Thứ năm, 25/8/2016, 20h43

Học sinh lớp 1 không còn sợ... lạc đàn

Nội dung sách giáo khoa tiểu học của chương trình cải cách năm 2000 nhiều năm qua mọi người đã nhận ra là “quá tải” đối với học sinh, chuyện kéo dài đã 15 năm...

Một tiết học theo mô hình trường học mới tại Trường Tiểu học Tân Quý Tây 3, huyện Bình Chánh, TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Để “chữa cháy” tình trạng này, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn 9832/GD-ĐT-GDTH ngày 1-9-2006 về thực hiện chương trình lớp 1, 2, 3, 4, 5; đồng thời ban hành công văn 896 GD-ĐT-GDTH ngày 13-2-2006 về việc hướng dẫn điều chỉnh việc dạy học cho học sinh bậc tiểu học.

Từ thực tế trên có chuyện phụ huynh thường tâm sự với nhau rằng có trường học sinh mới vào lớp 1 học chưa được 1 tháng đã bị “sốc” do cô giáo yêu cầu các em phải biết đọc trơn, viết thạo - cô giáo yêu cầu như thế là không thực hiện đúng với tinh thần của công văn 986 - điều này vi phạm quy chế chuyên môn, nhà trường cần kiểm tra nhắc nhở vì yêu cầu như vậy vượt chuẩn kiến thức khó chấp nhận được. Tôi mạn phép trích vài ý trong công văn 896 này ở lớp 1.

Phần âm và chữ: Tuần 1-6 những bài có các phụ âm ghi bằng 2, 3 con chữ (thí dụ: th, ch, ngh); tuần 7-22 những bài có nguyên âm đôi (thí dụ: uôi, ươi, ươu, iêu, yêu). Giáo viên giảm nhẹ yêu cầu luyện nói.

Viết: Căn cứ trình độ viết đa số của học sinh trong lớp, giáo viên có thể yêu cầu các em viết nửa dòng hoặc cả dòng trong vở tập viết 1 (khuyến khích học sinh có thể viết ở nhà).

Tập đọc: Học sinh cần đạt yêu cầu tối thiểu sau: Đọc đúng và tìm được tiếng có vần cần ôn luyện, tốc độ đọc giữa học kì 1 là 25 tiếng/1 phút, cuối học kì 2 là 30 tiếng/1 phút.

Từ năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh bậc tiểu học. Theo đó học sinh tiểu học kiểm tra định kì 2 lần/năm, trong quá trình dạy học sinh, giáo viên không còn chấm điểm mà tăng cường nhận xét thật cụ thể về sự tiến bộ hay mức độ hoàn thành bài làm từng môn học như thế nào cho các em; lời nhận xét của giáo viên chủ yếu mang tính chất động viên, khen ngợi. Chính vì không còn chấm điểm nên áp lực về điểm số của học sinh không còn mang tính cạnh tranh nữa, ngay cả giáo viên đang trực tiếp dạy lớp cũng cảm thấy trút bớt gánh nặng vì không còn lo lắng nhiều về tỉ lệ học giỏi mà nhà trường giao chỉ tiêu ngay đầu năm học.

Từ chỉ đạo hợp lý của Bộ GD-ĐT, thiết nghĩ ban giám hiệu các trường cũng cần mạnh dạn tổ chức cho học sinh lớp 1 kiểm tra một cách nhẹ nhàng, không gây căng thẳng về tâm lý cho các em. Và để đạt được những mong đợi đó, nhà trường nên giao cho giáo viên đang dạy lớp 1 trực tiếp coi kiểm tra định kì của lớp mình, bởi một lẽ chính giáo viên dạy lớp đó mới hiểu và nắm được tâm sinh lý của học sinh lớp mình đang dạy thì nhận xét bài kiểm tra mới khách quan; còn nếu giao cho giáo viên khác coi kiểm tra thì họ khó có thể nhận xét chính xác về sự tiến bộ của học sinh. Thí dụ như phân môn đọc thành tiếng: nếu gặp trường hợp học sinh có khuyết tật nói lắp hay phát âm không rõ, còn lẫn lộn phụ âm ch/tr, l/n… mà giáo viên coi kiểm tra nhận xét đánh giá vào bài làm của các em đọc chưa tốt, phát âm chưa rõ thì thiệt thòi và thiếu đi sự cảm thông chia sẻ với các em. Nếu giáo viên thực hiện đúng sự chỉ đạo của cấp trên, nhất là “nói không với dạy thêm” thì không còn xảy ra cảnh “vịt con” bị lạc đàn hay là như “con chim non” ngơ ngác ngay khi vào học những tuần đầu năm học mới.

Trần Văn Tám