Thứ tư, 28/12/2011, 15h12

Mạn đàm về nụ cười

Nụ cười rạng rỡ chào đón năm mới của người dân tộc Mông. Ảnh: D.Anh

Là liều thuốc an thần phổ biến nhất của nhân loại, tiếng cười đã mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cho trí tuệ và làm cuộc sống của chúng ta thêm vui tươi, lạc quan, yêu đời. Nhân dịp năm mới 2012 sắp đến, xin được mạn đàm về nụ cười như là lời chúc tốt đẹp nhất.
Nụ cười chính là sự biểu đạt trạng thái tình cảm yêu, thương, buồn, giận, ghét của con người. Nhưng hơn thế nữa, nó còn là biểu hiện của sự văn minh, là sự phản ánh của thời đại... xoay quanh nó có rất nhiều điều thú vị.
Bằng chứng của sự văn minh
Nụ cười là dấu hiệu quan trọng giúp con người khác biệt với động vật khác. Không phải ngẫu nhiên mà nhà sử học Angus Trumble cho rằng “Nụ cười là bằng chứng của sự văn minh. Ai không cười, kẻ đó chưa hoàn toàn là con người”. Nụ cười cũng là phản ứng đầu tiên của chúng ta với thế giới. “Ở trẻ sơ sinh, bắt đầu từ tuần thứ tám sau khi chào đời, nụ cười không còn là phản xạ bình thường mà trở thành biểu hiện thật sự của tính thân thiện, là sự tăng cường quan hệ tình cảm với cha mẹ. Theo thời gian, trẻ dần dần được hoàn thiện kỹ năng cười và nụ cười lúc bấy giờ là yếu tố cơ bản trong quan hệ giữa người với người, nụ cười tạo ra xã hội” - nhà xã hội học William De Gaston nói. Qua các thời đại, nụ cười đã từng được sử dụng như một loại vũ khí hiệu nghiệm. Và cũng đã có nhiều triết lý về nó. Các nhà thông thái đã từng bàn đến cái mà Voltaire gọi là “một kiểu vui vẻ kéo được cơ bắp của gò má đi về phía lỗ tai”. Cho đến thế kỷ XVI nhiều người vẫn cố gắng tìm trong nghệ thuật hình ảnh nhân vật đang mỉm cười. Bức chân dung Mona Lisa (1503-1506) của Lenardo Da Vinci, đã tạo nên một nụ cười độc đáo - nụ cười bí hiểm - khiến tác phẩm trở nên tuyệt tác vĩ đại trong thế giới hội họa. Mặc dù nụ cười là phản ứng tự nhiên của con người, nhưng nó phản ánh cả một nền văn hóa. Không phải có nụ cười là mọi việc trở nên suôn sẻ, ngược lại đôi khi nụ cười còn là nguyên nhân của những sự hiểu lầm trên sắc thái văn hóa của mỗi quốc gia. Ở Pháp, trong cuốn hướng dẫn du lịch có viết thông tin “Người Pháp không tươi cười với người nước ngoài” nhằm giúp cho các khách du lịch hiểu và thông cảm với bản tính của họ. Còn ở Thái Lan thì được xem là “xứ sở của nụ cười”. Không giống như người phương Tây cười phải có lý do nào đó, ở người Thái nụ cười là phần tự nhiên của cuộc sống, họ lúc nào cũng cười, tất nhiên nụ cười đó sẽ có ý nghĩa riêng cho từng trường hợp cụ thể. Còn tại châu Phi mọi người rất ít khi cười ngoài phạm vi người thân trong gia đình, bởi trong trường hợp ngược lại nụ cười bị coi là không lịch sự. Riêng đối với người Việt, nụ cười mang rất nhiều ý vị và thâm thúy. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Vĩnh có nhận xét về nụ cười người Việt như sau: “Việt Nam có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì mà dở cũng hì, phải cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.…”. Quả thực người Việt ta hay cười, sắc sảo và rất nhẹ nhàng. Cũng có những nụ cười không kém chua cay, nhưng lại thể hiện rất cao tinh thần xây dựng, chân tình: “Cười người chớ khá cười lâu/ Cười người hôm trước hôm sau người cười”.
Nụ cười tăng cường những mối quan hệ xã hội
Trong thời đại ngày nay, nụ cười là một vấn đề rất quan trọng, nhất là trong xu hướng toàn cầu hóa, nụ cười có tác dụng tăng cường những mối quan hệ xã hội, nâng cao hiệu quả trong công việc và làm cho chúng ta trở nên cởi mở hơn. Người Nhật Bản vốn thường đè nén tình cảm hơn là bộc lộ tự nhiên, họ không thích nói cười mà thích u mặc. Thế mà giờ đây, họ có cả một trường dạy cười, có khả năng chinh phục người đối thoại góp phần định hướng nhân sinh quan tích cực. Trong văn hóa truyền thống Nhật Bản ngày nay, bên cạnh trà đạo, hoa đạo, thư đạo... còn phải kể đến tiếu đạo. Tác dụng quan trọng nhất của nụ cười là mang lại lợi ích sức khỏe và thái độ sống lạc quan của con người. “Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, bởi nụ cười thật sự là “chạy tại chỗ” có tác dụng như bàn đạp cơ nhẹ, nó rất gần với kỹ thuật yoga. Ở một số bệnh viện Mỹ đã thành lập một đội quân đặc biệt “Đội quân cười”, họ mượn hình thức sân khấu, những thầy thuốc này khiến bệnh nhân cười thỏa thích để vượt qua bệnh tật. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng, những người sống lạc quan, vui vẻ sẽ dễ thành công hơn, trong không khí vui vẻ, thoải mái giúp cho quá trình hấp thụ kiến thức nhanh chóng hơn. Trong cuộc sống đời thường, có thể nói từng ngày mọi người đều phải đối mặt với không biết bao nhiêu là hỉ, nộ, ái, ố. Tâm trạng con người cũng theo đó mà thay đổi. Đó là lẽ đương nhiên. Nhưng nếu ai cũng thế thì có gì để đáng nói. Cái đáng nói là phải biết cách điều hòa nhiệt khí, tự thoát ra, vượt lên chuyện thường tình ấy, nghĩa là phải biết dùng cái cười làm lợi khí để đẩy lùi (hoặc chí ít cũng áp đảo nhất thời) những nỗi niềm ưu tư, phiền muộn… Bởi lẽ đôi khi cuộc đời sẽ trở nên dễ chịu hơn khi ta đơn giản chỉ cười với nó. Mùa xuân sắp về, xin chúc mỗi người trong chúng ta luôn nở nụ cười rạng rỡ trên môi.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Một giáo sư người Nhật đã nói: “Sẽ không còn thích hợp khi định nghĩa cười là phản ứng tự nhiên của loài người. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ có thể nói cười là cả một nền học vấn”.