Thứ sáu, 25/7/2008, 11h38

Hạnh phúc giản dị!

1. Hạnh Thúy là một diễn viên hài duyên dáng, nét diễn “tưng tửng” nhưng rất tự nhiên của chị đã “ghi điểm” trong lòng của khán giả cả nước trong nhiều vai diễn trên sân khấu lẫn phim ảnh. Nếu như trên sân khấu, “mối duyên hài” của Hạnh Thúy và nghệ sĩ Mai Dũng được khán giả rất yêu mến thì trong cuộc sống đời thường, “mối duyên” giữa chị cùng nghệ sĩ  điêu khắc Phan Phương là nồng nàn và bền vững nhất.

Ông xã của chị ngoài công việc điêu khắc còn là một nhà kinh doanh nhà hàng có thâm niên. Lúc đầu quen nhau, cả hai chỉ xác định là bạn bè nhưng dần dần tình yêu đến lúc nào không hay. Vốn là nghệ sĩ nên cả hai cũng khá lãng mạn. Chị đi diễn thường xuyên nên phương tiện giao lưu giữa hai người chính là “nấu cháo điện thoại”… bằng thơ. Có những bài anh cho rằng mình làm tặng riêng chị nhưng chị nghe quen lắm. Sau này mới biết anh “mượn” thơ của những thi sĩ nổi tiếng để làm lời tỏ tình. Chị nhớ nhất là bài thơ Thần tượng do chính anh làm “Ngôi thần tượng tầm tay không với tới; Lời loạn ngôn tôi trót nói ra rồi…”. Năm 1999, anh chị chính thức “góp gạo thổi cơm chung”, đến năm 2001 chị tặng cho anh cô con gái dễ thương Phan Thúy Anh hiện là học sinh giỏi lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Sơn Hà.

 Gia đình Hạnh Thúy
2. Ông xã của chị vốn là một người rất chu đáo. Tất cả những ngày gì có liên quan đến vợ đều có quà tặng. Còn chị bận rộn với nhiều lịch diễn nên đôi khi tâm trí hay lơ đãng. Cho nên để bù lại, có những ngày thật bình thường, chị cũng tạt vào một cửa hiệu nào đó mua quà tặng anh xem là “quà khuyến mãi”. Là người kinh doanh nhà hàng nên anh cực kỳ sành ăn và nấu ăn cũng rất ngon. Anh thường xuống bếp làm món đãi hai mẹ con. Thỉnh thoảng chị cũng vào bếp làm một số món ăn, dù cả hai cha con luôn miệng khen ngon nhưng chị biết rằng đó là những lời “nịnh nọt” chứ thật ra trình độ nấu ăn của chị còn rất xoàng. Nhưng làm sao có thể trách chị bởi chị cứ đi quay, đi diễn suốt. Nhiều khi đói là nhảy xộc vào một quán ăn nào đó cho xong bữa. Anh chị đều xác định là không được mang công việc về nhà. Khi về nhà phải là người của gia đình. Dù bận rộn đến đâu nhưng mỗi tuần, anh chị vẫn dành một ngày chủ nhật cho nhau và cho con. Đó là ngày mà anh chị gọi vui là “Ngày gia đình khép kín”, có điện thoại cũng kiên quyết không nghe. Anh là người  chăm sóc và dạy con khéo. Không có chị ở nhà, anh dạy cho con học, chở con đi chơi điện tử hoặc đi mua sách đĩa. Xem ra hai cha con rất hợp “rơ” nhau.

3.Với chị, anh là một khán giả cực kỳ khó tính. Vai diễn nào của chị anh cũng tìm ra được cái dở để chê. Lúc đầu chị cũng bị “sốc” và hay giận anh về việc này. Nhưng khi bình tĩnh lại thì nhận thấy những lời góp ý nhẹ nhàng của anh thật đúng. Bây giờ khi làm vở nào, mời anh đi xem chị cũng đều hỏi: “Hôm nay anh chê cái gì” để biết mà sửa chữa. Cuộc sống gia đình của chị cũng dễ thở, cả hai không can thiệp vào công việc của nhau cũng như  không áp đặt nhau bất cứ chuyện gì. Gia đình thường xuyên nói chuyện hài cho cuộc sống vui vẻ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn xảy ra chuyện cơm không lành canh không ngọt, nhưng rất nhỏ. Chẳng hạn anh làm nhiều món ăn, chị ăn không hết nhưng tiếc không chịu bỏ cứ cho vào tủ lạnh. Anh mang đổ đi, chị tiếc của, thế là giận. Những lúc đó, cô con gái chính là chiếc cầu nối cho hòa bình lập lại. Chị vốn biết ông xã mình không thích chị diễn những cảnh tình ái sướt mướt quá đáng. Chính vì vậy, khi nhận bất kỳ vở diễn nào, chị đều tránh có những cảnh diễn như thế. Chị bảo: “Ông xã đã không thích thì đừng nên làm, “cái tôi” của mình đôi khi phải được đặt đúng chỗ. Bởi lẽ gia đình không phải là “phép thử”. Những chuyện nhỏ như thế nếu như không chú ý có thể gây ra những tác hại lớn làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình…”. Chị luôn quan niệm: Đừng nên làm điều gì để đánh mất niềm tin của nhau. Phải luôn tìm những cái hay cái tốt để hạnh phúc bền vững. Dù là đã vợ chồng nhưng mỗi ngày phải luôn bồi đắp cho nhau để tình yêu càng thêm mới mẻ.

KHÔI NGUYÊN