Thứ năm, 20/4/2017, 21h16

Góp ý chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Phát huy vai trò khoa học để xây dựng chương trình

Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bên cạnh những ý kiến đồng thuận cũng có những ý kiến trái chiều. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Huỳnh Công Minh (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) xung quanh dự thảo này.

TS. Huỳnh Công Minh. Ảnh: N.Quang

PV: Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các cấp tiểu học, THCS và THPT có môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn, môn học tự chọn bắt buộc. Theo ông như vậy có cần thiết không?

- TS. Huỳnh Công Minh: Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT vừa công bố, các cấp tiểu học, THCS, THPT sẽ có các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn, môn học tự chọn bắt buộc. Theo tôi, các môn học được phân chia như vậy là cần thiết vì THPT là bậc học có sự định hình phân luồng về nghề nghiệp. Chúng ta không thể ôm đồm phát triển toàn diện chung chung như trước đây vừa tốn công vừa không hiệu quả. 

Vì sao có một số môn học bắt buộc mới được đưa vào so với trước đây như: Giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, tìm hiểu công nghệ (cấp tiểu học), giáo dục kinh tế pháp luật, thiết kế công nghệ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo (cấp THPT), thưa ông?

- Các môn học mới thật ra về mặt nội dung trước đây cũng đã có rồi nhưng chưa tập trung theo ý đồ đào tạo. Theo dự thảo, các môn học này được đặt tên mới để thể hiện đầy đủ hơn mục tiêu đào tạo đồng thời thực hiện tích hợp một số nội dung chưa tập trung trước đây.

Theo dự thảo, việc đánh giá kết quả được chia ra các loại như: đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, đánh giá trên diện rộng sẽ có lợi như thế nào đối với người học, thưa ông?

- Một trong những nhược điểm của việc thực hiện chương trình cũ trước đây là cách đánh giá. Vì vậy đổi mới nội dung chương trình phương pháp và mục tiêu giáo dục tất yếu phải đổi mới phương thức đánh giá thi cử. Hơn nữa về mặt khoa học đánh giá thường xuyên, định kỳ có thẩm định là phù hợp.

Thưa ông, dự thảo đưa ra một số điểm mới như: học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT, Sở GD-ĐT một số địa phương tự biên soạn sách giáo khoa, đổi tên môn học, điều chỉnh nội dung... Những điểm mới này có tác dụng gì trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy hiện nay trong nhà trường? 

- Đây cũng là điểm mới của dự thảo chương trình mà xã hội đồng tình và nhiều năm qua đã có kiến nghị. Phải coi lại cách tổ chức thi tốt nghiệp tập trung và việc Bộ GD-ĐT chỉ ban hành một bộ sách giáo khoa! Xét cấp bằng tốt nghiệp theo một lộ trình khoa học và hợp lý là việc nên làm trong giai đoạn hiện nay. Cho phép những ai có điều kiện biên soạn và ấn hành sách giáo khoa theo chương trình đã được phê duyệt là một sự phát triển tất yếu của nhà trường hiện đại.  

Nếu được mời tham gia góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì ông có những đề xuất gì? Làm thế nào để chương trình phù hợp với đối tượng người học, tránh nhồi nhét kiến thức một cách thụ động, phát huy tính sáng tạo tích cực, rèn luyện tốt kỹ năng sống cho học sinh?

- Tôi được Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam và Bộ GD-ĐT mời góp ý chương trình tổng thể tại Hà Nội. Điều đầu tiên tôi tâm đắc là về cách làm, nhất trí cách làm Bộ GD-ĐT đã chọn nhà khoa học để phụ trách như vậy sẽ phát huy vai trò khoa học để xây dựng chương trình. Đồng thời qua đó tiếp thu sửa đổi, bổ sung kế thừa những giá trị trước đây mà ban biên tập đã làm. Về nội dung, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đáp ứng được tinh thần Nghị quyết 29 TW là xây dựng con người có năng lực, loại bỏ hình thức giáo dục đối phó, cách dạy lý thuyết từ chương nặng nề không đáp ứng được xu thế và nhu cầu thời đại. Vấn đề còn lại là chương trình chi tiết và bộ sách giáo khoa. Chương trình tổng thể khi được thông qua phải quan tâm và lắng nghe ý kiến các nhà khoa học góp ý.

Xin cảm ơn ông!

Phan Ngọc Quang (thực hiện)