Thứ bảy, 3/11/2012, 22h11

Học sinh sinh viên tự tử - Nỗi đau để lại: Kỳ cuối: Hãy cho các em bản lĩnh sống

 

ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trong một buổi tư vấn HS tiểu học

 

Để kết thúc loạt bài Học sinh sinh viên (HS-SV) tự tử - Nỗi đau để lại, Báo Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu bài viết phân tích nguyên nhân cũng như một số giải pháp về thực trạng này của ThS. tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Để kết thúc loạt bài Học sinh sinh viên (HS-SV) tự tử - Nỗi đau để lại, Báo Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu bài viết phân tích nguyên nhân cũng như một số giải pháp về thực trạng này của ThS. tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Chỉ cần đánh mất 600 ngàn đồng tiền quỹ lớp cũng đủ để một HS uống thuốc diệt cỏ, chỉ cần một lời phê bình của thầy cô cũng đủ để một HS quyết định nhảy lầu, chỉ cần trượt kì thi ĐH cũng đủ để một HS khá giỏi treo cổ tự vẫn, chỉ cần và chỉ cần những lý do nhỏ nhặt khác cũng đủ để nhiều bạn trẻ rơi trong chiếc hố sâu của sự tuyệt vọng mà không thể tự giải thoát được mình. Dường như ngày càng nhiều bạn trẻ đang thiếu bản lĩnh và sức đề kháng trước những biến cố của cuộc đời?
Không tự nhiên mà HS tự tử
Quyết định mà chúng ta gọi là “dại dột, bồng bột” của các em thực chất là kết quả của sự cộng hưởng giữa 3 cái thiếu: Thiếu cân bằng trong tâm sinh lý lứa tuổi - thiếu kỹ năng ứng phó - thiếu chỗ dựa từ thầy cô, cha mẹ.
Dưới góc độ sinh lý, chúng ta đều biết ở độ tuổi trẻ trung, hưng phấn trong thần kinh rất mạnh, do đó các em dễ mất kiểm soát và có hành động khó ngờ. Dưới góc độ tâm lý, tuổi mới lớn đang gặp nhiều trục trặc trong thời điểm dậy thì, tính tự ái cực kỳ cao, dễ thổi phồng mọi việc, lại gặp những vấp váp đầu đời trong khi chưa có kinh nghiệm sống, chưa có kỹ năng ứng phó. Dưới góc độ quan hệ xã hội, đây là lúc mà vị thế của người lớn giảm một bậc trong mắt trẻ và các em tự nâng vị thế của mình lên một bậc, cho mình nhiều quyền quyết định hơn - thậm chí quyết định cả mạng sống của mình, “tuổi cứng đầu” của các em và người lớn đang có một “dấu cách” nhất định, gia đình ít gần gũi và ít sát sao các em hơn so với lúc trước.
Tất cả ba yếu tố sinh lý - tâm lý - quan hệ xã hội đó cùng lúc đã đẩy nhiều bạn trẻ vào sự chông chênh trong cảm xúc, sự bế tắc trong suy nghĩ và bộc phát trong hành động. Trong khi đó, rõ ràng điểm kém, một lần thi trượt, vài trăm ngàn đồng, một lời trách oan của cô giáo… đều là những sự việc các em hoàn toàn có thể vượt qua, hoàn toàn giải quyết được. Tuy nhiên, không ai chỉ bảo cho các em kỹ năng ứng phó với những chuyện đời thường này cả.
Trẻ đến trường với hơn 10 môn học, các em ở với gia đình hơn 8 tiếng mỗi ngày, qua đó chúng ta đã dạy các em rất nhiều kiến thức nhưng cách ứng phó với các vấn đề thường gặp nhất trong cuộc sống thì chưa. Lỗi không phải ở các em, lỗi là do chúng ta đã dạy các em chưa đầy đủ.
“Tam giác giáo dục” bảo vệ các em?
Rễ chắc thì cây sẽ vững. Gia đình mà chắc thì con trẻ khó gục đổ một cách dễ dàng. Nếu quan tâm đến con cái một chút, ông bố bà mẹ không quá khó để nhận ra cái nét buồn trong mắt của con, cái thở dài hay cái im lặng bất thường nơi chúng. Tuổi mới lớn đã bắt đầu có khả năng tự định đoạt mạng sống của mình, nhưng các em chưa đủ chín chắn để làm chủ khả năng đó. Nếu các em gặp vấn đề, cha mẹ hãy phát hiện sớm và giúp giải quyết ngay, đảm bảo tâm lý các em đã được giải tỏa. Về lâu dài, cha mẹ nên bên cạnh để là nhà tư vấn tháo gỡ cho các em, là chỗ dựa tinh thần chống đỡ những bước đi vào đời, hướng dẫn các em biết cách xử lý khi gặp khó khăn, bế tắc.
Song song đó, nhà trường không chỉ dạy chữ, dạy khoa học mà còn phải chú trọng dạy kỹ năng để sống. 100 tiết khoa học chưa chắc giúp cho trẻ thành công nhưng 100 tiết kỹ năng sống có thể làm cho trẻ vững vàng hơn hẳn. Phải hướng dẫn các em cách giải quyết những vấn đề thường gặp, phải đem những câu chuyện tự tử này làm bài học kinh nghiệm cho các HS khác, không thể bỏ phí những bài học mà chúng ta đã trả giá quá đắt bằng chính mạng sống của các em được.
Các tổ chức xã hội mà nòng cốt là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan truyền thông cũng phải tạo thành một sức mạnh thông tin tổng hợp, một “tiếng chuông” chung để cảnh tỉnh các em, tạo những sân chơi, tổ chức những chuyên đề giúp các em biết cách tự “tháo gỡ những chuyện khó đỡ” của mình.
Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất là ở bản thân các em. Các em cần phải hiểu rằng: Trên đời này không có sự bế tắc, chỉ có con người nghĩ mình bế tắc mà thôi. Nếu một mình không tự giải quyết được, hãy tìm đến sự trợ giúp từ người khác, đó cũng là một cách giải quyết. Ngay khi sự cố xảy ra, các em nên tâm sự với ba mẹ hoặc có thể nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô. Đừng vội chết khi em chưa kịp sống, đừng vội bó tay khi em chưa kịp cố gắng hết mình. Nếu vẫn chưa được người lớn hỗ trợ, em cũng cần nhớ rằng: 600 ngàn đồng tiền quỹ không quý bằng mạng sống của em, 1.000 lời ác ý từ thiên hạ không quý bằng mạng sống của em, sự “phụ bạc” trong tình yêu mới lớn của một chục kẻ không đáng tin cũng không quý bằng mạng sống của em, con điểm 2 môn toán chẳng là gì so với mạng sống của em…
Có rất nhiều tấm gương trong xã hội mà các em có thể đã gặp ở đâu đó, họ còn có những giai đoạn khủng hoảng hơn nhiều cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng bằng bản lĩnh dám đối đầu và tìm cách giải quyết, họ đã đứng dậy từ trong vũng bùn và sống tốt hơn.
ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Các em phải biết quý trọng tính mạng duy nhất của mình bởi vì mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống.