Thứ tư, 10/10/2012, 14h10

Nâng cao uy tín người giáo viên

Có thể khẳng định rằng: Uy tín của người giáo viên có ý  nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Tuy nhiên, ngoài phẩm chất chính trị - đạo đức trong sáng và xu hướng nghề nghiệp bền vững, người giáo viên cần có kiến thức toàn diện “biết 10 để dạy 1”. Chúng ta thật sự tự hào vì hiện nay đại bộ phận giáo viên đều là những tấm gương mẫu mực luôn tạo được niềm tin đối với các thế hệ học sinh. Tuy nhiên vẫn còn một số người mặc dù trình độ chuyên môn không thua kém ai nhưng do năng lực sư phạm hạn chế nên gặp khó khăn trong việc truyền đạt tri thức cho người học. Rõ ràng “hồng” mà không “chuyên” thì vẫn chưa toàn diện. Đâu đó trong nhà trường còn một số người (tuy chỉ là cá biệt) thiếu mẫu mực trong giao tiếp, chưa khéo léo trong cách ứng xử làm cho lòng tin của người học phần nào bị sút giảm. Ngoài ra, do không hiểu đối tượng nên có khi người thầy quá khắt khe hay quá dễ dãi trong cư xử với học trò khiến cho hiệu quả giáo dục không được như mong muốn. “Muốn tâm phục thì phải khẩu phục”.
Uy tín được hình thành và thể hiện trong hoạt động. Mặt khác, uy tín được hình thành chủ yếu là do năng lực và phẩm chất của bản thân. Là người “dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”, người thầy phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, tác phong. Không ngừng tu dưỡng đạo đức mới giữ gìn được sự đoàn kết, có lối sống giản dị trong sạch. Hiểu được những chuẩn mực trong hoạt động sư phạm, từ đó người giáo viên mới có ý thức rèn luyện phong cách sư phạm phù hợp, mẫu mực từ lời nói đến hành vi cử chỉ… Ngoài ra, năng lực sư phạm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng là một thước đo không thể thiếu của người thầy. Người giáo viên “vừa hồng vừa chuyên” sẽ có sức mạnh cảm hóa lớn lao, không chỉ thu hút, lôi kéo mà còn định hướng và điều khiển mọi hoạt động học tập của học sinh.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mỗi giáo viên phải không ngừng phấn đấu tự học, tự rèn nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực chuyên môn. Năng lực sư phạm bao hàm các phẩm chất trí tuệ như: Khả năng quan sát, sáng tạo, các phẩm chất ngôn ngữ; các phẩm chất tư duy lí luận, biết đặt mình ở vị trí của người học để hiểu họ và tự đánh giá về mình. Năng lực sư phạm còn biểu hiện ở khả năng tổ chức cho người học, nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo, đáp ứng nhu cầu học tập. Biết kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học hiện đại và nắm các kỹ năng dạy học cơ bản như kỹ năng định hướng, điều khiển, trình bày, đặt câu hỏi, xử lý tình huống giảng dạy…
Có thể nói, xây dựng uy tín nói chung và uy tín người giáo viên nói riêng là một quá trình liên tục và lâu dài. Đó còn là một quá trình khổ luyện nên đòi hỏi mỗi chúng ta phải cố gắng không ngừng.
ThS. Lê Đình Dũng
(Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM)