Thứ ba, 7/2/2017, 21h21

Lễ hội tháng giêng: Những điều trông thấy mà...

Sau Tết nhu cầu du xuân hoặc đi xin lộc đầu năm mong một năm yên bình tại chùa, đền thường nhiều hơn các tháng khác trong năm. Thế nhưng trái hẳn với sự linh thiêng, nghiêm túc là cảnh chen lấn, xô đẩy, móc túi, “chặt chém”, xả rác khắp mọi nơi khiến cho hình ảnh đẹp ở những khu tổ chức lễ hội bị biến mất.

Dòng người chen chúc nhau vào chùa cầu cúng 

Lợi dụng chốn thiêng kiếm tiền bất chính

Chẳng còn xa lạ gì việc chặt chém tại các khu du lịch, giá được đôn lên gấp 3, 4 lần. Như tại chùa Bà tại núi Bà Đen (Tây Ninh), một bó nhang nhỏ ở ngoài chỉ 5.000 đồng nhưng ở đây bán tới 25.000 đồng. Kèm theo đó là loại hoa huệ, giấy tiền vàng mã cũng tăng từ 10.000-15.000 đồng. Không chỉ nhang mà các loại nước uống thức ăn cũng bị hét giá trên trời. Điều này đã dẫn đến tâm lí rất nhiều người mang đồ ăn thức uống từ nhà đi và mệt ở đâu dọn ra ăn uống tại đó. Từ dưới chân lên đỉnh núi chỗ nào cũng là bàn di động, người ăn, kẻ uống, bọc nilon, vỏ trái cây, giấy báo lót vứt bừa bãi khắp mặt đất.

Chị Ý Nhi (Bình Phước) cho biết: “Ở hai bên đường lên chùa có những thùng rác để cho du khách bỏ rác thế nhưng không hiểu sao mọi người lại cứ xả rác lung tung, quăng xuống đất. Ý thức giữ vệ sinh chung của người dân thật sự chưa tốt. Không chỉ vậy mà còn nạn phóng uế bừa bãi rất mất vệ sinh, mùi rất khó chịu...”.

Không chỉ dừng lại ở việc xả rác mà nhiều người thay vì cột những sợi chỉ đỏ hay bao đỏ lên cây thì họ lại đi cột những bọc rác do chính họ thải ra lên cây. Người này cột chồng lên người kia tạo nên những cây rác, nhìn rất mất mỹ quan quang cảnh những nơi linh thiêng. Không chỉ dừng lại ở đó, việc chèo kéo, xô đẩy chen lấn khi xin lộc đã tạo điều kiện cho những kẻ xấu lợi dụng trà trộn vào móc túi. Theo ghi nhận, hình ảnh chèo kéo khách du lịch diễn ra một cách mất trật tự và khó kiểm soát, khiến khách du lịch cảm thấy khó chịu. Bát nháo các dịch vụ ăn uống kèm theo ở ngay khu vực linh thiêng khiến quang cảnh xung quanh trở nên nhộm nhoạm, lộn xộn một cách khó hiểu, mất đi vẻ tôn nghiêm. Ở những di tích, sau khi soát vé du khách vô tư vứt vé ngay trước cửa mặc dù thùng rác ở cách đó không xa. Bên cạnh đó chính cả những người quản lí cũng không có ý thức bảo vệ cảnh quan di tích. Những bãi rác cứ ngồn ngộn mọc lên thử hỏi mấy ai muốn tham quan và vãn cảnh.

Cảnh tượng này không chỉ xảy ra ở núi Bà Đen mà ngay các chùa tại TP.HCM cũng chịu chung một tình trạng.

Ghi nhận tại chùa Ngọc Hoàng (P.Đa Kao, Q.1), chiều 6-2, từ bên ngoài đường Mai Thị Lựu, dòng người và xe nhích từng centimét để được vào bên trong khiến giao thông hỗn loạn. Bên trong sân chùa không còn một chỗ chen chân, khói nhang nghi ngút đến ngộp thở. Khách đến chùa không chỉ có người trong nước mà có cả những đoàn khách du lịch đến từ Anh, Pháp, Malaysia, Trung Quốc… Chứng kiến cảnh tượng chen lấn, du khách nhìn nhau lắc đầu rồi ra hiệu với nhau cố thoát khỏi đám đông bát nháo.

Mất hơn 20 phút, chúng tôi mới tiến được vào khu vực chánh điện. Hai bên, hàng chục người đang xếp hàng chờ đến lượt vào cầu an, đông nhất vẫn là cánh phụ nữ. Chúng tôi như muốn ngộp thở bởi khói nhang nghi ngút bên ngoài cũng như bên trong chánh điện. Không ít người sau nửa giờ chờ đợi đành cố thoát ra ngoài để… thở. Càng về chiều, dòng người cứ nối nhau, không ngớt.

Phía trước chúng tôi là bàn Phật bày lễ, cạnh đó là chiếc khay nhôm đặt chân đèn - nơi rót dầu ăn cúng lễ cầu an. Đứng nhận lễ và đọc sớ cầu an là một người đàn ông trung niên. Nhìn tôi, người đàn ông này hỏi: Tên gì? Bao nhiêu tuổi? Sau khi nhận khá đầy đủ thông tin, ông ta đọc lớn: Gia chủ tên A, cầu mong bình an đến gia đình, con cái khỏe mạnh, học hành giỏi giang, cầu tài được tài, cầu phúc được phúc…”. Trong lúc đọc, tay phải ông ta rót dầu vào các chân đèn cầy, tay trái nắm chặt cuộn tiền. Tôi lấy ví, rút tờ 50.000 đồng đưa cho ông ta, gọi là “lễ” theo hướng dẫn. Cầm tiền, ông ta nhét ngay vào túi quần, chỉ còn nắm cuộn tiền mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng. Cách đón nhận, cảm ơn cũng tùy vào số tiền mà khách lễ. Trong vòng 5 phút, người này đã thực hiện cầu an cho khoảng chục lượt khách, số tiền trong túi ông đã xấp xỉ một triệu đồng.

