Thứ sáu, 23/10/2009, 14h10

Học để phục vụ cộng đồng

Sinh viên tham gia hoạt động xã hội tại ngày hội “Đổi rác lấy quà”. Ảnh: M.T

Mô hình học tập phục vụ cộng đồng đã trở nên khá phổ biến với nền giáo dục ĐH tại nhiều quốc gia trên thế giới thì ở Việt Nam mô hình này còn rất xa lạ. Theo mô hình này, người học áp dụng kiến thức vào thực tế, kết quả của quá trình học tập hướng đến nhu cầu cộng đồng.
Sinh viên “thờ ơ” với xã hội
Theo nghiên cứu mới đây của Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, có đến trên 65% sinh viên (từ năm 2) không thực sự yêu thích ngành mình đang học. Họ mơ hồ, không biết ngành mình học có đóng góp được gì cho xã hội, cũng chẳng biết ngành mình học đang phát triển tới đâu… Tại hội thảo khoa học quốc tế “Đại học nào cho Việt Nam thế kỷ 21?” do ĐH Hoa Sen tổ chức vừa qua, nhóm nghiên cứu của ông Nguyễn Thành Hải (Trung tâm Nghiên cứu cải tiến phương pháp dạy và học ĐH thuộc Trường ĐH KHTN TP.HCM) cũng đã nêu lên thực trạng đáng buồn về sự thờ ơ của sinh viên hiện nay trước các vấn đề xã hội. Nhóm nghiên cứu này khẳng định, hiện ở Việt Nam có rất ít các nghiên cứu xã hội và giáo dục đề cập đến vấn đề giáo dục ý thức trách nhiệm công dân của sinh viên với cộng đồng. Các kỹ năng sống, ứng xử vẫn chưa được chú trọng giảng dạy tại nhà trường. Sinh viên thường thụ động khi đối mặt với thực tế cuộc sống, không nhận thấy trách nhiệm bản thân trước các vấn đề xã hội. Tổ chức Đoàn Hội tại các trường ĐH hỗ trợ tích cực trong giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân cho sinh viên nhưng chỉ dừng lại ở các hoạt động tình nguyện, thiếu gắn kết kiến thức chuyên môn và kiến thức ngành học vào phục vụ cộng đồng. Qua hoạt động tình nguyện, không phải sinh viên nào cũng thấy rõ được trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghề nghiệp với địa phương bởi chỉ một phần hoạt động xã hội tình nguyện họ tham gia có đánh giá phản hồi từ phía cộng đồng.
“Kéo” sinh viên vào cộng đồng
Một dẫn chứng tại Mỹ cho thấy, hiện có đến 1.000 trường ĐH, CĐ với hơn 6 triệu sinh viên được áp dụng phương pháp giáo dục này. Ở Việt Nam, Trường ĐH KHTN TP.HCM đã đặt những bước đi đầu tiên, áp dụng việc lồng ghép học tập phục vụ cộng đồng vào các môn học bậc ĐH. Theo đó, từ niên học 2007, sinh viên năm 3 và năm 4 Khoa Sinh học bắt đầu tham gia cùng đối tác là Công viên Văn hóa Đầm Sen trong hai môn khoa học môi trường và xử lý nước thải. Đặng Việt Đài (sinh viên Khoa Sinh học) đánh giá: “Qua thời gian tham gia học tập như thế này, em học được cách tổ chức, làm việc nhóm, tăng cường kỹ năng giao tiếp, viết và trình bày báo cáo khoa học. Cách học này lý thú hơn cách học cũ (chỉ đến giảng đường để nghe giảng), sinh viên được chủ động vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, vào giải quyết một vấn đề cụ thể của xã hội… và quan trọng là sinh viên cảm thấy mình “có ích”. Còn sinh viên Nguyễn Mạnh Hùng thổ lộ: “Chương trình học tập này có thể ví như sự kết hợp của chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh và thực tập thiên nhiên. Sinh viên có điều kiện kiểm chứng lý thuyết đã học, đồng thời tích lũy được kinh nghiệm từ thực tế”. Tạo được hiệu ứng tích cực trong sinh viên nên mô hình học tập này được Trường ĐH KHTN TP.HCM rất quan tâm. Cái khó ở chỗ cộng đồng ít hợp tác, thiếu tin tưởng vào khả năng của sinh viên vì họ chưa thực sự hiểu rõ phương pháp dạy học này. Để theo đuổi phương pháp dạy học này, cả giảng viên và sinh viên phải đầu tư nhiều hơn vào việc liên hệ cộng đồng, tổ chức thảo luận, tìm tài liệu, làm thực tập, viết báo cáo… Trong khi đó, sinh viên vẫn chưa được tính thời gian tự học theo hệ thống tín chỉ cho các hoạt động học tập phục vụ cộng đồng. Ngoài ra, quy mô lớp học từ 200-300 sinh viên đã gây khó trong việc tổ chức thực tập...
Còn cần nhiều nỗ lực khác nữa để mô hình học tập phục vụ cộng đồng trở thành phổ biến với sinh viên Việt Nam, tuy nhiên chính sinh viên cũng phải chủ động hơn để tự “gắn kết” bản thân mình với các hoạt động xã hội, nhất là khi qua đó, họ lại “nhận” được rất nhiều!
Ở Việt Nam, Trường ĐH KHTN TP.HCM đã đặt những bước đi đầu tiên, áp dụng việc lồng ghép học tập phục vụ cộng đồng vào các môn học bậc ĐH. Theo đó, từ niên học 2007, sinh viên năm 3 và năm 4 Khoa Sinh học bắt đầu tham gia cùng đối tác là Công viên Văn hóa Đầm Sen trong hai môn khoa học môi trường và xử lý nước thải.
 
M.TÂM