Thứ tư, 3/7/2013, 08h07

HS đánh giá GV: Nên không?

Cần đánh giá thường xuyên!
Do thầy cô giáo giữ vai trò trung tâm đối với chất lượng GD-ĐT nên phải đánh giá thường xuyên. Tôi đồng ý với TS. Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) về chủ trương “lấy ý kiến tham khảo của HS để cấp quản lý có thêm cơ sở đánh giá GV” là việc làm hết sức cần thiết hiện nay (số ra ngày 24-6). Tôi cũng đồng ý với nhận định của TS Huỳnh Công Minh rằng “không phải ai cũng có thể đánh giá GV”. Theo Bloom, quá trình nhận thức được phân thành 6 cấp độ, từ nhận thức đơn giản như “biết” đến “hiểu”, kế tiếp là các nhận thức phức tạp hơn như “áp dụng” rồi tới “phân tích”, “tổng hợp”. Và khâu phức tạp nhất, khó nhất của quá trình nhận thức chính là “đánh giá”.
Như vậy, để đánh giá một GV rất khó, không phải ai cũng thực hiện chính xác được. Việc đánh giá GV nên để hội đồng sư phạm nhà trường thực hiện dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau có liên quan đến nhiều mối quan hệ. Các em HS chỉ tham gia ý kiến dựa vào các mối liên hệ trực tiếp giữa thầy và trò như: Môn học, giảng dạy, tác phong đứng lớp, xử lý các tình huống giao tiếp trong lớp… Ý kiến từ phía GV thì phải dựa vào các tiêu chí khác như: Năng lực chuyên môn hiện tại, giao tiếp với đồng nghiệp, luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và mức độ hoàn thành nhiệm vụ, khả năng nghiên cứu khoa học và học nâng cao trình độ…
Việc lấy ý kiến HS có thể tiến hành 2 lần trong một kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ). Sau khi lấy ý kiến, hội đồng sư phạm nhà trường cần thẩm định lại thông tin trả lời để đảm bảo tính chính xác, công bằng. Trường chúng tôi  hướng đến việc “dạy thật”, “học thật”, “thi thật” để tạo ra “chất lượng thật”. Và để có “chất lượng thật”, chúng tôi coi trọng công tác đánh giá.n
Mê Tâm (ghi)
ThS. Đặng Văn Sáng (Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng)