Thứ năm, 22/6/2017, 22h39

Kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28-6: Bài 1: Cành hoa tím tình yêu

Nổi tiếng với hàng trăm ca khúc để đời, nhiều giải thưởng cao về âm nhạc và được các thế hệ khán giả yêu quý nhưng ngoài đời, nhạc sĩ (NS) Phạm Minh Tuấn - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM (1996-2004) là con người điềm đạm và giản dị. Đối với gia đình, ông là người chồng thủy chung, người cha thương yêu con hết mực.

Vợ chồng NS Phạm Minh Tuấn tại chiến khu Đồng Tháp Mười (Long An)

Cùng chung lý tưởng

Trong mỗi chuyến về miền Tây họp mặt Ban Tuyên giáo khu Trung Nam bộ hay về nguồn tại các địa chỉ đỏ ở miền Đông, những người bạn chiến đấu cũ thật sự vui mừng khi gặp lại vợ chồng NS Phạm Minh Tuấn. Trong những lần hội ngộ quý hiếm đó, từng kỷ niệm của người NS khi sáng tác các bài hát trong những ngày đầu chống Mỹ ở chiến trường miền Nam như “Qua sông”, “Tiếng hát dân công”, “Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn”… lại được mọi người nhắc đến với sự trân quý. Lớn lên trong bom đạn, những tác phẩm âm nhạc của ông đã có sức lan tỏa mạnh mẽ từ vùng chiến khu đến tận vùng giải phóng để tinh thần chiến đấu có thêm sức mạnh. Từ một chàng trai chỉ yêu thích âm nhạc theo bản năng, chàng trai Phạm Văn Thành (tên thật của ông) có may mắn được đặt chân nhiều vùng đất từ nơi sinh ra là đất nước chùa tháp Campuchia đến chiến trường miền Đông và Tây Nam bộ để nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tác khi tuổi đời còn rất trẻ. Với sự nhạy bén của nghề nghiệp và nguồn cảm hứng, những sáng tác của ông ngay từ lúc mới ra đời đã được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Lăn xả với các hoạt động văn hóa nghệ thuật vùng chiến khu, chàng NS trẻ hào hoa mới 23 tuổi đã nổi tiếng với bài hát “Qua sông” được nhiều đồng nghiệp quý mến trong đó có nữ nghệ sĩ Hồng Cúc thuộc đoàn kịch nói của Đoàn văn công Giải phóng. Tình yêu của họ đến với nhau cũng trong sáng và mặn nồng như bao cặp trai gái khác trong thời chiến tranh. Không chỉ chung một nhịp đập, hai trái tim yêu còn chung một chí hướng, một lý tưởng: sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ cho cuộc chiến đấu trường kỳ của dân tộc và nền độc lập tự do của Tổ quốc dù gian khó và cả hy sinh.

Tặng nhau mùa xuân cuộc đời

Sau nhiều năm về hưu, hiện vợ chồng NS Phạm Minh Tuấn sống trong căn nhà có vườn cây rộng trên con đường gần ngã tư Bình Triệu (thuộc P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức). Tình yêu của ông vẫn là “đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím và anh nói tặng em mùa xuân” như bài hát “Mùa xuân” mà ông viết.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, tác giả ca khúc “Khát vọng” vẫn không quên được mối tình nồng mặn trong bom đạn: “Hồi đó chúng tôi ở chung đoàn văn công nhưng đoàn chia ra nhiều bộ phận, tôi ở bên âm nhạc, bà xã là diễn viên kịch nói. Nhờ hoạt động nghệ thuật nên chúng tôi quen biết nhau”. Theo lời kể của ông, đây là thời gian chiến tranh ác liệt nên ở trong rừng với bao khó khăn thiếu thốn nhưng tình người lúc nào cũng đầy ắp. Tình yêu nam nữ cũng vậy, họ đến với nhau tự nguyện bằng sự đồng điệu của tâm hồn và nghệ thuật. Đó chính là “sợi tơ hồng” kết nối sự thủy chung bền vững ngay cả cái chết có đến gần cũng không thể chia lìa lứa đôi. Đầu năm 1964, một đám cưới trong rừng thuộc chiến khu Dương Minh Châu, Tây Ninh được tổ chức đơn sơ và ấm cúng để mở ra “lối nhỏ vào đời” cho đôi vợ chồng trẻ. Dù thời gian đã xa nhưng chủ nhân của ca khúc “Bài ca không quên” vẫn không quên cuộc sống ban đầu khi đó: “Hồi đó ở tập thể chủ yếu là cán bộ chiến sĩ độc thân nên không có nhà riêng cho vợ chồng son nên sau khi cưới xong có gia đình ở địa phương đã cất cho vợ chồng chúng tôi một chòi lá để ở. Tình cảm của người dân đối với chúng tôi thật tốt, không gì có thể diễn tả được”. Tổ ấm gia đình trẻ thật đơn sơ nhưng tràn ngập hạnh phúc bởi tiếng đàn, lời ca điệu múa của chủ nhân “chạy chương trình” trước mỗi lần đi biểu diễn.

Sau khi “qua sông”, niềm vui của nghệ sĩ Hồng Cúc như nhân đôi khi cuối năm bà chuẩn bị đón đứa con đầu lòng ra đời. Đó cũng là thời kỳ khó khăn của bất cứ cặp vợ chồng trẻ nào xa gia đình kết hôn với nhau ngoài mặt trận. Rất may là thời gian này nghệ sĩ Hồng Cúc chưa đi diễn nhiều nên có quỹ thời gian nuôi con nhỏ. Một năm sau vì bận công tác nên cả hai vợ chồng quyết định gửi con về quê để nhờ ông bà nuôi giùm. Thế nhưng, trên đường đi hai mẹ con gặp pháo kích nên cháu bé đã mất khi chưa đầy 1 tuổi. Nỗi đau xé ruột quá bất ngờ đã để lại vết thương lòng của vợ chồng NS tưởng không có gì khỏa lấp được. Cho đến năm 1970 khi sinh thêm đứa con gái thứ hai ở Tân Biên và đứa con nuôi 5 tuổi của bà chị về chung sống với họ thì nỗi đau mới vơi bớt dần. 5 năm sau miền Nam giải phóng, trở về tiếp quản Sài Gòn, gia đình vợ chồng ông mới đi ra khỏi những vất vả khổ đau của thời bom đạn.

Bài, ảnh: Hương Thủy