Thứ năm, 3/11/2016, 21h58

Lợi thế nghề nghiệp nếu giao tiếp tốt

Làm cách nào để xác định được năng lực bản thân, qua đó lựa chọn ngành học phù hợp? Khả năng giao tiếp tốt thì nên theo học ngành nào?... Đây là những câu hỏi mà các học sinh Trường THPT Long Thới (TP.HCM) đặt ra tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.

Học sinh Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM) đang đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Xác định đúng năng lực để chọn ngành

Em Phạm Hoàng Ân (lớp 11A1) hỏi: “Thời điểm này em vẫn không xác định được năng lực bản thân ở mức nào, vì thế không biết mình hợp với ngành gì? Bằng cách nào em có thể xác định năng lực bản thân để sớm lựa chọn ngành học đúng năng lực?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Trà Thanh Trung (Trưởng phòng ĐH, Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH thuộc ĐHQG TP.HCM) cho rằng, đây là thực trạng chung mà nhiều học sinh vướng phải, là một điều hết sức lo ngại. Hậu quả là các em rất dễ mù mờ thông tin rồi chọn sai ngành, chọn theo kiểu nghe người này, người kia nói hay về ngành nào đó rồi chọn đại.

“Trước khi các em đặt bút chọn ngành thì phải tìm hiểu kỹ ngành đó được đào tạo như thế nào, mục tiêu đào tạo ra sao, cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường, các chính sách nhà trường dành cho sinh viên... để chọn được một ngôi trường phù hợp”, ThS. Trà Thanh Trung (Trưởng phòng ĐH, Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH thuộc ĐHQG TP.HCM) nhắn nhủ.

Ông Trung khuyên: “Trường hợp của Hoàng Ân, em cần làm bài trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp, xoay quanh những câu hỏi kiểm tra về kiến thức, khả năng tư duy, tính cách, sở thích, tài lẻ, mối quan hệ xã  hội... Qua đó sẽ giúp em nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Nếu thấy chưa đủ, em cần tham khảo thêm ý kiến của gia đình, bạn bè về năng lực, tính cách bản thân. Khi đã hiểu rõ bản thân thuộc tuýp người nào và năng lực đang ở đâu rồi mới tiến tới chọn ngành, nhóm ngành. Hiện Hoàng Ân đang học lớp 11, đây là thời điểm em nên xác định năng lực bản thân để có định hướng học tập tốt ngay từ bây giờ cũng như chuẩn bị cho kỳ thi THPT. Không nên lơ là, đợi lên lớp 12 mới xác định thì dễ ảnh hưởng rất lớn đến việc trau dồi kiến thức, chọn ngành, chọn trường sau này. Việc chọn ngành sai sẽ khiến người học chán nản, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và nhiều cơ hội quý giá khác. Ngược lại, chọn ngành đúng sẽ luôn có hứng thú, là động lực để vượt qua mọi khó khăn trong học tập. Khi ra trường sẽ làm việc bằng đam mê, dễ dàng phát huy khả năng bản thân và thành công”.

Giao tiếp tốt thì cơ hội nghề nghiệp là rất lớn

Một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào cơ hội nghề nghiệp cao sau khi ra trường cũng như giúp công việc được phát triển tốt phải kể đến là kỹ năng giao tiếp. Em Anh Nhi (lớp 12A2) hỏi: “Em nên theo ngành nào khi khả năng giao tiếp tốt, thích hoạt động đoàn thể nhưng sở trường, đam mê thì thiên về CNTT?”. Ông Trà Thanh Trung cho biết: “Em nên chọn ngành CNTT vì đó là thế mạnh cũng như niềm đam mê đã có sẵn. Riêng kỹ năng giao tiếp sẽ góp phần giúp em làm tốt mọi công việc lẫn học tập. Một người giỏi chuyên môn, giao tiếp tốt thể hiện là người tự tin, năng động… góp phần không nhỏ đến sự thành công trong công việc. Đây cũng là yếu tố mà hiện nay doanh nghiệp tuyển dụng hết sức đề cao trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế”.