Thầy Thích An Đạt (Tịnh xá Ngọc Quy, Q.7, TP.HCM) khẳng định, cầu an, cầu phúc là một trong những phong tục thờ cúng của người Việt. Hiện nay, phong tục này đang bị biến tướng và ở một số nơi đã trở thành dịch vụ kiếm tiền. Nguy hiểm hơn khi một số người đã lợi dụng danh nghĩa nhà chùa để thu lợi. Cầu an đầu năm là việc nên làm, cầu mong gia đình sức khỏe, bình an, mọi việc hanh thông và với lòng tùy tâm của phật tử mà cúng dường, lễ Phật chứ không đâu đòi hỏi. Nếu có là trái với giáo lý của đạo Phật. 

Tại chùa Ngọc Hoàng, giá giữ xe máy đẩy lên gấp đôi ngày thường, tức 10.000 đồng/ lượt. Khách vào bãi, tự tìm chỗ để xe ngay lập tức có người đến đưa thẻ và thu tiền trước. Bên ngoài chùa, nhiều điểm giữ xe tự phát cũng mọc lên, cho người xuống đường chặn xe giành khách, giá giữ xe thì nhìn mặt mà thu tiền, từ 10.000 đồng -15.000 đồng/ lượt. Bà Nguyễn Thị Hai (P.25, Q.Bình Thạnh) bức xúc: “Tôi hỏi xe máy chớ có phải xe hơi đâu mà lấy tiền nhiều vậy, cậu thanh niên quát lớn: Không đồng ý thì dắt xe đi kiếm chỗ khác mà gửi, không nói nhiều”. Điểm giữ xe bên ngoài chùa Châu Đốc khách đưa tiền mệnh giá 20.000 đồng trở lên thì cố tình không thối lại, khi hỏi thì trả lời quên, không thì lờ luôn.

Đến bao giờ mới hết?

Rác chất thành đống ở một góc chùa ở núi Bà Đen

Cảnh nhếch nhác ở chùa chiền, các khu di tích này còn kéo dài bao lâu nữa mới có thể dẹp yên?

Mùa lễ hội bỗng nhiên trở thành “mùa” mất mát tài sản một cách đáng tiếc. Chị Hải Yến (Q.5) nuối tiếc cho biết: “Tôi tới đây xin lộc thắp nhang đầu năm. Thế nhưng, chỉ vừa vào điện Bà xin lộc quay ra tôi phát hiện mình mất 2 chiếc điện thoại và toàn bộ tiền để trong túi quần. Tôi cảm thấy quá thất vọng về việc này”. Kẻ gian đã lợi dụng trà trộn lợi dụng lúc chen lấn để móc túi và nhẹ nhàng chuồn êm. Cảnh tượng bên ngoài khuôn viên những nơi linh thiêng càng khủng khiếp hơn. Chị Ái Điệp, một vãn khách viếng cảnh chùa Hoàng Ngọc (Q.5) than thở: “Giấy tiền vàng mà ngoài cổng chùa bán nhiều quá và rất lộn xộn. Cảnh tranh giành khách khá nhốn nháo. Họ bán cả những hình xăm trông rất mất mỹ quan không phù hợp với những nơi linh thiêng thế này”.

Chiếc Mazda 5 trờ tới bên kia đường, ngay lập tức hàng chục người bán đồ lễ, vé số, sách bói toán… ập đến. Một số người bán hàng không được thì đưa tay xin tiền, khách thập phương không cho thì quyết bám vào tận bên trong. Đó là cảnh tượng diễn ra hơn chục ngày này ở khu vực chùa Châu Đốc 2 (huyện Nhà Bè). Theo công an huyện này, mấy ngày qua đã tiếp nhận nhiều vụ trộm, cướp xảy ra trong và ngoài chùa. Quy theo dõi, truy xét phát hiện đối tượng là con nghiện, sống lang thang vào vai khách viếng chùa bằng cách ăn mặc sang trọng, giày dép bóng loáng để tránh sự nhòm ngó. Chúng hoạt động theo nhóm nhưng chia nhau quan sát, phát hiện khách hớ hênh túi xách, điện thoại là ra hiệu cho đồng bọn “ăn hàng”.

Trên thực tế, để thay đổi thói quen đã cố hữu không phải vài ngày có thể làm được bằng chứng là nhiều năm qua, tuy ban quản lí và các cơ quan chức năng đồng bộ phối hợp vào cuộc thế nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Đây là những hình ảnh không đẹp của mùa lễ hội, một câu chuyện “muôn năm cũ” cứ tái hiện đi, tái hiện lại chưa thể chấm dứt được của năm mới. Những hình ảnh xấu xí làm mất đi vẻ đẹp, sự tôn nghiêm hay chính những niềm vui năm mới của du khách thập phương.

Bài, ảnh: Trần Anh - Phạm Quyên