Thứ hai, 4/3/2024, 21h16

Học hóa qua… bảng tuần hoàn “siêu to khổng lồ”

Học hóa qua thiết kế bảng tuần hoàn “siêu to khổng lồ” là phương pháp học tập đầy thú vị của học sinh khối 10, Trường THPT Ten lơn man (quận 1) trong dự án “Bảng tuần hoàn hóa học khổng lồ”. Dự án được báo cáo sáng ngày 4-3 sau 2 tháng thực hiện.


Học sinh Trường THPT Ten lơn man học Hoá qua việc thiết kế bảng tuần hoàn hoá học siêu to khổng lồ

Góp mặt trong dự án là 8 bảng tuần hoàn hóa học khổng lồ do 8 lớp 10 thực hiện.

Vượt qua các lớp trong toàn khối 10, bảng tuần hoàn hóa học khổng lồ của lớp 10A8 đã giành giải nhất trong dự án.

Dương Nghi Dung - học sinh lớp 10A8 - cho biết, 47 thành viên trong lớp được chia thành 8 nhóm cùng thực hiện bảng tuần hoàn gồm 118 nguyên tố hóa học. Sử dụng chất liệu bìa cứng, cắt thành từng ô nhỏ mỗi ô tượng trưng cho một nguyên tố… Để có thể giống nhất với màu của các nguyên tố trong bảng tuần hoàn, các ô nguyên tố được lớp tỉ mỉ pha màu. Đặc biệt, cả lớp tự viết, tự vẽ về các nguyên tố hóa học, tính ứng dụng của mỗi nguyên tố.


Qua dự án, kiến thức môn học trở nên gần gũi hơn với học sinh

“Bảng tuần hoàn trong sách giáo khoa chỉ có các nguyên tố, việc đưa các ứng dụng của mỗi nguyên tố vào bảng tuần hoàn khổng lồ thì lớp phải tự tìm hiểu. Với những nguyên tố hiếm khó tìm kiếm được ứng dụng thực tế thì phải cần đến sự hỗ trơ của thầy cô. Điều khó nhất khi thiết kế bảng tuần hoàn đó là làm sao vừa thể hiện được tính ứng dụng của nguyên tố một cách sinh động, vừa giữ được màu sắc thể hiện nguyên tố đó” - Dung kể.

Sau 2 tháng tham gia vào dự án, Nghi Dung cho hay bản thân cảm thấy môn hóa “dễ thương” hơn. Việc học hóa thông qua dự án giúp biết được tính ứng dụng của nguyên tố trong đời sống, dễ dàng nhớ kiến thức.


Học sinh "sắm vai" nguyên tố hóa học

Cũng lựa chọn chất liệu giấy cứng để hoàn thành bảng tuần hoàn hóa học khổng lồ song lớp 10A6 lại sử dụng màu sắc với độ che phủ cao, đặc biệt các hình vẽ về tính ứng dụng của các nguyên tố được lớp thiết kế theo hướng gần gũi với đời sống hàng ngày. Ví dụ, khí helium thì sử dụng hình bóng bay để thể hiện; nguyên tố magnesium xuất hiện trong lá diệp lục sẽ được thể hiện bằng hình vẽ chiếc lá…

“Nhớ tên các nguyên tố, vị trí các nguyên tố là khó khăn lớn mà hầu hết chúng em gặp phải khi học về bảng tuần hoàn hóa học. Khi được tham gia vào dự án, trực tiếp tìm hiểu, xây dựng một bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học trọn vẹn đã giúp em hiểu rõ hơn về nguyên tố đó, đồng thời mở rộng thêm được nhiều kiến thức ứng dụng của nguyên tố trong cuộc sống” - Trần Quỳnh Hương - học sinh lớp 10A6 chia sẻ.

Đổi mới để học sinh không còn sợ môn học

Theo cô Đặng Nguyễn Mai Chi- Tổ trưởng tổ Hoá, Trường THPT Ten lơn man (quận 1), học sinh thường sợ môn Hóa học, ngay cả những em đang chọn Hóa học làm môn học lựa chọn, vì cho rằng đây là môn học với những công thức, hợp chất khô khan. Tuy nhiên, Hóa học lại là môn học rất gần gũi với đời sống. Riêng các nguyên tố hóa học thì cấu tạo nên hầu hết mọi thứ mà chúng ta đang thấy hàng ngày…


Hóa học được thể hiện qua phương pháp mới trong Chương trình GDPT 2018

“Dự án Bảng tuần hoàn hóa học khổng lồ dành cho học sinh khối 10 được tổ hóa thực hiện với mong muốn học sinh hiểu rõ hơn về từng nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn thông qua chính việc thực hành, tìm hiểu chứ không còn dừng ở việc học lý thuyết xuông. Khi được trực tiếp tìm hiểu các em sẽ thấy được rằng các nguyên tố hóa học tưởng chừng như khô khan nhưng lại gắn bó và hiện hữu trong đời sống hàng ngày. Bằng cách học này, các em học một cách thích thú”- cô Chi nói.

Với 8 sản phẩm bảng tuần hoàn hóa học do 8 lớp 10 thực hiện, cô Mai Chi đánh giá, mỗi lớp lại có những cách thức sáng tạo khác nhau. Có lớp bay bổng thì tự vẽ các hình ảnh về tính ứng dụng của các nguyên tố, có lớp thì in hình 3D sinh động để thể hiện điều này… Các sản phẩm của mỗi lớp được đánh giá vào cột điểm thường xuyên môn học trong HKII.

“Hóa học trong Chương trình GDPT 2018 cần được dạy thông qua các trải nghiệm. Qua dự án, được trao cho cơ hội để chủ động tìm tòi, học sinh sẽ hiểu được những kiến thức đã học gắn với đời sống như thế nào. Trên hết, nếu ngay từ ban đầu được tạo hứng thú trong môn học sẽ là nền tảng để các em yêu thích môn học, góp phần tốt việc định hướng nghề nghiệp sau này cho các em…”

Yến Hoa

Box: Khích lệ đổi mới sáng tạo trong học sinh

Thầy Nguyễn Hùng Khương - Hiệu trưởng Trường THPT Ten lơn man chia sẻ, thông qua việc đổi mới trong môn học gắn với việc giải quyết các vấn đề thực tế đòi hỏi học sinh phải có sự chủ động tìm tòi nhiều kiến thức. Điều này từng bước sẽ tạo nền tảng, khích lệ tinh thần đổi mới sáng tạo trong mỗi học sinh, giáo viên và toàn trường.

“Việc dạy và học trong Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi tính tự học, sự chủ động ở cả người dạy và người học. Sự đổi mới sáng tạo của giáo viên trong từng bộ môn sẽ mang đến cách tiếp cận mới cho học sinh trong môn học, khơi lên niềm ham thích môn học trong các em. Đặc biệt, với những bộ môn khoa học, từ niềm ham thích đó sẽ từng bước thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong mỗi học sinh để vận dụng các kiến thức đã học giải quyết những vấn đề trong cuộc sống”.