Thứ năm, 29/8/2013, 11h08

Năm học 2013 – 2014: Tiếp tục khuyến khích sử dụng di sản trong giảng dạy các môn học

Để giúp HS có những hiểu biết về những giá trị của các di sản, giáo dục các em ý thức gìn giữ, bảo vệ, Bộ GD&ĐT đã thí điểm sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông. Trong năm học tới, việc sử dụng di sản trong dạy học sẽ được khuyến khích mở rộng thêm trong các môn học...

Sáng tạo.
Sau một năm triển khai thí điểm đưa di sản vào dạy học trong trường phổ thông, Vụ trưởng Vụ GD Trung học đã nhấn mạnh: Việc sử dụng di sản trong dạy học tác động lớn đến tư tưởng tình cảm của học sinh. Khi được tìm hiểu, tiếp cận và trải nghiệm thực tế, các em sẽ được nâng cao hiểu biết với những di tích đồng thời có thái độ và hành vi đúng đắn có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của quê hương. Việc sử dụng di sản trong dạy học góp phần đẩy mạnh, hướng dẫn hoạt động nhận thức, kích thích hứng thú, giúp học sinh phát triển kỹ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức.
 Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc sử dụng di sản trong dạy học ở các trường đã tiến hành trong nhiều năm trước đây dưới nhiều hình thức như tham quan các bảo tàng lịch sử, cách mạng, các đình làng, các di tích cơ sở cách mạng, các nghĩa trang liệt sĩ, các di tích thời nhà Nguyễn, đưa các làn điệu dân ca vào trong dạy học… Điển hình như các trường THPT Đặng Huy Trứ, THCS Hùng Vương, THCS Hàm Nghi đã tổ chức nhiều tiết dạy sử dụng di sản với các hình thức phong phú. Ngoài những trường thí điểm, tại Huế còn có nhiều trường khác cũng tổ chức cho học sinh học tập ở các di tích với những chủ đề khác nhau như trường THCS Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Chí Diễu, Thủy Phương gắn liền với các môn học GDCD, môn Hội họa, môn Ngữ văn.
Tại tỉnh Phú Thọ, Sở GD&ĐT đã thực hiện tốt nội dung giáo dục địa phương vào các tiết học theo quy định đồng thời cùng đẩy mạnh phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Vì vậy, các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các nội dung về sử dụng di sản văn hóa trong nhà trường, trong đó chú ý đưa trò chơi dân gian, hát dân ca, hát Xoan và các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian khác vào trường học một cách bền vững; Các cơ sở giáo dục chủ động chăm sóc, phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, cách mạng trên địa bàn (Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, Nghĩa trang Liệt sỹ, các di tích đền, chùa, chiến khu, tượng đài…); tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử địa phương, về thân thế sự nghiệp các nhân vật lịch sử gắn với các di tích thờ tự, công trình lưu niệm danh nhân, anh hùng liệt sỹ và các di tích văn hoá tiêu biểu ở địa phương. 
HS tỉnh Phú Thọ tham gia hát xoan tại lễ hội Đền Hùng  Ảnh: T. Anh
Thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học
 Các di sản văn hóa, dù là vật thật hay qua phim, ảnh, tranh vẽ,… được sử dụng trong dạy học, giáo dục đều góp phần nâng cao tính trực quan, giúp người học mở rộng khả năng tiếp cận với đối tượng, hiện tượng liên quan đến bài học tồn tại trong di sản. Bên cạnh đó, di sản văn hóa cũng là phương tiện quan trọng giúp học sinh rèn một số kỹ năng học tập như kỹ năng quan sát, thu thập, xử lý thông tin qua đó tự chiếm lĩnh kiến thức cần thiết thu được trong quá trình tiếp cận với di sản; kỹ năng vận dụng kiến thức liên môn đã học để giải thích những hiện tượng, sự vật có trong các di sản văn hóa. 
Ông Nguyễn Hữu Triển, chuyên viên Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Việc sử dụng di sản văn hoá trong dạy học và các hoạt động giáo dục gắn liền mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh về đức, trí, thể, mỹ; Đồng thời gắn liền với việc đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong việc sưu tầm, tìm hiểu, sử dụng di sản văn hóa trong giờ học và các hoạt động giáo dục. Trong đó học sinh phải là chủ thể, chủ động, tích cực tham gia vào quá trình sử dụng di sản trong giờ học và các hoạt động giáo dục. Đặc biệt việc đổi mới kiểm tra đánh giá trong dạy học, đưa nội dung di sản văn hóa vào phải chú ý cho phù hợp với thời lượng làm bài và khả năng nhận thức của học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.

Trong quá trình đưa di sản vào dạy học ở trường phổ thông, GV cần tận dụng các cơ hội, điều kiện cho HS tiếp cận với di sản. Điều đó góp phần đẩy mạnh, hướng dẫn hoạt động nhận thức, kích thích hứng thú, giúp học sinh phát triển kỹ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức; Phải phối hợp tốt hơn nữa giữa Bộ GD&ĐT và Bộ VHTT&DL để HS có điều kiện đến học tập tại thực địa; Phối hợp chặt chẽ giữa GV và ban quản lý tổ chức di sản... Đồng thời nên tiếp tục nhân rộng việc đưa di sản vào dạy ở nhiều môn học, ở nhiều địa phương, ở các cấp học bằng cách lồng ghép, tích hợp hoặc dạy riêng để giáo dục về đạo đức, tình cảm và nhận thức cho HS. 

(Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển)

Minh Châu
(GD&TĐ)