Thứ bảy, 24/6/2017, 22h40

Kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28-6: Bài 2: Mối tình đồng môn bền vững

Trong giới nghệ sĩ cải lương, cặp đôi NSƯT Lê Tứ - Hà Như được nhiều người ngưỡng mộ, không chỉ vì giọng hát mà còn vì họ là một gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Cả hai lúc nào cũng bên nhau trong tất cả các vở diễn, chương trình. NSƯT Lê Tứ - Hà Như cho biết, họ không thể sống thiếu nhau trong cuộc đời này.

NSƯT Lê Tứ - Hà Như cùng con trai

Mối tình đồng môn

NSƯT Lê Tứ sinh ra và lớn lên ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp trong gia đình mà cả hai bên nội ngoại đều là những tài tử miệt vườn. Chính điều đó đã góp phần bồi đắp trong lòng cậu bé Lê Tứ ước vọng được trở thành một nghệ sĩ cải lương… Năm 1992, Lê Tứ đã chạm ngõ được ước mơ khi thi đậu vào hệ trung cấp - Khoa Diễn viên cải lương của Trường NTSK II (Trường ĐHSK Điện ảnh bây giờ). Tốt nghiệp ra trường năm 1995 cũng là lúc sân khấu cải lương gặp nhiều khó khăn. Anh cùng với những bạn bè đồng trang lứa đã phải làm nhiều việc như: đi dán áp-phích, làm thông tin lưu động ở quận, huyện “lấy ngắn nuôi dài” để có thể bám trụ với nghề.

Năm 2000, Lê Tứ lại tiếp tục học lên hệ CĐ Khoa Diễn viên, được trường cử sang Pháp biểu diễn trong chương trình hợp tác giữa trường với cộng đồng người Việt tại Pháp. Bước sang năm 2001, Lê Tứ bước thẳng đến vinh quang với chiếc HCV cao quý của nghề nghiệp. Năm 2002, Lê Tứ tốt nghiệp Trường CĐSK Điện ảnh, anh được nhà trường giữ lại làm giảng viên môn kỹ thuật biểu diễn.

Nữ nghệ sĩ Hà Như, tên thật là Lê Thị Hà Như, quê ở làng Long Hồ - Vĩnh Long. Hà Như kể: “Như và anh Tứ quen nhau từ những ngày học chung lớp diễn viên ở Trường CĐSK Điện ảnh khóa 1992-1995. Thời ấy Lê Tứ ốm và đen đúa chứ không đẹp trai như bây giờ. Do có giọng hát hợp nhau nên thầy cô thường kêu hai đứa đi show. Thời đó, anh Tứ phải mượn xe đạp của bạn chung lớp để chở Như. Những cuộc trò chuyện giúp hai đứa đến gần với nhau hơn. Năm 1997, Như và anh Tứ theo đoàn lưu diễn ở Pháp. Nhờ chuyến đi mà hai đứa xích lại gần thêm nữa”.

Lê Tứ cho biết: “Ngày còn đi học, Như được nhiều anh chàng trong lớp tán tỉnh lắm, còn mình nhút nhát nên việc mở miệng bày tỏ tình cảm thật khó khăn. Chính nhờ chuyến đi Pháp, mình bị cảm cúm nên được Như quan tâm, chăm sóc tận tình, mới dám mở lời và không gì sung sướng hơn khi nàng đồng ý”. Cái thuở ban đầu lưu luyến của hai nghệ sĩ Lê Tứ và Hà Như đã diễn ra như vậy. Lê Tứ và Hà Như được gia đình chấp thuận và tổ chức hôn lễ năm 2000. Đến năm 2004, Lê Tứ và Hà Như có được một đứa con đầu lòng yêu quý, đặt tên là Lê Hà Nhựt Đăng.

Chưa bao giờ chán nhau

Khi sinh con trai vào năm 2004, Hà Như nghỉ hát để lo cho gia đình. Thế nhưng nỗi nhớ sân khấu và nghề hát kéo Hà Như trở lại sàn diễn cho đến tận hôm nay. Với Lê Tứ thì Hà Như là người phụ nữ sâu sắc, hiền lành, đảm đang... Là nghệ sĩ nhưng tính cách cô ấy giống như một cô giáo, làm cho người đàn ông yêu cô ấy hoàn toàn yên tâm. Trong 17 năm hôn nhân, chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy chán nhau. Bé Nhựt Đăng năm nay 13 tuổi nhưng đã nhiều lần đứng trên sân khấu diễn chung với cha mẹ. Con trai tôi có năng khiếu ca diễn nhưng hình như không có máu mê nghề. Bây giờ tôi muốn con tập trung vào việc học. Chuyện nghề nghiệp của con trong tương lai, tôi sẽ không áp đặt mà để cho con tự quyết định”.

Lê Tứ và Hà Như nói: “Chúng tôi là mối tình đầu của nhau, đồng cảm về nhiều phương diện trong cuộc sống, hiểu từng hơi thở của nhau. Cả hai chung niềm đam mê cải lương, càng thêm chắp cánh cho hạnh phúc vợ chồng. Gia đình hạnh phúc là điểm tựa an toàn để chúng tôi yên tâm làm việc và tạo dựng cho mình một sự nghiệp vững chắc, ổn định”.

Hiện tại, Lê Tứ là giảng viên môn kỹ thuật biểu diễn của Trường ĐHSK Điện ảnh TP.HCM. Có đứng trên bục giảng anh mới hiểu được phần nào nỗi lòng của thầy cô khi thấy học trò của mình lơ là, không tập trung trong học tập. Đôi lúc, chỉ là những động tác nhỏ nhưng có khi anh phải chỉ đi, chỉ lại đến khàn cả cổ, các bạn mới làm theo được. Anh tâm sự: “Các bạn sinh viên ngày nay còn hạn chế nhiều ở phần năng khiếu, đặc biệt là ca. Trong khi đó, tôi cảm thấy rất tiếc cho những người có khả năng được phát hiện qua các cuộc thi như: Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ… không có nhiều cơ hội để tiếp tục phát huy hơn nữa. Thiết nghĩ, cần phải có kế hoạch cụ thể để nuôi dưỡng và đào tạo những tài năng sau mỗi cuộc thi, bởi nếu không thì sẽ rất uổng phí”.

Bên cạnh công tác giảng dạy, hiện Lê Tứ đang cộng tác với nhóm Thắp sáng niềm tin. Trên sân khấu này, anh có thể thỏa nguyện được ước muốn của mình đó là được diễn cả tuồng cải lương chứ không phải chỉ là những trích đoạn. Với Lê Tứ thì anh không hề nề hà vai chính hay phụ, vì với anh, mỗi nhân vật đều có số phận, điều quan trọng là sự đầu tư, chăm chút của mình dành cho vai diễn đó như thế nào để khán giả xem xong là nhớ mãi.

Bài, ảnh: Minh Anh