Thứ năm, 24/10/2013, 22h10

Học sinh chán học văn: Lỗi do ai?

Cách đánh giá không theo kịp với sự đổi mới 
So với trước đây, chương trình môn ngữ văn phổ thông hiện nay đã giảm tải khá nhiều, loại bỏ được những văn bản không thiết thực nghèo chất văn chương.
Chúng ta nói học sinh chán học văn cũng chưa hẳn hoàn toàn đúng, đơn cử như Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã áp dụng phương pháp mới đó là chương trình dạy của Intel. Chương trình dạy này đã tạo được một “cú hích” lớn nhằm cổ vũ phương pháp học tập tích cực của học sinh. Trong khuôn khổ dạy theo dự án, chương trình đã có sự hỗ trợ tích cực từ các phương tiện nghe nhìn hiện đại giúp nhà trường mở rộng không gian học tập thông qua mạng internet, qua hình thức học nhóm hay thuyết trình trước lớp.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa tất cả chỉ có một “màu hồng”. Trong lúc phương pháp thay đổi, nội dung chương trình đã giảm tải nhưng thi cử, kiểm tra thì “vẫn như cũ” làm cho người dạy “lấn cấn” gần cả chục năm nay. Cách đánh giá không theo kịp với sự đổi mới của phương pháp giảng dạy làm cho giáo viên không dám dạy khác đi. Chính từ hệ lụy đó mà giám khảo khi đi chấm bài không-dám-mạnh-tay chỉ mong sao bảo đảm độ an toàn cao nhất. Trong khi đó, cách ra đề, cách ra biểu điểm đáp án vẫn như cũ khiến người chấm không thoát khỏi “vòng kim cô” cố hữu. Vì thế có tình trạng cùng một bài viết nhưng “đến tay giám khảo này thì chấm một đường, qua tay giám khảo khác thì chấm một nẻo” không có sự đồng đều trong cách đánh giá. Phần đông giáo viên còn dựa vào ý để chấm chưa quan tâm nhiều đến cách diễn đạt hay sự sáng tạo mới lạ của học sinh. Có thể thấy rằng trong tổng số điểm 10 của một bài văn đã có 7 điểm dựa vào cách chấm cũ, chỉ còn 3 điểm là đi theo đổi mới cách đánh giá. Một tỷ lệ đang quá chênh lệch trong thực tế.
Hiện nay các nghề và ngành học liên quan đến ngữ văn không nhiều, đầu ra hạn chế nên có ít nguyện vọng theo đuổi bộ môn này. Chỉ có học sinh nào có định hướng rõ ràng thì mới chủ động học để có kết quả tốt. Ngoài ra, khó khăn hiện nay của người học văn là giữa ngôn ngữ văn học truyền thống và ngôn ngữ hiện đại đang có một khoảng cách quá xa. Bên cạnh đó, tư liệu về vốn văn học cổ càng ngày càng ít dần. Thêm vào đó còn bị văn hóa thiếu chọn lọc từ bên ngoài “xâm nhập” và cứ bào mòn kiến thức văn chương quá khứ. Văn viết và văn nói của các em đang đứng trước nguy cơ bị pha tạp nhiều, đầy rẫy lỗi chính tả và lỗi dùng từ. Tình trạng đưa ngôn ngữ chat vào trong đời sống ngôn ngữ và văn chương đang có chiều hướng gia tăng làm mất đi vẻ đẹp của tiếng Việt.
Một lý do khác là chương trình ngữ văn ở cấp dưới còn thiên về đọc - chép và văn mẫu do áp lực chuyển cấp nên khi lên cấp THPT, các em như cái máy chép chỉ biết “copy” ý người khác mà không thực sự rung cảm trước vẻ đẹp của văn chương và ngôn từ.
Giáo viên không nên dạy nhồi nhét, không để các em quá “tôn thờ” văn mẫu. Chỉ mong các em nói đúng, viết đúng chứ chưa yêu cầu cao về nói hay, viết hay. Như vậy muốn thay đổi phải có sự đồng bộ từ nhiều cấp học, đi từ cái nền phía dưới còn phía trên chỉ là phần ngọn mà thôi.
Hồ Ngọc Hương - Trần Đình Phú (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM)
N.Quang (ghi)