Thứ ba, 20/8/2013, 22h08

Ký sự hẻm Sài Gòn: Kỳ 2: “Nhiều chuyện” với hẻm

Hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch còn gọi là “hẻm Trịnh”
Muốn vứt bỏ cái ồn ào ngột ngạt của phố thị, có thể “trốn” vào một con hẻm nhỏ, nơi đó có quán cà phê cóc. Muốn “thoát” cảnh kẹt xe thì vào hẻm. Muốn hẹn ai đó chỉ cần nói tên hẻm…
Tên hẻm theo “dấu hiệu nhận biết”
“Hẻm Trịnh” (hẻm 47 đường Phạm Ngọc Thạch) là một trong những địa chỉ mà cánh nhà văn, nhà báo lui tới vào mỗi sáng. Gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh sống ở căn biệt thự cuối con hẻm này. Hẻm rộng, sạch sẽ, có cây xanh từ những ngôi biệt thự nằm hai bên hẻm tỏa bóng mát. Hẻm có quán cà phê cóc nên được gọi cà phê “hẻm Trịnh”. Cái tên cà phê “hẻm Trịnh” do một vài văn nghệ sĩ lui tới cà phê đặt cho. Cà phê ở đây chưa ngon, cung cách phục vụ, chỗ ngồi chẳng có gì đặc biệt, giá cũng không rẻ, cái bề ngoài của bà chủ quán trông khó ưa nhưng “hẻm Trịnh” lại có sức hút đến kỳ lạ.
Sài Gòn có nhiều hẻm số hẳn hoi nhưng người Sài Gòn vẫn quen gọi tên hẻm theo “dấu hiệu nhận biết”. Ví dụ như hẻm 68 đường Trần Quang Khải, Q.1 trước đây còn có tên là hẻm Văn Hiến (có Trường Văn Hiến). Tuy nhiên, gần đây nó còn có một cái tên khác là “hẻm khúc bạch” (vì ở đây là “thánh địa” của chè khúc bạch). Hay như nói hẻm số 53 đường Nguyễn Huệ, Q.1 thì ít người biết nhưng nhắc đến hẻm “Bà Cả Đọi” thì không chỉ người Sài Gòn mà người miền Bắc cũng biết. Theo người dân sinh sống ở hẻm này, trước giải phóng, tại đây có quán cơm do người phụ nữ miền Bắc tên Cả Đọi làm chủ. Lâu dần, người ta lấy “cơm Bà Cả Đọi” làm “dấu hiệu” nhận biết, thành ra có tên “hẻm Bà Cả Đọi”. Hiện nay, tiệm cơm bà Cả vẫn còn nhưng do người thân của bà đứng bán là tiệm cơm Đồng Nhân - cơm bà Cả đặt nhiều ở các địa điểm như đường Trương Định, Tôn Thất Thiệp… Tương tự như vậy, nói hẻm số thì chẳng mấy ai biết nhưng nói “hẻm bún ốc”; “hẻm bún riêu”, “hẻm bún đậu”; “hẻm bia hơi”; “hẻm Lưu Luyến” (đầu hẻm có treo tấm biển chụp hình Lưu Luyến, đường Lê Văn Sĩ)… thì ai cũng rành, không chỉ riêng giới trẻ.
Ở nội thành có những con hẻm mà ngày cũng như đêm người dân bị “tra tấn không thương tiếc” bởi tiếng ồn của hàng quán. Ngoại thành có hẻm luôn bị ngập sâu trong nước vào những ngày triều dâng. Chính vì “đặc điểm” ấy mà xuất hiện những cái tên hẻm mới nghe đã bốc mùi như “hẻm ngập nước”, “hẻm sông”… Hoặc có những cái tên hẻm mà vừa nghe xong đã đưa tay bịt mũi, là “hẻm chuồng heo”, “hẻm chuồng bò”, bởi ở trong hẻm có hộ nuôi heo, nuôi bò.
