Thứ năm, 10/12/2015, 22h53

Một ngành có thể làm được nhiều nghề

Vừa qua, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, trả lời câu hỏi của các em học sinh

Thông dịch viên - nghề áp lực lớn

Là người đặt câu hỏi đầu tiên, em Đỗ Minh Trung (học lớp 12) bày tỏ: “Em muốn trở thành một thông dịch viên, biên dịch viên. Vậy em phải học ngành gì?”. ThS. Huỳnh Ngọc Anh, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Thông dịch viên chỉ là một công việc nên không có ngành đào tạo riêng. Thông dịch viên là người chuyển đổi văn bản nói từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phải chịu sức ép rất lớn về thời gian, phản ứng nhanh và gần như không có thời gian để suy nghĩ cân nhắc về từ ngữ. Thông dịch thường dùng trong các hội nghị, hội thảo quốc tế. Thông dịch viên thường ngồi trong phòng cách âm, nghe qua tai nghe, nói qua micro, dịch đồng thời cùng với diễn biến sự kiện hay dịch ngay sau khi người nói kết thúc một đoạn ngắn. Bên cạnh đó, thông dịch cũng được dùng khi những người khác ngôn ngữ gặp nhau để trao đổi công việc. Nếu muốn trở thành thông dịch viên, các em có thể học các ngành ngôn ngữ, Đông phương học. Khi học những ngành này, các em sẽ được học ngôn ngữ và văn hóa của một quốc gia nào đó như  Anh, Hàn, Nhật... Tuy nhiên, để trở thành thông dịch viên ở một lĩnh vực nào, các em cần phải có kiến thức chuyên ngành sâu rộng về lĩnh vực đó như văn hóa, xã hội, con người và phải liên tục cập nhật những thông tin mới trong lĩnh vực này”.

Bổ sung thêm, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, khẳng định: Nếu học một ngành ngôn ngữ, hai năm cuối sinh viên sẽ được học chuyên ngành về phiên dịch (bao gồm cả thông dịch, biên dịch). Nếu như thông dịch viên truyền đạt thông tin từ người nói đến người nghe thì biên dịch viên thường chỉ dịch trên văn bản, ít chịu áp lực về thời gian hơn. Tuy nhiên, dù dịch theo hình thức nào đi nữa, phiên dịch đều phải thực hiện quy trình cơ bản là hiểu ngôn ngữ nguồn để phân tích ngôn ngữ học, văn hóa và diễn đạt lại bằng ngôn ngữ mục tiêu. Trong cả hai loại hình dịch, người phiên dịch đều phải phản xạ hết sức nhanh, và khó khăn nhất là phải làm việc dưới một sức ép lớn. Khả năng nắm bắt thật nhanh, học thật nhanh kiến thức mới, nội dung mới và đặc biệt là khả năng diễn đạt ý của người khác một cách ngắn gọn, dễ hiểu là những yếu tố cốt lõi mà một phiên dịch viên phải luyện thật nhiều mới có thể nắm chắc được. Ngoài ra, phiên dịch còn phải rèn luyện về phẩm chất cá nhân để có thể giữ được danh dự và uy tín, để có thể thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp. Bước vào nghề phiên dịch, người dịch phải thông thạo ít nhất hai ngôn ngữ, gọi là ngôn ngữ làm việc (working languages). Trong mọi hoàn cảnh, người phiên dịch cũng phải thể hiện câu cú rõ ràng, mạch lạc. Do vậy trong sinh hoạt hàng ngày, người phiên dịch phải có ý thức sử dụng ngôn ngữ một cách nghiêm chỉnh, câu cú mạch lạc. Đây là “nghề làm dâu trăm họ”, nên phải rèn luyện, học tập thường xuyên, nếu không thì không thể tồn tại. Chỉ cần dịch kém một lần thì những lần kế tiếp không ai dùng mình nữa. Vì thế áp lực của công việc thật sự rất lớn.

Việt Nam đã có vệ tinh riêng

Em Thái Quang Cường (học lớp 11A14) băn khoăn: “Em rất muốn trở thành chuyên gia nghiên cứu về vũ trụ và không gian. Vậy em có thể theo học ngành này ở trường nào?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho biết hiện chưa có trường ĐH nào tại Việt Nam đào tạo riêng về thiên văn và vũ trụ học. Tuy nhiên, nếu muốn các em có thể học ngành vật lý tại Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM và ĐHQG Hà Nội) và một số trường ĐH khác như: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Hà Nội 2… Ngành này đào tạo cử nhân vật lý học vững về lý thuyết và ứng dụng, có khả năng giải quyết trọn vẹn các vấn đề về vật lý, các hiện tượng có liên quan đến môi trường tự nhiên và môi trường sống; khả năng sử dụng cũng như nghiên cứu các cơ chế của các thiết bị hiện đại, có khả năng tiếp cận và nghiên cứu những lĩnh vực mới trong vật lý hiện đại. Ngành này có các chuyên ngành như vật lý lý thuyết, vật lý điện tử, vật lý địa cầu, vật lý hạt nhân, vật lý ứng dụng, vật lý chất rắn. “Trên thực tế, thiên văn và vũ trụ là ngành học tổng hợp giữa nhiều yếu tố liên quan đến vật lý nên những môn học chuyên ngành như: Khí tượng học, hải dương học, địa chất học, trường điện tử, cơ chất lỏng, vật lý khí quyển… sẽ giúp các em tiếp cận ngành này dễ dàng hơn. Hiện Việt Nam đã có vệ tinh riêng phục vụ cho việc nghiên cứu thiên văn, dự báo thời tiết nên sau khi tốt nghiệp ngành này các em có thể làm việc tại các trung tâm, viện nghiên cứu khí tượng thủy văn, không lưu môi trường; Sở Khoa học - Công nghệ & Môi trường hoặc trong các ngành công nghệ GPS (công nghệ định vị toàn cầu) chứ không nhất thiết phải bay vào vũ trụ mới nghiên cứu được”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Ngọc Anh