Thứ tư, 21/4/2010, 16h04

Một câu thơ liên quan đến Thúy Kiều vẫn còn ý kiến chưa thống nhất

Giới thiệu chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du viết: Mai cốt cách, tuyết tinh thần/ Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười. Vấn đề được đặt ra: Vóc dáng thanh mảnh, nhẹ nhàng như cành mai, Nguyễn Du muốn tả chị hay em? Tâm hồn, tinh thần trong trắng như tuyết, điều ấy thuộc người nào? Hay hai câu thơ ấy là tả chung cho cả hai người? Cụ Văn Hòe khẳng định: Cốt cách thanh kỳ như cây mai hoặc cành mai(…) mấy chữ này tả tầm vóc Kiều (Thúy Vân không có cốt cách như thế)… Tinh thần trong trắng như tuyết(…) mấy chữ này tả tính tình đức hạnh của Thúy Vân (Kiều không có cái tinh thần ấy).
Có lẽ người đọc dễ thống nhất với ý kiến thứ nhất của cụ Văn Hòe: Vóc dáng Kiều như cành mai. Bởi Thúy Vân với khuôn mặt như mặt trăng, nét người (ngài) lại nở nang, chắc chắn Thúy Vân không có vóc dáng mảnh mai ấy. Nhưng Thúy Kiều có tinh thần trong trắng như tuyết không? Cụ Văn Hòe đã dùng đến hai chữ tinh thần tức có sự đối lập với thể xác. Thể xác Thúy Kiều có thể không có được điều ấy nhưng tinh thần? Nếu theo Kim Trọng đánh giá Thúy Kiều sau 15 năm lưu lạc, đau đớn ê chề thì tâm hồn nàng, tinh thần nàng trong sáng không chút bụi bẩn: Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay. Giác Duyên cũng tổng kết đời Kiều: Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm… Kim Trọng, một người trong cuộc, Giác Duyên một người khách quan đứng ngoài cuộc đánh giá như thế, tuyết tinh thần chủ yếu là Thúy Vân nhưng Kiều cũng có phần trong trắng ấy. Nhưng hiểu như chúng tôi trình bày lại khó giải thích cho câu thơ tiếp theo: mỗi người mỗi vẻ!
Viết đến những dòng này bản thân chúng tôi cũng phân vân trước ý kiến của cụ Văn Hòe. Nhưng mục đích của mục cảo thơm lần giở không phải nhằm cung cấp những ý kiến phán quyết mà chủ yếu là gợi ý để bạn đọc cùng suy nghĩ, cùng tranh luận trên tinh thần khoa học, mong rằng qua đấy chúng ta hiểu kỹ Truyện Kiều hơn.
Lại như câu: Sắc đành đòi một, tài đành họa hai, chắc cũng cần suy nghĩ thêm. Về sắc đẹp của Thúy Kiều, cứ xem kỹ trong truyện, chỉ có Thúy Kiều đẹp như vậy. Bởi người đẹp chỉ còn có thể nhắc đến là Thúy Vân và Đạm Tiên. Nhưng Thúy Vân làm sao có một màu mắt êm dịu như nước mùa thu, làm sao Thúy Vân có được nét chân mày thanh đạm như núi mùa xuân? Còn Đạm Tiên nổi danh tài sắc nhưng Đạm đã thành người thiên cổ. Mà ta cũng chỉ biết Đạm Tiên qua lời nói của Vương Quan, con người nổi danh ấy liệu cái nhìn có sức mạnh làm nghiêng nước, nghiêng thành hay không, chưa biết được.
Chỉ một điều: tài đành họa hai, quả Nguyễn Du có biệt tài giữ kín mạch văn. Bởi nếu nói tài của Kiều, Nguyễn Du đã cho Thúy Kiều bộc lộ: tài xem tranh, bình phẩm tranh khi mới gặp Kim Trọng, tài làm thơ đã được quan phụ mẫu phán: giá đánh thịnh Đường, chữ Kiều viết cũng chẳng thua gì với Thiếp Lan Đình… Vậy ai là người có tài sánh với Thúy Kiều? Hãy đọc đến đoạn Thúc sinh bị vợ đánh ghen và đoạn Thúy Kiều báo ân, báo oán ta sẽ thấy xuất hiện một con người, con người mà Thúy Kiều phải khen, phải nể phục: Hoạn thư! Tài đành họa hai, ngoài Thúy Kiều chính là Hoạn tiểu thư một địch tình có một không hai trên đời.
Lê Xuân Lít