Thứ bảy, 1/12/2012, 09h12

Lương hưu không đáp ứng đủ nhu cầu tuổi già

Bộ LĐTBXH đề xuất mô hình bảo hiểm hưu trí bổ sung tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích cả người sử dụng lao động và người lao động tiết kiệm trong thời gian làm việc cho tuổi già.

Ngày 30.11, tại TPHCM, Bộ LĐTBXH đã tổ chức hội thảo đề xuất những nội dung chủ yếu về bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam. Đây là loại hình bảo hiểm tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước tập thể. Mức đóng dựa trên sự thỏa thuận của hai bên.

Tại hội thảo, Bộ LĐTBXH đề xuất mô hình bảo hiểm hưu trí bổ sung tại Việt Nam như: Tạo khuôn khổ pháp lý cho những doanh nghiệp đã thực hiện hưu trí bổ sung. Đồng thời khuyến khích cả người sử dụng lao động và người lao động tiết kiệm trong thời gian làm việc cho tuổi già.

Cụ thể, mức đóng từ 5-10% mức thu nhập thực tế hằng tháng của người lao động, trong đó, mức đóng tối đa 10 triệu đồng/tháng. Trường hợp người lao động từ 45 tuổi trở lên có thể đóng mức cao hơn nhưng tối đa không vượt 15% mức thu nhập thực tế/tháng... Như vậy, người lao động sau khi nghỉ hưu ngoài lương cơ bản hằng tháng, họ còn được nhận thêm khoản thu nhập này.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân thì, loại hình bảo hiểm này đã được triển khai từ khá lâu với nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam lương hưu là khoản thu nhập duy nhất đối với người lao động khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo thống kê, mức lương hưu bình quân tại Việt Nam khoảng 3,2 triệu đồng/tháng, so với nhu cầu tuổi già đang mất cân đối chi tiêu, do lương hưu gắn chặt với lương người đang lao động.

Mặt khác, khả năng ngân sách để chi trả lương hưu và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong thời gian gần đây (dự kiến 2023 chi bằng thu).

Lê Tuyết

Báo Lao Động