Sài Gòn có những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, quanh co nhếch nhác nhưng cũng có rất nhiều con hẻm rộng khang trang. Nhiều hẻm đã được nâng cấp lên thành đường như các đường số hiện nay ở cư xá Đô Thành, P.4, Q.3. Nổi tiếng về con hẻm đẹp, rộng là hẻm số 2 đường Nguyễn Thành Ý, Q.1 có cả cây xanh và sân chơi cho trẻ hay một vài hẻm trên đường Đinh Công Tráng cũng thuộc quận này. Hẻm rộng cũng lắm, song được cư dân hẻm đồng lòng tạo cảnh quan thoáng mát, sạch đẹp thế này quả là hiếm có ở Sài Gòn. Nhiều địa phương, tổ dân phố đang tích cực xây dựng hẻm xanh, song vì điều kiện khách quan mà một số nơi không thực hiện được như mong muốn.
Hẻm - một phần ký ức tuổi thơ
Hẻm Sài Gòn là “chất liệu” làm nên những bài tản mạn, truyện ngắn, kịch bản phim… hay. Nhiều tác phẩm có giá trị được viết từ những quán cà phê hẻm, ở những căn phòng chật hẹp, nóng bức trong hẻm nhỏ. Hẻm Sài Gòn có gì đó rất lạ mà không ít người muốn khám phá, trong đó có người nước ngoài.
Hẻm ở Sài Gòn là nơi đặt những quán cà phê, quán ăn, quán bar nổi tiếng được mở ra từ hàng chục năm nay. Có thể vì thuê mặt bằng trong hẻm giá thấp hơn mặt tiền, cũng có thể ở đó thu hút khách bởi cái đặc trưng của hẻm Sài Gòn? Một thực tế nữa là hiện nay, trước tình hình dân số ngày càng tăng, trong khi đường sá thì không mở rộng được nên tình trạng ùn tắc giao thông luôn là vấn đề nóng. Để giải quyết tạm thời thực trạng này, hẻm là một “cứu cánh”, hễ đường chính kẹt xe là “thoát” vào hẻm.
Sống ở hẻm như là sống trong một đại gia đình trên thuận dưới hòa. Dẫu có kín cổng cao tường, dẫu ở đâu cũng có người này người khác nhưng không đến nỗi “kín” như sống ở những căn nhà mặt phố. Nhà nào có hữu sự cũng được nhà khác đến chia buồn, giúp đỡ, nhờ đó mà tình xóm giềng thêm bền chặt. Người sống xa quê hương, đến tuổi hưu họ muốn quay về sống an nhàn những ngày cuối đời bên con cháu ngay tại quê nhà. Họ có thừa tiền để sở hữu một căn nhà mặt tiền nằm ngay trung tâm thành phố hay một căn biệt thự ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng nhưng họ không thích bởi họ luôn nghĩ rằng sống ở hẻm mới có tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Lối sống hẻm luôn là một giá trị mà cư dân muốn hướng đến cho nên không ít người phải khó chịu vì nhiều khu đô thị mới hình thành không quy hoạch hẻm mà quy hoạch thành đường số, thường gọi là đường nội bộ. Dẫu đó là quy luật phát triển, quy hoạch không gian phải phù hợp nhưng giá trị lối sống hẻm đang dần bị mất đi ở một vài nơi.
Với người tha phương mưu sinh, tuổi thơ của họ là những tháng ngày chăn trâu ở cánh đồng đầu làng. Cây đa, giếng nước, sân đình, đường làng rợp bóng cây che… là ký ức tuổi thơ. Riêng với người Sài Gòn, dẫu có đi đâu, bao năm vẫn nhớ con hẻm nhỏ thân thương gắn liền với tuổi thơ. Ở đó có bà hàng nước, cô chủ bán bún riêu hay một ông lão bán báo…
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Kỳ 3: “Hẻm hoa hậu”
Nhiều hoa hậu, người mẫu và diễn viên xuất thân từ con hẻm 351 Lê Văn Sĩ, Q.3, TP.HCM.