Thứ năm, 29/9/2016, 21h11

Học sinh phải xây dựng cách tự học

Nhà bác học A. Einstein có nói: “Kiến thức chỉ có được qua tư duy của con người”. Muốn con người có được tư duy tốt nhất để chiếm lĩnh kiến thức một cách hiệu quả, thì trong quá trình học tập cần nhất là phải xây dựng phương pháp học tập riêng cho mình, gọi là cách tự học.

Muốn có cách tự học tốt, các em học sinh phải xây dựng được thời gian biểu chi tiết, hợp lý. Ảnh: K.Trần

Không có ý thức về kỹ năng tự học

Tại buổi giao lưu với sinh viên Trường ĐH FPT ngày 12-9 vừa qua, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng phương pháp học tập ảnh hưởng đến sự tiến bộ đối với người học. Hiện GS. Châu đang giảng dạy tại ĐH Chicago (Mỹ), nên ông có sự so sánh đáng để ta suy nghĩ, là kiến thức đầu vào và số giờ học toán của sinh viên Mỹ thấp và ít hơn sinh viên Việt Nam, nhưng trong 4 năm thì kiến thức của họ vượt hơn hẳn sinh viên Việt do họ dành nhiều thời gian cho việc tự học.

Sinh viên Việt Nam có tinh thần tự học thấp một phần là do khi còn học ở trường phổ thông, các em ít được xây dựng thói quen và ý thức về kỹ năng tự học. Trong bối cảnh thay đổi phương pháp dạy - học, người học chủ động tìm hiểu kiến thức từ nhiều nguồn tư liệu phong phú khác nhau, cùng với các chủ trương của nhiều địa phương nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm..., thì việc xây dựng thói quen tự học cho học sinh ở trường phổ thông là vô cùng cần thiết. Thầy Phan Hữu Tài (Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM) cho rằng cần phải xây dựng cho học sinh tinh thần tự học. Để các em trong một ngày, ít nhất phải dành riêng một khoảng thời gian hợp lý để học từ nhiều phương tiện phong phú như hiện nay. Chưa hết, giáo viên chủ nhiệm phải quán triệt tinh thần này với cha mẹ học sinh để hợp tác thực hiện. Để có được thói quen tự học, cần chú trọng ba điểm sau:

Xây dựng không gian học tập riêng

Thực ra không phải đến bậc THPT mới cần có không gian học tập riêng, mà ngay từ lúc tập viết a, b, c…, trẻ đã được cha mẹ bố trí rồi. Nhưng nói hơi cường điệu, nếu ở tiểu học thường là không gian mở (học tập gắn liền với sinh hoạt gia đình), thì đến bậc THPT cần có không gian đóng. Các tiêu chí xây dựng góc học tập gồm: cách ly sự ồn ào, sự sinh hoạt của gia đình; đảm bảo ánh sáng, không khí thoáng mát; trang bị những học cụ cần thiết kết hợp với giải trí lành mạnh; trình bày, bố trí những kiến thức tạo ra sự trực quan sinh động... Ngoài ra phải chú ý đến kích cỡ của bàn ghế để có tư thế ngồi học thoải mái. Thực tế là nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến điểm này. Chỗ học của con em là bàn sinh hoạt chung của gia đình hoặc là giường ngủ của các em. Thế nên các em thường mất tập trung, học hành qua quýt, hoặc là nằm học để rồi chóng ngủ và kiến thức chẳng đọng lại gì.

Xây dựng thời gian biểu hợp lý

Để đánh giá học lực của một học sinh chỉ cần nhìn vào ba mức đã thấy rõ: học sinh yếu, trung bình thường ở mức độ mơ hồ và hiểu được kiến thức giáo viên truyền đạt; học sinh khá có thể giải quyết tốt các yêu cầu bài tập thực hành; trong khi đó học sinh giỏi thì có thể tự học những kiến thức ở sách nâng cao.

Thời gian biểu này là sự kết hợp và phân chia một cách khoa học toàn bộ thời gian sinh hoạt, học tập. Trong đó có thời khóa biểu học ở trường, các buổi học ở ngoài, học năng khiếu... Thời gian biểu càng chi tiết (sáng - trưa - chiều - tối) thì càng hiệu quả. Phải có sự sắp xếp hợp lý giữa học tập, vui chơi, giải trí. Thời gian biểu phải phản ánh được những mục tiêu nào đó mà người học cố gắng đạt được với từng giai đoạn cụ thể chứ không phải chỉ đơn giản giải quyết những yêu cầu trước mắt. Đối với học sinh, phải coi đây mục tiêu để phấn đấu và cố gắng hoàn thành. Để từ đó xây dựng lại thời gian biểu ở mức yêu cầu cao hơn. Đối với phụ huynh, thời gian biểu là cơ sở để kiểm tra việc học của con mình. Chứ không phải như thực tế một số phụ huynh vì quá bận tâm đến công việc, mà ngay cả hôm nay con mình học gì ở trường cũng không biết, không biết hỏi ai...

Xây dựng phương pháp tự học

Thực tế chứng minh rằng những người thành công trong việc học là những người có phương pháp tự học. Bởi tự học giúp học sinh chủ động mày mò, tìm hiểu, phát hiện, kiểm chứng tri thức. Lúc đó các em sẽ hiểu và nhớ kiến thức tốt hơn. Chứ không phải học hết cả thời gian sáng chiều mà chỉ là sự thụ động tiếp thu một chiều. Tự học được xây dựng trên đặc trưng của từng bộ môn nhất định. Nhưng nói chung đó là sự tiếp thu kiến thức từ giáo viên, đến việc vận dụng nó để giải quyết bài tập, bài thực hành, và khả năng tự sử dụng sách tham khảo, sách nâng cao...

Ngoài việc dành bao nhiêu thời gian trong thời gian biểu cho việc tự học, học sinh phải lưu ý khi sử dụng sách tham khảo. Nó là con dao hai lưỡi. Cách sử dụng tốt nhất là lựa chọn tài liệu đủ độ tin cậy. Nên nhớ rằng nó là tài liệu bổ trợ kiến thức chứ không thay thế được cho sách giáo khoa, bài giảng của giáo viên. Sử dụng nó khi đã thông hiểu, giải quyết hết những kiến thức, những yêu cầu ở trường. Không lấy nó làm công cụ đối phó, trợ giúp cho việc học. Chỉ khi ấy thì tài liệu tham khảo mới hữu ích cho việc tự học.

Trần Ngọc Tuấn (giáo viên THPT)