứ như những thước phim hiện ra trong đầu chị. Ra trường, chị đi làm được hai năm thì ba chị mất. Một thời gian sau lại mẹ mất. Là con lớn trong gia đình, đôi vai gầy yếu của chị trở thành trụ cột để lo cho hai đứa em đang tuổi trưởng thành. Những tưởng, chị đã không thể đứng vững với đồng lương ít ỏi của một giáo viên mới ra trường giữa thời buổi “thóc cao gạo kém”. Nhưng chính tình cảm, ánh mắt ngây thơ của học trò đã cho chị động lực để bước tiếp. Ngày ngày, sau những giờ kèm cặp HS yếu, chị lại mở lớp dạy thêm ở nhà, tranh thủ thời gian rảnh chạy “sô” một vài nơi để tiếp tục bám trụ với cuộc sống. Nghĩ lại những ngày tháng ấy, chị không khỏi ngậm ngùi…
Cho đi là còn mãi
Giờ đây, cô sinh viên nhỏ nhắn, hay khóc nhè ngày nào đã trở thành một cô giáo chững chạc, được nhà trường và nhiều phụ huynh tin tưởng bởi năng lực và chữ “tâm” trong nghề. Ngần ấy năm trôi qua, chị không nhớ nổi mình giúp cho bao nhiêu đứa học trò đọc thông viết thạo, làm được những phép toán mà trước đây chúng phải “đánh vật” thật lâu vẫn không ra đáp số. Chị cũng chẳng nhớ được đã bao nhiêu lần chị dành dụm số tiền ít ỏi để đóng học phí cho học trò nghèo. Đổi lại công sức và tấm lòng ấy là những món quà được tạo ra từ bàn tay và suy nghĩ non nớt của những cô bé, cậu bé đang tuổi ăn, tuổi lớn. Đó là bức tranh vẽ cô giáo đang giảng bài với lời nhắn “Em yêu cô nhiều lắm!”, là những tấm thiệp nhiều màu sắc với những nét cắt không liền tay, hay là bài thơ giấu vội của cậu học trò với từ ngữ rất ngô nghê… Mỗi khi nhận được những món quà như thế, chị thấy lòng mình vui khôn tả, coi đó là động lực để phấn đấu hơn nữa. Mới đây thôi, chị còn kèm cặp cho một em HS gần như mắc chứng bệnh tự kỷ, thường làm việc riêng và không chú ý bài giảng. Những khi bị ức chế hay bị la rầy, em còn đập bàn và la hét trong lớp học. Để cảm hóa được cậu HS này, chị đã dành nhiều thời gian hỏi han, tâm sự, đưa em về nhà để dạy thêm. Chị còn gặp gỡ với GV chủ nhiệm cũ, gia đình và bạn bè để hiểu thêm tính cách của cậu HS đặc biệt này. Và chị nhận ra rằng, dạy HS tự kỷ không khó như suy nghĩ của bao người. Chỉ cần một chút quan tâm, một chút dịu dàng, nhường nhịn, cậu học trò khó tính ấy đã ngoan ngoãn nghe lời và tiếp thu bài tốt.
Và như bao phụ nữ khác, chị cũng đã có một mái ấm để chăm lo với một ông chồng - nhiếp ảnh gia được cả giới nghệ sĩ Sài thành biết đến - và hai nhóc tỳ xinh xắn. Dù vậy, chị vẫn đi về như con thoi các buổi chiều tối trong tuần để dạy dỗ học trò. Lấy chồng, chị càng thấy tự hào khi gia đình và họ hàng bên chồng đều có truyền thống làm nghề giáo. Bản thân anh cũng từng là đồng nghiệp và giúp đỡ chị trong những ngày đầu về trường. Với chị, vợ chồng là phải biết sẻ chia, tin tưởng và tôn trọng nghề nghiệp của nhau, bởi mỗi người đều có một công việc, một sự say mê. Và chị nhủ rằng: tất cả những gì chị đã làm là cũng chỉ để góp thêm chút Hương cho cuộc đời này.
Tường Lan