Thứ năm, 9/11/2017, 21h56

Khắc phục hiện tượng học sinh nói chuyện riêng

Hầu như giáo viên (GV) nào cũng gặp cảnh học sinh (HS) nói chuyện riêng, làm việc riêng trong giờ học. Thực trạng này có thể nói đó là “đặc sản” của môi trường giáo dục. Thời buổi công nghệ như hiện nay lại càng vất vả vì các em chuyển qua nhắn tin điện thoại để tránh sự phát hiện của GV. Nhiều em nhắn tin rất tài: Điện thoại để dưới hộc bàn, không cần nhìn phím mà tay vẫn lướt mượt mà, nhắn đều đều cho bạn… ở lớp khác. Nếu GV phát hiện HS nói chuyện riêng (bằng miệng, bằng điện thoại) hoặc làm việc riêng sẽ mất thời gian dừng bài giảng để nhắc nhở, từ đó mất luôn hứng thú giảng tiếp. Không nhắc nhở không được bởi HS làm như thế chứng tỏ thiếu tôn trọng thầy cô và tập thể lớp. Nguyên nhân do đâu? Theo tôi, có mấy nguyên nhân chính sau: Một, HS bị bệnh lý, có thể trong sâu xa có nhiều dồn nén, bức xúc nên cần bạn để chia sẻ. Hoặc HS ăn uống không đầy đủ nên sức khỏe yếu và ảnh hưởng tới việc chú ý trong giờ học. Hai, HS đã biết trước, học trước nên nắm được nội dung bài, không còn cách nào ra ngoài được phải “rù rì” nói chuyện với nhau. Ba, HS không thích học bộ môn vì bị hổng kiến thức, học không hiểu, không theo kịp nên đành… nói chuyện đỡ buồn. Bốn, GV dạy không hấp dẫn, khô khan hoặc thiếu sự truyền cảm, không dẫn dắt HS theo dõi bài. Năm, điều kiện lớp học, thời tiết khó chịu, đói bụng (nhất là tiết thứ 5) nên HS bị phân tán tư tưởng, không tập trung nghe giảng được...

Khi đã tìm ra nguyên nhân thì chúng ta sẽ có biện pháp khắc phục như sau: Đối với HS bị bệnh lý thì cần liên hệ với gia đình để trao đổi, cùng giúp các em vượt qua để chú ý hơn trong giờ học. Bên cạnh đó, việc chia nhóm cũng là cách làm hiệu quả vì ai cũng có thể được mời đứng lên thuyết trình hoặc trả lời câu hỏi; bổ sung phần kiến thức cho nhóm bạn. Vì vậy, không em nào dám nói chuyện riêng, làm việc riêng nữa. Song song đó, GV phải luôn tự “làm mới” mình, bổ sung kiến thức mới cho bài giảng. Muốn có được như vậy phải có sự đầu tư, tìm tòi, mở mang kiến thức mà sách giáo khoa chưa đề cập tới. Mặt khác cũng cần xem lại bản thân mình đã giảng bài hấp dẫn, lôi cuốn chưa? Bởi người thầy đồng thời là người nghệ sĩ; bằng giọng đọc, giọng giảng, ngữ điệu, diễn xuất thế nào để HS lặng im, luôn mở mắt to như để nuốt lấy từng lời của GV.

Trách nhiệm của GV là giảng bài cho HS hiểu và nghĩa vụ của các em là chăm chú nghe giảng; siêng năng phát biểu xây dựng bài. Có sự tương tác qua lại như thế mới tạo nên một giờ dạy đầy hứng thú, say mê giữa thầy và trò. Sợi dây đồng cảm được kết liền trong từng giờ dạy, làm cho mỗi giờ lên lớp là luôn tìm thấy những niềm vui.

Lam Hồng