Thứ bảy, 17/6/2017, 21h23

Mỗi thí sinh một mã đề: Ngăn ngừa được tình trạng “đậu oan”

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2016, câu chuyện trượt tốt nghiệp “hi hữu” của thí sinh Nguyễn Sỹ Hùng (học sinh Trường THPT Tây Hiếu, Nghệ An) đạt điểm 10 môn vật lý nhưng chỉ được 0 điểm môn toán gây xôn xao dư luận.

Thí sinh chuẩn bị làm bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: M.Tâm

Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra kết luận cuối cùng: “Không có cơ sở để xác định vi phạm quy chế thi trong trường hợp này”. Tuy nhiên, với góc nhìn của người trong cuộc, có thể nhận thấy sự việc trên không thể là chuyện bình thường. Mặt trái từ việc trùng mã đề trong phòng thi trắc nghiệm đã bộc lộ rõ.

Có bất thường?

Trước hết, nhìn vào số điểm đạt được của thí sinh Nguyễn Sỹ Hùng, hẳn nhiều người sẽ dễ dàng nhận ra sự chênh lệch lớn về điểm số giữa các môn thi: Toán 0 điểm, ngữ văn 2,5 điểm, tiếng Anh 2,13 điểm, hóa học 8 điểm, vật lý 10 điểm. Như vậy, với hai môn thi theo hình thức trắc nghiệm, thí sinh này đều đạt loại giỏi. Với mức độ đề thi có sự phân hóa trình độ người học, trong đó có tỷ lệ 15-20% câu hỏi khó, để đạt được điểm cao ở các môn tự nhiên như vật lý, hóa học, bản thân thí sinh phải có học lực khá, giỏi trở lên. Đặc biệt, để đạt được 10 điểm môn vật lý không phải là điều dễ dàng. Trong khi đó, các giáo viên trực tiếp giảng dạy thí sinh này tại Trường THPT Tây Hiếu tỏ ra rất bất ngờ với điểm 10 môn vật lý vì lực học môn này tại trường của em chỉ ở mức trung bình yếu. Khi trả lời báo chí Hùng cũng thừa nhận: Bản thân chỉ làm được khoảng 20%, còn lại là “khoanh bừa đáp án” và “được bạn trợ giúp”. Vấn đề là, trong số 20% câu Hùng tự làm, chưa hẳn đã có kết quả đúng hết. Trong khi đó, xác suất chính xác tuyệt đối trong số các câu “khoanh bừa” cũng rất khó có khả năng xảy ra. Như vậy, nhân tố “được bạn trợ giúp” có thể xem là yếu tố chính dẫn tới điểm 10 tuyệt đối môn vật lý của thí sinh này. Nhận định trên càng có cơ sở khi 3/4 thí sinh đạt điểm 10 môn vật lý đều có tên Hùng và cùng dự thi chung một phòng thi. Việc đạt được điểm cao do “bạn trợ giúp” hay nói thẳng ra là do trao đổi, quay cóp là vi phạm quy chế thi, ảnh hưởng lớn tới tính khách quan, nghiêm túc, công bằng của kỳ thi. Không ít người đã đặt câu hỏi, trong số tỷ lệ “đẹp” hơn 90% học sinh cả nước được công nhận tốt nghiệp THPT năm 2016, có bao nhiêu trường hợp “đậu oan” do gian lận, quay cóp nhưng không bị phát hiện, xử lý?

Nhiều thí sinh “đậu oan”?

Trước sự việc gây chú ý trong dư luận nêu trên, Hội đồng thi Trường ĐH Vinh đã tiến hành kiểm tra và ra thông báo nêu rõ: “Kiểm tra sơ đồ phòng thi và kết quả môn vật lý của phòng thi, hội đồng thi thấy thí sinh Nguyễn Sỹ Hùng có cùng mã đề thi (mã đề 381) với một thí sinh được 10 điểm môn vật lý. Hai thí sinh này được bố trí chỗ ngồi theo đúng quy định. Hội đồng thi không có căn cứ xác định vi phạm quy chế thi trong trường hợp này”. Như vậy, điểm mấu chốt rất có thể nằm ở chi tiết thí sinh Hùng có cùng mã đề với một thí sinh được điểm 10 khác trong cùng phòng thi. Và mặc dù, “hai thí sinh này được bố trí chỗ ngồi theo đúng quy định” nhưng vẫn có thể xảy ra khả năng trao đổi, quay cóp giữa hai thí sinh cùng tên Hùng trùng mã đề.

So với các môn tự luận, những môn thi trắc nghiệm dù chỉ có thời gian làm bài bằng 1/3 nhưng việc quay cóp, trao đổi nếu diễn ra, sẽ dễ dàng hơn nhiều. Trong thời gian từ 5-7 phút, nếu giám thị lơ là, thí sinh có thể sao chép được toàn bộ đáp án của bài thi. Sau khi chấm thi, với những bài thi trắc nghiệm, để dò ra lỗi gian lận mà chỉ dựa vào tờ phiếu trả lời đáp án là khó khả thi bởi các thí sinh chỉ tô đáp án lên bài mà không để lại bất cứ “dấu vết” nào về hành văn, diễn đạt. Trong các môn thi trắc nghiệm, việc phát hiện quay cóp chủ yếu nằm ở giám thị. Nếu giám thị không làm hết trách nhiệm, coi thi lỏng lẻo, việc “xoay chiều” kết quả thi so với thực tế là rất dễ xảy ra.

Tăng số lượng mã đề, chú trọng khâu coi thi

Thực tế cho thấy, việc sử dụng hình thức thi trắc nghiệm đã phát huy tác dụng tích cực trong việc kiểm tra được một lượng lớn kiến thức, chống bệnh học tủ của học sinh đồng thời hạn chế tối đa việc học sinh sử dụng tài liệu. Tuy nhiên, có một thực tế là, với 6 mã đề cho mỗi môn thi trắc nghiệm như trong các kỳ thi những năm vừa qua dẫn đến việc trong phòng thi 24 thí sinh, có tới 4 thí sinh chung mã đề. Nếu giám thị coi thi lơ là, sẽ diễn ra tình trạng trao đổi đáp án giữa các thí sinh trùng mã đề và gây phiền hà cho giám thị trong khâu phát đề. Theo quy định, 2 thí sinh cùng hàng ngang ngồi liền kề nhau không được phép có cùng một mã đề, nếu giám thị vô tình để trường hợp trên xảy ra, rất có thể dẫn tới việc thí sinh nhìn bài làm của nhau, ảnh hưởng tới tính khách quan, nghiêm túc của kỳ thi.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, mỗi thí sinh sẽ có riêng một mã đề để độc lập tuyệt đối trong khi làm bài. Tuy nhiên, việc tăng số lượng mã đề thi cũng chỉ mang tính kỹ thuật nhằm hạn chế, ngăn ngừa tình trạng trao đổi, quay cóp. Để đảm bảo tính khách quan, công bằng, nghiêm túc của kỳ thi, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở khâu coi thi, thanh tra, giám sát kỳ thi. Trong quá trình làm nhiệm vụ, các giám thị cần thuần thục kỹ năng, nghiệp vụ coi thi, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thí sinh quay cóp, trao đổi của thí sinh. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát trong các buổi thi trắc nghiệm nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm của thí sinh trong quá trình làm bài, đồng thời xử lý nghiêm những giám thị coi thi lỏng lẻo, làm ngơ cho thí sinh quay cóp, gian lận.

Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên Trường THPT Kim Liên, Nghệ An)