Thứ tư, 13/3/2013, 15h03

Học chữ Hán - Nôm để hiểu về chủ quyền biển đảo

Lớp học Hán - Nôm ngày càng thu hút nhiều người theo học

Ở TP.Đà Nẵng có một lớp học đặc biệt. Đặc biệt không chỉ diễn ra vào những ngày rằm và mùng 1 âm lịch hàng tháng; các học viên đa phần đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, mà còn đặc biệt ở chỗ mục đích của học viên là tự học để có thể tự mình dịch, nghiên cứu, hiểu hơn về chủ quyền Hoàng Sa qua các tài liệu bằng chữ Hán - Nôm để truyền lại cho con cháu… Đó là lớp học tại Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng đã được mở gần chục năm nay.
Ngôi nhà của ông Huỳnh Phương Bá (84 tuổi) ở đường Trưng Nữ Vương, TP.Đà Nẵng vào những ngày rằm, mùng 1 hàng tháng rộn ràng hơn hẳn mọi ngày. Tiếng thầy giáo đọc quy tắc cách viết chữ Hán, chữ Nôm; cắt nghĩa của từ đều đặn vang lên theo từng nét phấn đậm, nhạt. Học viên đa phần đều đã ở vào độ tuổi tóc ngả màu vẫn chăm chú lắng nghe và nắn nót từng nét bút lên xuống. Bà Lê Hà (61 tuổi), quê ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, cách trung tâm TP gần chục cây số cho biết: “Chữ Hán - Nôm kể ra rất khó học nhưng khi đã biết rồi thì lại “say” lắm. Lúc nào trong đầu cũng tưởng tượng ra các nét chữ uốn lượn thế nào cho vừa đúng vừa đẹp. Mà vui nhất là khi biết được chữ thì mình có thể tự dịch được các sắc phong, gia phả của dòng họ mình do tổ tiên để lại”…
Ông Huỳnh Phương Bá, Giám đốc Trung tâm Hán Nôm, cho biết lớp học được mở từ năm 2006, với sĩ số ban đầu chỉ vỏn vẹn chưa tới chục học viên. Sau 7 năm hình thành đã thu hút vài chục học viên từ khắp nơi, kể cả các vùng xa ở tỉnh Quảng Nam vẫn lặn lội tới lớp học. Đến nay các học viên đã nghiên cứu xong 2 tập Hán văn giáo khoa, tập 1 giáo trình Cao đẳng Hán - Nôm và tham khảo, tra cứu nhiều tài liệu khác. Ngoài ra, lớp học còn sắp xếp thời gian hợp lí sau bài học để đến các di tích văn hóa chữ Hán của các tộc đường, biên dịch, sao chép 7 gia phả, nhiều di cảo giúp đỡ các tổ chức, cá nhân. Việc học thực tế trực quan này giúp các học viên rất nhiều trong việc nhớ và hiểu. Đặc biệt là đối với những ai vốn đam mê nghiên cứu Hán tự cổ.
Ý nghĩa của lớp học ngày càng thu hút nhiều học viên tìm đến. Với nhu cầu ngày càng lớn, cuối năm 2012, trung tâm đã khai giảng một lớp mới với khoảng gần 30 học viên. Ông Huỳnh Phương Bá cho biết trung tâm đã chính thức được thành lập vào tháng 9-2012 và hiện nay trực thuộc Hội Khuyến học TP.Đà Nẵng. Đây là một tín hiệu vui cho những ai ham mê tìm hiểu nguồn gốc lịch sử thông qua những tài liệu, văn bản bằng chữ Hán - Nôm, nhất là với những người lớn tuổi.
Nhiệm vụ chính của trung tâm là hỗ trợ học chữ Hán - Nôm qua việc cung cấp sách vở, soạn thảo văn bản Hán - Nôm; hỗ trợ dịch thuật, gia phả, tộc phả, hoành phi, liễn đối, di chúc; phối hợp với các chuyên gia soạn thảo giáo trình học chữ Hán - Nôm, biên dịch, giới thiệu các tài liệu cổ thời phong kiến, đặc biệt là thời nhà Nguyễn liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; như tấm bản đồ Đại Nam thống nhất toàn đồ (năm 1838) vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, hay bộ công thời Minh Mạng năm thứ 17 phúc trình việc chuyển cột gỗ ra cắm mốc đánh dấu ở Hoàng Sa...
Gần 10 năm ra đời, Trung tâm Hán - Nôm do ông Huỳnh Phương Bá làm Giám đốc không chỉ đào tạo cho hàng chục người đọc thông viết thạo chữ Hán - Nôm mà còn góp phần vào việc tìm hiểu,khôi phục những giá trị văn hóa cổ, đặc biệt là hỗ trợ nghiên cứu các tài liệu Hán - Nôm quý giá liên quan đến lịch sử của mảnh đất Đà Nẵng và quần đảo Hoàng Sa.Ông Bá bảo học thông thạo chữ mới biết, từ xa xưa cha ông ta đã rất coi trọng chủ quyền đất nước. Ví như trên ngai vàng triều Nguyễn, thời vua Minh Mạng đã khắc rõ: “Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu”. (Nước nghìn năm văn hiến/ Núi non vạn dặm xa/ Tự Hồng Bàng mở nước/ Nước Nam vững sơn hà). Thế nhưng thử hỏi mấy ai nhìn vào những vần thơ ấy mà có thể dịch nghĩa được dễ dàng? “Việc tự học và mở lớp dạy học chữ Hán - Nôm chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân muốn tìm hiểu về giá trị văn hóa, lịch sử cha ông thông qua các tài liệu mình hiện có. Giữ gìn văn hóa một vùng đất bao giờ cũng bắt đầu từ cội rễ và lớp sau phải hiểu rõ về cội rễ của mình mới là người yêu nước”, ông Bá nói.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên