Thứ năm, 27/4/2017, 21h07

Mặc đồ lập dị, không phải là... sáng tạo

Tôi đã đọc bài “Ăn mặc để tôn trọng nghề, tôn trọng trò” của tác giả Từ Nguyên Thạch trên Báo Giáo dục TP.HCM ra ngày 25-4-2017. Đây là bài viết tốt, phân tích có tình có lý, có sức thuyết phục rộng rãi dư luận xã hội và rất đáng hoan nghênh.

Ông cha dạy rằng: “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc” là rất đúng cho muôn đời. Đấy chính là sự thích nghi văn hóa, là sự năng động và cũng là rất sáng tạo. Ra chợ thì không cần mặc complê, đi lao động công ích thì không cần ăn mặc nghiêm túc, đi chốn chùa thì không mặc hở hang, phô trương đường nét trên thân thể... Ở chốn học đường - nhất là ở bậc ĐH (của các nước trên thế giới), đòi hỏi người thầy giáo phải ăn mặc nghiêm túc, đứng đắn, để làm gương cho HS-SV về cách trang phục và gây chú ý cho sự tiếp thu bài giảng.

Ấy thế mà có giáo sư người Việt từ nước ngoài về khi giảng dạy lại mặc quần đùi, áo vét-tông (hoặc áo phông) thì quả hơi kỳ, lập dị, không hợp với nhà trường Việt Nam. Một số không ít nhà báo và người dân đã đồng tình với ông giáo sư này, và cùng theo lập luận của ông: “Ăn mặc như thế là để khơi dậy sự sáng tạo, là minh chứng và thị phạm cho sự sáng tạo (?!) và nên bỏ qua những quan niệm cũ, lỗi thời (?!)”. Như thế, quả là ngụy biện đến mức quá coi thường dư luận và rất ấu trĩ.

Sáng tạo là ở trong chính tư duy của con người, từ đó thể hiện trong hành động, việc làm để đạt hiệu quả cao hơn trước, đồng thời đảm bảo được tính văn hóa - thẩm mỹ. Đâu phải “sáng tạo” chỉ thể hiện ở hình thức, cách ăn mặc? Như thế là SAI LẦM TO! Và rõ ràng cách ăn mặc vậy là thiếu tính văn hóa - bởi nó không phù hợp với hoàn cảnh mà chỉ nặng về hình thức phô trương và lập dị.

Cách ăn mặc sao cho hợp lý, hợp với hoàn cảnh và mang tính văn hóa - thẩm mỹ chính là thể hiện nhân cách của mỗi con người. Đối diện với HS-SV để truyền thụ kiến thức mà ăn mặc cẩu thả, kệch cỡm, lại ngụy biện là “để khơi gợi và chứng minh cho sự sáng tạo” - phải chăng là sự coi thường những người đối diện và tỏ ra “chơi trội”, là lập dị để gây chú ý.

Đào Ngọc Đệ
(ĐH Hải Phòng)