Thứ tư, 4/10/2023, 11h04

Lao động ở TPHCM mất việc được hỗ trợ, học nghề miễn phí

Trước tình hình nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cắt giảm lao động, nhiều người bị mất việc đã tìm cho mình hướng đi mới thông qua các lớp đào tạo nghề.

Trước tình hình nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cắt giảm lao động, nhiều người bị mất việc đã tìm cho mình hướng đi mới thông qua các lớp đào tạo nghề.

Không lường trước được một ngày sẽ mất việc làm, anh Cao Tường (33 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) rơi vào tình trạng không biết làm gì để sống khi nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của công ty hồi tháng 3 vừa qua.

Học nghề để tìm cơ hội mới

“Thời gian đầu tôi ở nhà chăm hai con nhỏ và bán tạp hóa. Sau đó, qua tìm hiểu nhiều nguồn tôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đăng ký học lớp may cơ bản. Tôi tính sau khi học xong lớp này nếu ổn có thể mở tiệm sửa quần áo tại nhà” - anh Trung tâm sự.

Gắn bó với công việc gia công hàng may mặc suốt tám năm, anh Nguyễn Thanh Nhàn (38 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cũng chới với khi thời gian đầu mất việc.

“Tôi muốn là học nghề gì có thời gian ngắn để có thể sớm kiếm tiền lo cho gia đình, vậy nên đăng ký học lớp sửa chữa sáu tháng. Hiện tôi đã học được ba tháng nhưng cũng lo vì học thời gian ngắn vậy liệu có sức mở được tiệm không” - anh Nhàn trăn trở.

Lao động ở TPHCM mất việc được hỗ trợ, học nghề miễn phí ảnh 1

Người lao động đang chờ làm thủ tục tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM. Ảnh: VÕ THƠ.

Còn anh Đỗ Tấn Thông (26 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM), sau khi mất việc, mặc dù có chứng chỉ sau khi học kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí của một trường trung cấp nghề tại TPHCM nhưng anh vẫn chật vật khi xin việc trong lĩnh vực này.

127.206 là số lượng người được Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM , giới thiệu việc làm và đã có 78.611 người được nhận việc, tính từ đầu năm đến 1-9-2023, thông qua 107 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến.

Anh Thông cho biết mặc dù theo hết khóa học nhưng anh không cảm thấy tự tin vì những gì được học và thực tế rất khác nhau. “Giờ tôi đang chạy xe kiếm tiền học thêm một khóa pha chế để tìm cơ hội khác” - anh tâm sự.

Vừa đào tạo nghề vừa hỗ trợ người lao động

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, việc tổ chức việc làm liên tục vừa tạo cơ hội cho người lao động (NLĐ) tìm việc làm phù hợp, vừa giúp họ tránh bị lừa đảo khi đi tìm việc.

Cũng theo ông Thắng, đa số NLĐ mất việc là lao động phổ thông. Nhiều người trong số họ có nhu cầu học lái xe B2, pha chế, nấu ăn… Thời gian học dao động 3-6 tháng tùy nghề. Để đảm bảo chất lượng , trung tâm cũng đề xuất tăng thời gian đào tạo, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để khi học xong NLĐ dễ kiếm việc làm.

“Dự kiến cuối tháng 10-2023, trung tâm sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm chuyên biệt cho người khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM. Đến tháng 11-2023 sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp với 13 tỉnh ĐBSCL theo chuỗi hợp tác của TPHCM với các tỉnh này” - ông Thắng cho biết thêm.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Văn Thinh cho biết NLĐ mất việc ngoài được nhận trợ cấp hằng tháng còn được đào tạo chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm miễn phí. Cụ thể, NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. Phần chênh lệch học phí do DN cử người đi học và người học thỏa thuận đóng góp.

Với người thuộc đối tượng chính sách như phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo... được hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất 6 triệu đồng/người/khóa học dành cho người khuyết tật và thấp nhất 2 triệu đồng/người/khóa học dành cho phụ nữ, NLĐ nông thôn. Đồng thời có hỗ trợ tiền ăn hằng ngày và hỗ trợ một lần tiền đi lại nếu địa điểm học cách nơi ở từ 15 km trở lên.

“Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp duy trì sự gắn kết với DN trong suốt quá trình đào tạo của đơn vị. Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cũng định kỳ tổ chức các sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện giúp NLĐ và DN kết nối” - ông Thinh nói.

Quý IV, TPHCM cần khoảng 75.000 chỗ làm

Theo kết quả khảo sát quý III-2023 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, chênh lệch giữa cung - cầu việc làm vẫn còn khá lớn. Nhóm nghề phục vụ cá nhân, bảo vệ tuyển dụng hơn 9.000 vị trí nhưng thực tế chỉ 95 người tìm công việc này, kinh doanh tài sản có 4.533 vị trí việc làm nhưng chỉ có 65 người tìm việc.

Dự kiến quý IV-2023, nền TPHCM cần khoảng 75.500-81.500 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm hơn 70,1% tổng nhu cầu nhân lực.

Theo Pháp Luật TPHCM