Thứ ba, 3/11/2015, 21h37

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Cần tổ chức khoa học hơn

Kiểm tra thí sinh trước khi vào phòng dự thi THPT quốc gia 2015 tại TP.HCM. Ảnh: M.Tâm

Đang có tranh cãi về việc cuối năm học 2015-2016 nên tiếp tục thực hiện kỳ thi THPT quốc gia (kỳ thi 2 trong 1) hay không, nếu có thì nên tổ chức như thế nào, bởi qua kỳ thi năm 2015, đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Trên thực tế, có thể dễ dàng nhận thấy kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có quá nhiều vấn đề, trong đó có sự vội vàng và sự hạn chế của cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhưng cũng đã giải quyết được khá nhiều yêu cầu, như tiết kiệm đáng kể cho xã hội… Thế nên, trong bối cảnh hiện nay, vẫn nên tổ chức một kỳ thi chung nhưng cần cải tiến mạnh mẽ. Đó là:

Tổ chức cụm thi hợp lý hơn

Việc tổ chức cụm thi nên xét trên địa bàn khu vực (để tránh quá rộng, đi lại khó khăn, phải là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phù hợp, nhằm phục vụ việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt của học sinh, phụ huynh và ban tổ chức cụm thi), số lượng học sinh (không quá ít để tổ chức không hiệu quả, cũng không quá nhiều để có thể phát sinh những vấn đề khó lường), số học sinh tham gia các môn thi (để tránh hiện tượng cả hội đồng hàng chục người chỉ để phục vụ một vài thí sinh)…

Đề thi cần phân hóa mạnh hơn nữa

Một đề thi nhằm hai mục tiêu nên cần có sự tách biệt về độ khó nhiều hơn nữa, để học sinh trung bình có thể làm được 50-60% (đạt 5-6 điểm), phần còn lại hướng đến những học sinh khá hơn, xem đó là sự phân hóa để chọn lựa học sinh trúng tuyển vào ĐH. Thậm chí, một số đề thi cũng nên có 3 mức độ: trung bình (chiếm tối đa 40% điểm), khó vừa phải (chiếm tối đa 30% điểm) và cao (chiếm khoảng 30% điểm), với đòi hỏi cả về kiến thức lẫn khả năng tư duy; đây là cách để vừa phân hóa thí sinh vừa giữ mức tốt nghiệp vừa phải, tránh đạt tỉ lệ quá cao trong khi chất lượng còn tranh cãi.

Giám thị đang hướng dẫn thí sinh làm thủ tục trước giờ thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: N.Anh

Tổ chức lại việc đăng ký nguyện vọng vào ĐH

Trước hết, nên nâng “điểm ngưỡng” (điểm đã đủ tốt nghiệp THPT và phải đạt một mức “sàn” nào đó mới được xét tuyển ĐH); trong đó cần xem xét các điểm ưu tiên một cách hợp lý để tạo sự công bằng giữa các thí sinh (có thể tạo mức “trần” điểm ưu tiên, chẳng hạn, dù có nhiều ưu tiên thì điểm tối đa không quá 2 điểm). Thứ hai, việc đăng ký xét tuyển có thể thực hiện tại trường mà thí sinh nộp hồ sơ và tại sở GD-ĐT mà thí sinh đăng ký cụm thi bằng một tài khoản có liên thông, để các thí sinh có thể đăng ký hoặc hủy đăng ký ở nhiều nơi một cách tự động. Thứ ba, việc công bố điểm thi, trúng tuyển nên thực hiện đồng thời ở cả cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT (hoặc đơn vị mà Bộ ủy quyền), sở GD-ĐT mà thí sinh đăng ký cụm thi và trường ĐH mà thí sinh đăng ký xét tuyển, để tránh quá tải và tránh xảy ra hiện tượng lừa đảo. Phần mềm quản lý việc đăng ký xét tuyển cần hạn chế tình trạng thí sinh ảo, tức là với mỗi tài khoản, tương ứng với một thí sinh, thì chỉ xuất hiện trong hồ sơ xét tuyển ở một nơi vào một thời điểm, đã đăng ký vào trường này thì không còn dự tuyển ở trường kia. Phần mềm cũng cần ghi nhận lịch sử đăng ký để xử lý các khiếu nại của thí sinh hoặc để giải quyết các sai sót của bộ phận tiếp nhận. Thời gian đăng ký giữa các đợt (đăng ký nguyện vọng) cũng nên giãn ra phù hợp để tránh cập rập.

Tính toán để có sự phân hóa trong tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN

Trong đó, không vì chỉ tiêu mà hạ thấp điểm ngưỡng khiến chất lượng đào tạo không bảo đảm, nhất là với một số trường/ngành đặc thù như hành chính, sư phạm, báo chí, luật…, đồng thời, góp phần hạn chế việc một số trường ĐH lôi kéo bằng được thí sinh nhưng chất lượng đào tạo chưa tốt. Cần tạo điều kiện để các trường nghề (kể cả bậc CĐ và ĐH) được tuyển sinh nhiều hơn, chất lượng đầu vào tốt hơn để có thể đào tạo được nhiều “thợ” tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội đang ngày càng cao.

ThS. Nguyễn Minh Hải

Chúng ta nên phát huy những ưu điểm của kỳ thi chung nhưng cần cố gắng khắc phục những hạn chế của phương thức đó. Trong quá trình đó, cần quyết liệt ứng dụng tiến bộ của CNTT trong quản lý, điều hành để có thể đạt được mục tiêu nhanh chóng, tiện lợi, chính xác, khách quan và công bằng.