Thứ năm, 23/3/2017, 22h02

Học pháp luật qua tình huống pháp lý

Học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) vừa có cơ hội trải nghiệm kiến thức pháp luật với các tình huống pháp lý gần gũi đời thường thông qua hoạt động giáo dục công dân - từ bài học đến trải nghiệm thực tiễn “Học sinh với pháp luật” do trường tổ chức ngày 22-3.

Học sinh đang trải nghiệm Luật Giao thông qua hành vi vi phạm giao thông

Từ phiên tòa giả định…

Tại hội trường, hơn 500 học sinh khối 10, 11, 12 háo hức tham gia trải nghiệm Luật Hình sự thông qua phiên tòa giả định xét xử một bị cáo vị thành niên (tên Khoa, sinh năm 2000) về tội trộm cắp tài sản gồm 1 máy tính casio, 1 điện thoại di động và 2 triệu đồng. Phiên tòa bắt đầu khi đại diện viện kiểm sát đọc thủ tục xét xử, sau đó đến phần xét hỏi, tranh luận. Căn cứ vào các tình tiết, chứng cứ phạm tội, định giá tài sản do Khoa trộm cắp là 2,5 triệu đồng, và xét đến nhiều yếu tố khác như chưa có tiền án, tiền sự, Hội đồng xét xử tuyên phạt Khoa 6 tháng treo, 1 năm thử thách. Kết thúc phiên tòa, hàng trăm học sinh đã vỗ tay vui mừng bởi án treo sẽ giúp Khoa có cơ hội sửa sai, tiếp tục con đường học tập.

Mặc dù giả định nhưng phiên tòa có đầy đủ chủ tọa, hội thẩm nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, thư ký, luật sư, người bị hại, đại diện hợp pháp của người bị hại, bị cáo, đại diện hợp pháp của bị cáo. Đặc biệt, sau khi kết thúc phiên tòa, nhiều học sinh đã biểu lộ sự băn khoăn. Bảo Trâm (lớp 11A1) hỏi: “Tại sao một vị hội thẩm tham gia xét xử nhưng không đặt câu hỏi. Vậy vai trò này bị thừa?”. Trong khi đó, Phương Nhi (lớp 12A5) nhấn mạnh: “Tổng giá trị 1 máy tính casio, 1 điện thoại di động và 2 triệu đồng tiền mặt cuối cùng chỉ được định giá 2,5 triệu đồng. Kết quả định giá có đúng không khi mà giá trị thực của máy tính và điện thoại là rất lớn”… Tất cả những thắc mắc của học sinh đều được ThS. Lê Ngọc Nga (Phó Chánh án TAND Q.12) giải đáp đầy đủ, chi tiết. Qua đó, bà Nga đánh giá cao thái độ quan tâm, theo dõi phiên tòa của các em học sinh.

Thoại Nghi (lớp 12A2) cho biết: “Phiên tòa giả định giúp chúng em dễ dàng nắm bắt kiến thức về Luật Hình sự, những hành vi phạm tội nào phải ra tòa, các giai đoạn xử lý vụ việc trước khi đưa ra tòa. Có những chi tiết tưởng chừng không quan trọng nhưng đòi hỏi chúng em cũng phải nắm đó là cách xưng hô giữa bị cáo và hội đồng xét xử, đặc biệt là trong phiên tòa không được vỗ tay”. Thoại Nghi cho biết thêm, so với các giờ học lý thuyết khô khan, nhàm chán, hình thức học trải nghiệm hết sức thú vị, qua đây góp phần định hướng nghề nghiệp rất lớn cho những học sinh có ý định thi vào ngành luật trong tương lai.

Đến trải nghiệm Luật Giao thông, ứng xử văn minh

“Những tình huống pháp lý đời thường, gần gũi sẽ giúp học sinh hiểu biết thêm về pháp luật, qua đó có cách nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách khách quan, đúng đắn. Đồng thời truyền tải những giá trị nhân văn, đạo đức, cách ứng xử văn minh trước mọi tình huống xã hội cũng như tạo hứng thú học tập cho các em”, bà Trương Thị Bích Thủy (Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương) nói.

Trong khi hàng trăm học sinh trải nghiệm phiên tòa giả định bên trong hội trường, thì ở sân trường, hàng ngàn học sinh khác cũng được trải nghiệm Luật Giao thông đường bộ thông qua mô hình giao thông thu nhỏ. Ở đó có đường phố, hệ thống biển báo giao thông, người tham gia giao thông, cảnh sát điều phối giao thông... Hoạt động giao thông được mô tả thông qua các tiểu phẩm sinh động do chính học sinh thủ vai, nhấn mạnh đến những hành vi vi phạm giao thông. Khánh Ly (lớp 10A8) hồ hởi nói: “Cách truyền đạt Luật Giao thông đường bộ thông qua mô hình thu nhỏ giúp chúng em nắm được 90% kiến thức. Đó là những phương tiện giao thông nào học sinh được và không được sử dụng. Khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, không được sử dụng chất kích thích, không chở ba, không lạng lách... cũng như các mức xử phạt nếu vi phạm”.

Với chương trình trải nghiệm ứng xử văn minh và những tình huống liên quan đến pháp lý, đạo đức, học sinh tiếp tục được tham gia tạo tình huống, xử lý tình huống xoay quanh các tiểu phẩm về bạo lực học đường, tình yêu học đường cũng như việc sử dụng mạng xã hội... Sau mỗi tình huống là phần giải thích của ban cố vấn giúp các em hiểu thêm về hành vi bạo lực, quay clip tung lên mạng, sử dụng mạng xã hội nói xấu người khác, phát tán ảnh nhạy cảm khi chưa có sự cho phép của đối phương... sẽ vi phạm pháp luật.

Bà Trương Thị Bích Thủy (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết hoạt động giáo dục công dân - từ bài học đến trải nghiệm thực tiễn “Học sinh với pháp luật” do Tổ giáo dục công dân của trường phối hợp với TAND Q.12, Thành đoàn và Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM) tổ chức nhằm tăng cường các hoạt động giáo dục gắn với thực tiễn.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc