Thứ năm, 2/7/2015, 22h56

Hãy nói lời sẻ chia với con trẻ

Cha mẹ dành thời gian lắng nghe, chia sẻ sẽ dễ dàng hiểu được tâm lý của con. Ảnh: T.LÊ

Là cha mẹ ai cũng muốn con ngoan ngoãn. Nói để con nghe lời sẽ không khó nếu như cha mẹ hiểu được tâm lý của con và sẵn sàng dành thời gian lắng nghe, chia sẻ.

Không nên la mắng con

Nhiều phụ huynh thường phàn nàn về những đứa con “Nói nhẹ không ưa muốn nói nặng”, phải để đến khi quát mắng lên thì mới chịu nghe lời. Đó cũng là tâm lý chung của các bậc làm cha làm mẹ khi muốn con làm một việc gì đó theo ý mình nhưng không được đáp trả. Phải chăng trong những trường hợp ấy phụ huynh nên bình tĩnh lắng nghe, hỏi han chia sẻ cùng con xem tại sao con không muốn làm rồi hẵng buông lời trách mắng. TS. Ngô Xuân Điệp (Trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Theo  tâm lý chung thì không một ai thích nghe những lời quát mắng và đối với những đứa trẻ khi bị cha mẹ la mắng dù có lý hay vô lý thì chúng đều tỏ ra bất mãn và thậm chí còn muốn chống đối. Chính vì vậy, cha mẹ không nên la mắng con mà chỉ cần sử dụng ngôn từ dứt khoát, thống nhất, thuyết phục sẽ khiến trẻ hiểu ra vấn đề”. TS. Điệp cũng chia sẻ một câu chuyện trong một gia đình: “Bé N.A là học sinh ở một trường THCS nhưng được cha mẹ nuông chiều mà mua cho iPad. Dần dần bé lâm vào tình trạng nghiện phim, thích chơi facebook nên kết quả học tập dần sa sút. Thấy vậy, mỗi khi đi học về thì bố mẹ lại quát “không chịu học hành gì cả, kết quả chẳng ra gì lại còn suốt ngày phim với phò…”. Tuy nhiên, trong những trường hợp như vậy cha mẹ nên xem xét lại mình có lỗi hay không và cũng cần phải quan tâm, chia sẻ với đứa trẻ để hiểu ra vấn đề chứ không phải liên tục sử dụng những câu la mắng để khiến trẻ ngày càng chống đối.

Mỗi đứa trẻ là một tính cách

Để con ngoan và biết nghe lời, cha mẹ cũng đừng bao giờ áp đặt con. Mỗi đứa trẻ là một tính cách nên cha mẹ hãy dựa vào tính cách của con để dạy con. Chỉ cần trẻ thấy mình được quan tâm, chia sẻ, yêu thương cũng sẽ yêu thương mọi người xung quanh.

Dân gian thường có câu “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, do đó không nên áp đặt tính cách của đứa trẻ này với đứa trẻ khác hay áp đặt suy nghĩ của cha mẹ vào con cái. Đối với trẻ dưới 3 tuổi đây là giai đoạn bé đang phát trển toàn diện và rất cần có sự tương tác với cha mẹ nên cha mẹ hãy dành thời gian vui chơi với bé để nắm được tính cách của trẻ. Đối với lứa tuổi tiểu học các em đã trở nên nhanh nhạy hơn với mọi thứ xung quanh, có xu hướng thích khám phá, tìm hiểu nên thường tò mò dễ gây cho cha mẹ những tâm lý bị làm phiền bởi những câu hỏi hóc búa. Tuy nhiên cha mẹ cần kiên nhẫn giải đáp các thắc mắc của con trẻ một cách thuyết phục chúng sẽ cảm thấy mình được quan tâm. Khi các em đã bước sang tuổi teen thì tâm lý áp đặt của cha mẹ luôn gây nên những khó chịu và tạo tâm lý phản kháng. Đây là giai đoạn các em tập làm người lớn nên cha mẹ cần thấu hiểu trong mọi vấn đề. TS. Điệp khẳng định: “Sự hình thành nhân cách của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như gia đình, môi trường sống, xã hội… Ngày nay, việc hình thành nhân cách cho trẻ khó hơn trước rất nhiều do cha mẹ ít có thời gian dành cho con cái. Chính vì vậy, cha mẹ hãy là tấm gương sáng để cho con cái noi theo”.

Nghiêm Quế

Dạy con ngoan mà không cần la mắng

Theo các phụ huynh chia sẻ tại tọa đàm “Định hình nhân cách cho con trẻ từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” thì đòn roi, la mắng con không phải là cách để cha mẹ giúp con phát triển nhân cách. Thay vào đó, hãy nói lời yêu thương, những câu “Bố yêu con”, “Mẹ yêu con”, “Con yêu bố mẹ” mới là những câu thần chú hiệu nghiệm trong giao tiếp gia đình. Để con ngoan và biết nghe lời, cha mẹ cũng đừng bao giờ áp đặt con, hãy để con được sống đúng cuộc đời của con. Mỗi đứa trẻ là một tính cách, vì vậy cha mẹ hãy lựa theo tính cách của con mà dạy con. Chỉ cần con biết mình được yêu thương, được tôn trọng, con sẽ biết tôn trọng những người xung quanh và đó chính là con người có nhân cách. Muốn con ngoan, trước hết bố mẹ phải là tấm gương cho con. Dù bận thế nào, bố mẹ cũng phải dành thời gian cho con và cho gia đình.

M.N