Thứ hai, 26/7/2010, 10h07

Không nên garô khi bị rắn cắn

Theo kinh nghiệm dân gian, sau cơn mưa, bão lũ, rắn có thể bò vào ẩn nấp trong nhà sau đó tấn công người.
Nhận biết rắn độc cắn
Theo BS Minh Tiến, Phó trưởng khoa cấp cứu, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), nhiều người khi bị rắn tấn công ở trong nhà, lúc đang nằm ngủ nhưng không nghĩ là bị rắn cắn nên lơ là bỏ qua, hoặc tự chữa theo phương pháp dân gian, đến khi nọc độc ngấm sâu vào cơ thể mới vội vàng đến viện gây khó khăn cho công tác điều trị.
BS Tiến cho biết, dấu hiệu nhận biết khi bị rắn cắn là sưng nhiều, đau nhức nhiều ở chỗ bị cắn; tại vết cắn có 2 dấu răng nọc. Để xác định có phải bị rắn độc cắn hay không cần nhận biết các dấu hiệu: Nếu tại chỗ cắn sưng, bầm, hoại tử và da phồng rộp chứa đầy dịch, rối loạn đông máu như: Xuất huyết da thì có thể bị rắn họ lục tấn công. Nếu dấu hiệu tại chỗ ít, chóng mặt buồn nôn, khó thở, yếu liệt chi thì có thể là bị rắn họ hổ tấn công.
Khi bị rắn cắn cần nằm yên bất động. Càng vận động, nọc độc càng xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn. Ảnh: KT
Trong hầu hết các trường hợp, nọc độc xâm nhập vào cơ thể theo con đường mạch bạch huyết (không phải mạch máu thông thường). Con đường vận chuyển nọc độc này sẽ trở nên nhanh hơn và nhiều hơn khi cơ thể vận động. Nếu nạn nhân, đặc biệt vùng cơ thể bị cắn không hạn chế vận động thì nọc sẽ xâm nhập nhanh hơn.
Khi đó, nạn nhân sẽ nhanh chóng bị ngộ độc và ngộ độc nặng hơn nếu vết thương sâu, nhiều nọc độc, sức khoẻ của nạn nhân không tốt. Các triệu chứng gây nguy hiểm cho nạn nhân, dễ tử vong là: Biểu hiện về thần kinh (thường là liệt, trước tiên thường là mắt không thể mở to, đau họng, khó nuốt, nói khó, sau đó là khó thở) sau đó là biểu hiện ở tim mạch (thường là loạn nhịp tim).
Vì vậy khi xác định bị rắn độc cắn cần phải tiến hành sơ cứu ngay cho nạn nhân để kìm hãm nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào cơ thể chậm hơn và ít hơn, giúp nạn nhân có đủ thời gian vận chuyển đến cơ sở y tế bằng cách: Động viên nạn nhân; Không để nạn nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp bởi càng vận động càng làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn; Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề; Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường) để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.
Nếu bị rắn lục cắn thì không băng ép vì có thể làm vết thương nặng thêm. Nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế. Trong trường hợp nạn nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay... Nếu vết cắn ở vùng đầu, mặt, cổ cần  khẩn cấp vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện.
Đề phòng rắn tấn công
Mặc dù trong hai họ rắn độc thường gặp ở nước ta, rắn hổ có thể chủ động tấn công người nhưng trên thực tế, phần lớn các trường hợp bị rắn cắn là do con người chủ động bắt rắn hoặc trêu rắn (vô tình hoặc cố ý làm cho rắn cảm thấy bị đe doạ).
Để giảm nguy cơ bị rắn cắn, BS Minh Tiến khuyên mọi người nên đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm bởi đây là thời điểm con người dễ bị rắn tấn công nhất. Khi phải ra ngoài vào lúc trời mưa, đêm tối, nên đi ủng, dày cao cổ và quần dài. Nếu đi lại trong vườn có nhiều cây to hoặc trong rừng nên đội thêm mũ rộng vành để tránh rắn lục ẩn nấp trên các tàng lá tấn công.
Khuyến cáo của Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cảnh báo: Rắn rất thích cư trú hoặc thích đến các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, tổ mối, nơi nuôi các động vật của gia đình. Vì vậy, các gia đình không nên để trẻ em chơi gần khu vực như trên, không nằm ngủ trực tiếp dưới nền đất và thường xuyên kiểm tra nhà ở xem có rắn không.
Nếu có thể thì tránh các kiểu cấu trúc nhà tạo điều kiện thuận lợi cho rắn ở (như nhà mái tranh, tường xây bằng rơm, bùn với nhiều hang, hốc hoặc vết nứt, nền nhà nhiều vết nứt).
Khi phát hiện có rắn xuất hiện trong khu vực khép kín, mọi người cũng không nên bắt, đuổi hoặc dồn ép rắn mà nên để chúng trườn ra khu vực rộng rãi mới tiến hành đuổi bắt. Khi rắn đã chết cũng không nên cầm hoặc trêu vì đầu rắn đã chết vẫn còn nọc độc.
Xử lý thế nào khi bị rắn cắn?
Nên:
- Cho nạn nhân nằm yên, trấn an họ;
- Bất động và đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc;
- Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước;
- Phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng;
- Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.
Không nên:
- Garô vì sẽ làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch (mạch máu vận chuyển máu từ tim đi nuôi dưỡng các bộ phận của cơ thể), gây đau, rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô.
-  Trích, rạch, trâm, chọc, hút nọc độc tại vùng vết cắn vì có thể gây hại thêm cho bệnh nhân (tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh,...nhiễm trùng nặng thêm).
-Chườm đá hay chườm lạnh.
(Theo Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai)
 Kiều Trinh / Giadinh.net