Thứ năm, 26/4/2018, 21h22

Môn văn: Học theo sơ đồ tư duy

Cô Tống Thị Thiều Hương (T trưng T ng văn, Trưng THPT Nguyn Thái Bình, TP.HCM)

Theo cô Tống Thị Thiều Hương (Tổ trưởng Tổ ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình), nội dung ôn tập môn ngữ văn năm nay mới nhìn qua thì kiến thức tương đối nhiều (vì có cả kiến thức lớp 11), nhưng thực sự không khó học. Chỉ cần học sinh nắm được các yếu tố về phong cách tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm, nội dung và nghệ thuật của tác phẩm là đã có thể lấy được điểm từ trung bình khá. Đề vẫn sẽ bao gồm phần đọc hiểu kết hợp với nghị luận xã hội (chiếm 5 điểm) và phần nghị luận văn học (5 điểm). Trong phần đọc hiểu sẽ có các câu hỏi phân cấp theo mức độ từ dễ đến khó, phù hợp với trình độ từng học sinh: câu hỏi nhận biết, câu hỏi hiểu, câu hỏi vận dụng. Với các câu hỏi nhận biết như: Xác định phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, biện pháp tu từ, thao tác lập luận. “Ở phương thức biểu đạt thì các em cần nắm được tên 6 phương thức như tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, hành chính, thuyết minh, và bản chất của từng phương thức. Với phong cách ngôn ngữ thì học sinh cũng cần nhớ 6 phong cách: sinh hoạt, nghệ thuật, báo chí, chính luận, khoa học, hành chính công vụ, và mỗi phong cách các em phải nắm được các dấu hiệu nhận biết…”.

Theo cô Hương, với những câu hỏi dạng hiểu, tùy từng cách hỏi trong câu hỏi mà học sinh sẽ có cách trả lời khác nhau. Ví dụ: Nếu câu hỏi là “Theo tác giả (hoặc theo văn bản) tại sao “….”? thì khi trả lời học sinh cần đặt câu trích dẫn vào trong văn bản để tìm câu trả lời và trả lời bằng câu văn trong văn bản. Còn nếu câu hỏi có dạng “Theo anh/chị tại sao “…”? hoặc theo anh/chị cần phải làm gì để….?” thì khi đó học sinh trả lời theo suy nghĩ cá nhân. Với phần nghị luận xã hội, vì dung lượng đoạn giới hạn (200-300 từ), nên học sinh không nên viết thành đoạn quá dài. Khi viết các em phải nắm kỹ hình thức kết cấu của một đoạn nghị luận xã hội với đầy đủ mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Để đạt được điểm cao thì đoạn văn phải có phần mở đoạn, phần này các em cần nêu ngay được vấn đề nghị luận (trích dẫn nhận định), phần thân đoạn cần có sự giải thích nhận định, bàn luận vấn đề và có dẫn chứng, kết đoạn ngắn gọn.

Đặc biệt, phần nghị luận văn học, cô Hương cho rằng đây là phần khó nhất và quan trọng nhất của đề thi. Dựa trên xu hướng ra đề mới, đề thi năm nay sẽ không ra dưới dạng học thuộc nên khi ôn tập, học sinh không “học vẹt” mà phải học ở dạng hiểu văn bản. Theo đó, các em cần nhớ những nội dung chính và nghệ thuật chính của văn bản. Bởi với cách học hiểu văn bản các em mới có thể đáp ứng và làm bài dưới các dạng đề khác nhau. Một cách tốt nhất là mỗi bài các em nên học theo cách phác thảo ra sơ đồ tư duy. Nhất là khi đề thi năm nay có tích hợp kiến thức lớp 11.

Với phần nghị luận văn học, trọng tâm vẫn là kiến thức lớp 12, kiến thức lớp 11 chỉ là phần liên hệ, nâng cao để lấy điểm khá giỏi. Khi ôn tập, dù về thơ hay về văn, học sinh nên ôn theo chuyên đề, xâu chuỗi các tác phẩm để khi đề ra dưới dạng so sánh hay liên hệ thì các em cũng dễ nắm bắt, làm bài. Đặc biệt, phải chú ý đến phong cách tác giả và hoàn cảnh ra đời tác phẩm để giúp bản thân có sự nhận định, lý giải, so sánh, nâng cao… Câu nghị luận văn học đề sẽ ra theo rất nhiều dạng khác nhau: phân tích chứng minh cho một nhận định, bình luận hai ý kiến, so sánh, liên hệ. Tùy theo mỗi dạng đề học sinh sẽ có cách làm bài khác nhau. Ví dụ: Với dạng đề phân tích chứng minh nhận định, mở bài ngoài nêu kiến thức về tác giả, tác phẩm cần phải trích dẫn, nhận định, nêu vấn đề nghị luận. Thân bài phải có phần giải thích, nhận định rồi mới đến phân tích chứng minh cho nhận định, và cuối cùng phải có nhận xét nghệ thuật tác phẩm.

Còn dạng đề so sánh, cô Hương cho rằng học sinh cần xác định đề so sánh ở dạng nào: so sánh hai  nhân vật, so sánh hai chi tiết, hay so sánh hai đoạn thơ, đoạn văn… Bởi mỗi dạng đề có cách làm bài riêng. Nhưng phần thân bài học sinh phải nắm được các bước làm bài chính: phân tích  làm sáng tỏ từng vấn đề ở cả nội dung, nghệ thuật rồi mới so sánh điểm giống và khác nhau giữa các vấn đề và lý giải được sự khác nhau đó.

Y.Hoa