Cũng liên quan đến kỹ năng này, em Kim Phụng (lớp 11A1) hỏi: “Em làm bài trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp, thấy bản thân hợp với ngành quản trị nhân lực. Nhưng thế mạnh bản thân em là giao tiếp và khả năng phân tích, nắm bắt tâm lý người khác rất tốt. Vậy em có thể học song song hai ngành này?”. Ông Trung trả lời: “Quản trị nhân lực là công việc làm việc với con người, đòi hỏi người quản lý phải hiểu tâm lý, tính cách, năng lực từng con người mình đang quản lý để có thể lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ, đưa ra chiến lược quản lý... Ngoài ra không thể không kể đến kỹ năng giao tiếp. Người giao tiếp giỏi sẽ dễ dàng tạo ra những nhóm, tập thể lao động đoàn kết, lao động tốt. Em có thể đăng ký học ngành quản trị bởi trong quá trình đào tạo, người học được trang bị đầy đủ các kiến thức liên quan đến tâm lý con người, tâm lý xã hội. Sau khi ra trường, em có thể học bổ sung chuyên ngành tâm lý để hoàn thiện kiến thức, bản thân. Cộng với lợi thế em có thì cơ hội nghề nghiệp cao, tăng niềm đam mê và dễ dàng phát huy năng lực bản thân”.

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

HỎI - ĐÁP HƯỚNG NGHIỆP

“Ngành logistics đào tạo những gì? Cơ hội việc làm như thế nào?” - một học sinh lớp 12 Trường THPT Long Thới (TP.HCM)

Ông Đoàn Thanh Phong (đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) trả lời: “Logistics thuộc lĩnh vực phân phối, cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng thông qua nhiều kênh khác nhau như đường biển, đường bộ, đường sắt; các hoạt động gồm vận chuyển, lưu kho bãi, làm thủ tục hải quan, tư vấn khách hàng, nhận hàng... Người học ngành này được học kiến thức về kinh tế logistics, Luật Vận tải, quản trị chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận từ nơi sản xuất đến tiêu thụ; kiểm nguồn vận chuyển hàng hóa, thông tin. Sau khi ra trường có thể làm việc ở các khâu như kho vận, tổ chức kế hoạch vận chuyển khai thác hàng; marketing; cung ứng vật tư, kinh doanh quốc tế...

Em muốn học ngành quản lý khách sạn nhưng lại không có ngoại hình, trong khi ngành này đòi hỏi ngoại hình. Vậy em có nên đăng ký học không? - Minh Tú (lớp 12A6 Trường THPT Lê Thánh Tôn, TP.HCM)

ThS. Nguyễn Đình Đương (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) trả lời: Quản lý khách sạn thuộc khối ngành du lịch, trong đó còn có quản lý dịch vụ, du lịch và lữ hành. Bất cứ ngành nào, nếu có ngoại hình cũng chiếm lợi thế nhưng không phải là tất cả. Hiện nay, bên cạnh kiến thức, kỹ năng, các nhà tuyển dụng còn xét đến yếu tố nhân cách, đạo đức, vì thế cũng không nên đặt nặng vấn đề về ngoại hình. Quan trọng là các em phải tự tin đứng trên đôi chân của mình, biết nắm bắt cơ hội, không ngừng nỗ lực, phấn đấu thì sẽ dễ dàng có được công việc tốt và thành công.

Để làm tốt công việc này, đòi hỏi phải có sự tự tin, năng động, thích khám phá. Vì là ngành thuộc về dịch vụ chăm sóc khách hàng nên yêu cầu tính cẩn thận, chu đáo rất cao. Nước ta đang trên đà phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế, vì vậy nhân lực ngành này đang rất quan trọng, cần thiết đối với xã hội. Hiện tại có không ít trường đang đào tạo ngành này như: ĐH Văn Lang, ĐH Quốc gia TP.HCM...

T.Ngọc (ghi)