Thứ tư, 20/10/2010, 14h10

Kiều quyết định bán mình chuộc cha, đấy có phải là phương án tối ưu

Gia đình Thúy Kiều bị oan nạn kinh hoàng như vậy, bằng cách nào để giải quyết? Dùng tiềm lực tài chính của gia đình? Bọn sai nha đã sạch sành sanh vét! Ba người đàn bà còn lại: mẹ, em gái, bản thân Kiều, ai sẽ đứng ra gánh vác? Mẹ lớn tuổi, em thơ dại, chỉ có Kiều phải đứng ra đảm đương lo liệu. Nhưng bằng cách nào? Có người trách Kiều sao không chạy theo cầu cứu Kim Trọng? Kiều không thể làm việc ấy bởi hai lẽ. Một là chuyện tình duyên của hai người vẫn còn trong tình trạng phải giấu giếm, danh nghĩa gì mà công khai trước cha mẹ, họ hàng của chàng trai cầu cứu, giúp đỡ. Hai là, nếu Kim Trọng muốn giúp Thúy Kiều tất phải quay trở lại (bởi số tiền ấy quá lớn. Thúy Kiều bán thân, bán cả cuộc đời mới có được). Mà Kim quay lại thì bỏ dở việc hộ tang chú, đánh mất chữ hiếu của con nhà gia giáo! Chỉ còn có cách Thúy Kiều phải bán thân. Nhưng nếu làm vậy, lời thề với chàng Kim sẽ ra sao? Nguyễn Du đã đưa Kiều vào một mâu thuẫn, một sự gay cấn đến lao lung trong suy nghĩ. Sao cho cốt nhục vẹn tuyền (cốt nhục là xương thịt, tình cha con). Điều ấy Kiều xác nhận là trước tiên. Và, Kiều cho rằng làm người phải tùy theo hoàn cảnh mà xử sự (ngộ biến tòng quyền). Nhưng Kiều đã đặt lên cán cân lương tâm: Duyên hội ngộ, đức cù lao/ Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn? Đặt lên bàn cân để suy nghĩ, để đắn đo, rồi Kiều tự quyết định: Với tình yêu, tuy lời thề chỉ mất đi kho biển cạn, núi mòn (thệ hải minh sơn), nhưng chuyện làm con mới là lớn: Làm con trước phải đền ơn sinh thành! Nguyễn Du đã hạ một câu thơ (hay là Thúy Kiều đã quyết không một chút vương vấn, níu kéo): Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!
Nhà thơ Tản Đà bàn luận: câu này, nghe quả như thấy cái lời nói trước lúc mạo hiểm, mà thần tình ở một chữ “dẽ” (Rẽ). Thúy Kiều cảm thấy cả nhà đang đoàn tụ, chung đi về một hướng, nay Kiều tự mình tách ra, một thân một mình hứng chịu bao nỗi gian truân! Tản Đà thích từ rẽ (dẽ) là tinh tế nhưng tiếp đó cụ Tản lại bàn: “Lại riêng nghĩ như lúc đó, Kim Trọng mới đi khỏi, liệu chưa xa cách là mấy, mà Kim là con nhà giàu, sao trước khi quyết sự bán mình này, Kiều không tính qua hãy mưu việc với Kim Trọng? Chỗ đó hoặc có khe hở chăng?”. Tản Đà không khẳng định, chỉ đặt một nghi vấn. Nhưng như chúng tôi đã trình bày ở trên, tất cả tình tự lớp lang đều thống nhất trong một con người, con người nghĩa nặng, tình thâm, một Thúy Kiều đáng thương, đáng trọng!
Suy nghĩ và xử lí của Thúy Kiều 200 năm nay khiến cho bao người xúc động, mến yêu. Đấy cũng là cách chuẩn bị để cuối truyện, Kim-Kiều tái hợp, Kim không hề trách cứ một điều gì mà ngược lại còn đồng tình, còn thương yêu kính trọng hơn.
Đấy là chuyện 15 năm sau! Còn ngay lúc ấy? Việc làm của Kiều như đánh thức một tý lòng tốt còn lại trong một viên quan nhỏ, một thầy lại đã về hưu. Nguyễn Du nói về lòng tốt của một ông lại già họ Chung nhưng hình như cứ đụng đến bọn quan quyền là cụ Nguyễn lại khinh miệt: Họ Chung có kẻ lại già/ Cũng trong nha dịch lại là từ tâm… Như vậy, đã nha lại tất không có người tốt, ông già họ Chung này là trường hợp đặc biệt. Chính ông, lúc gia đình Thúy Kiều lâm nạn đã đứng ra lo lắng, giúp đỡ (sau này Vương Quan thi đỗ làm quan đã đến tạ ơn ông và được làm con rể của ông). Vì quen việc quan (hay hiểu thấu sự ăn đút lót của quan?) ông lo hộ: Tính bài lót đó, luồn đây. Vậy, lót ai? luồn ai? Phải đưa tiền cho quan, phải cho quan ăn đút lót. Nhưng quan có muốn bỏ qua cũng khó. Bọn hưởng mã không bãi nại, quan cũng chịu thua. Vậy nên phải luồn. Luồn bọn chúng và cả bọn sai nha. Cả ba chỗ ấy có ba trăm lạng việc này mới xuôi (mới xuôi chứ không phải là mơi xong. Xuôixong nhưng có êm thắm không trắc trở, rắc rối)!
Sự việc này, đời sau nhà thơ Nguyễn Khuyến mỉa mai: Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Đời trước làm quan cũng thế a?
Lê Xuân Lít