Thứ tư, 18/8/2010, 14h08

Diễn đàn “Sinh viên yếu ngoại ngữ: vì sao?”: Cần cải tiến phương pháp giảng dạy

Đổi mới phương pháp dạy NN để nâng cao trình độ NN cho SV đang là yêu cầu bức thiết của các trường đại học hiện nay (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Hiệu quả của việc dạy ngoại ngữ (NN) ở các trường đại học hiện nay không được đánh giá cao như chúng ta mong muốn, trong khi đó nhiều sinh viên (SV) khi tốt nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Nguyên nhân của thực trạng này bắt nguồn từ đâu?
Có thể khẳng định, lực lượng giảng viên dạy NN hiện nay không hề thiếu, SV cũng chưa hẳn là lười học. Tuy nhiên, một trong những thiếu sót cơ bản mà chúng ta cần phải khắc phục chính là phương pháp giảng dạy.
Hiện các phương pháp giảng dạy ở các trường đại học chưa thực sự sinh động, đổi mới nên SV vẫn phải học theo lối cũ (chủ yếu là nghe và chép) mà chưa học được cách giao tiếp trong từng ngữ cảnh thực tế, cụ thể.
Nếu so sánh với tình trạng học NN của các SV ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… thì tôi thấy rằng, tình trạng học NN ở các nước bạn cũng có những vấn đề giống với nước mình. Một số SV nước ngoài đã trao đổi với tôi rằng, mặc dù họ học tiếng Anh gần 10 năm nhưng vẫn chưa thể giao tiếp được, một lý do mà họ cho là cản trở nhất đối với việc học NN vẫn là giảng viên đang thiếu một phương pháp dạy học hiệu quả để truyền đạt cho SV. Trên thực tế, ở những nước này đều có lực lượng giảng viên dạy môn NN đông đảo và có cơ sở vật chất đầy đủ, các phòng chức năng hiện đại nhưng SV học đi học lại nhiều năm mà khả năng nghe, nói NN vẫn rất yếu. Chính vì thế, ngành giáo dục ở những nước này đang tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy NN.
Giống như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… ngành giáo dục Việt Nam cũng đang tìm cách đổi mới phương pháp để cải thiện chất lượng dạy và học NN. Trong đó, một số trường đại học đã đưa các chuẩn đầu ra cho SV như chuẩn TOEIC, chuẩn IELTS, chứng chỉ A, B, C… cho SV. Việc áp dụng các chuẩn đầu ra như thế này không biết có phải là một phương pháp hay nhất, hiệu quả nhất hay không tôi chưa khẳng định được nhưng điều này bắt buộc mọi SV đều phải thực hiện, vì thế ý thức học tập của họ chắc chắn sẽ nâng cao hơn.
Theo tôi, dù có thay đổi hình thức chuẩn như thế nào đi nữa thì để nâng cao về chất lượng học NN cho SV, nhất thiết chúng ta phải cải tiến phương pháp giảng dạy và tạo môi trường nói, thực tập về NN. Muốn làm được điều này, lực lượng giảng viên phải được đào tạo thêm về trình độ và chuyên môn nghiệp vụ. Nếu giảng viên có cơ hội đào tạo thêm năng lực ở nước ngoài như ở các nước Mĩ, Anh, Úc… thì sẽ rất hiệu quả. Giảng viên của chúng ta sẽ học từ giảng viên các nước bạn những kinh nghiệm giảng dạy để dạy cho SV nước mình hiệu quả hơn. Cụ thể, tôi thấy rằng ở những nước này, giảng viên đến lớp hoàn toàn để cho SV chủ động trong việc tìm kiếm tri thức, đặt từng bài học vào những ngữ cảnh cụ thể để SV có điều kiện tiếp xúc, vì thế mà SV của họ rất năng động, nhạy bén trong việc nắm bắt vấn đề.
Ngoài ra, cơ sở vật chất cũng là yếu tố quan trọng trong chất lượng dạy học, đặc biệt đối với môn NN, các phương tiện nghe nhìn rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ cho môn học này trong các trường đại học ở nước ta vẫn còn rất hạn chế, thiếu các phòng chức năng, các phương tiện nghe nhìn tốt để phục vụ cho công việc giảng dạy. Vì thế, cần có những chính sách để nâng cao hơn về cơ sở vật chất phục vụ cho dạy NN.
Trong những năm gần đây, ĐHQG TP.HCM đã có nhiều thay đổi trong giảng dạy NN và đã mang lại một số hiệu quả trong công tác đào tạo. Trong đó, có một số yếu tố thay đổi chính mà tôi thấy rất hiệu quả:
- Trước hết, khi SV vào nhập học, các trường thuộc ĐHQG TP.HCM đã phân loại trình độ của từng SV để xếp lớp và thiết kế chương trình theo trình độ của các em. Chẳng hạn như ở Đại học CNTT, khi SV bắt đầu vào học năm 1, các em sẽ trải qua một kỳ thi khảo sát để được xếp vào 1 trong 4 lớp phân theo từng loại trình độ. Trong mỗi học kỳ, những SV ở lớp 1 (lớp có nhiều SV yếu NN) sẽ được học gấp đôi, gấp ba số tiết so với những SV ở lớp có năng lực NN tốt hơn. Với việc phân loại SV theo lớp, các em giỏi được tiếp tục học chương trình nâng cao, những em yếu hơn thì được bổ sung lại kiến thức và từ đó sẽ nâng cao hơn để theo kịp những SV giỏi.
- ĐHQG TP.HCM liên kết với một số nước trong chương trình đào tạo, trao đổi SV, từ đó đưa các em ra nước ngoài học tập hoặc đón nhận những SV nước ngoài sang Việt Nam giúp các em có điều kiện để giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm và có điều kiện để học NN trong một môi trường giao tiếp sinh động. Trong hệ thống các trường thuộc ĐHQG TP.HCM, chúng tôi có nhiều chương trình liên kết đào tạo, đặc biệt ở Trường Đại học Quốc tế tất cả các chương trình đều được giảng dạy bằng tiếng Anh, vì thế chắc chắn rằng trình độ tiếng Anh của các SV sẽ ngày càng được nâng cao hơn về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
Với những đổi mới trong chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, ĐHQG TP.HCM bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong đào tạo NN cho SV. Tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ học tập và tìm ra được những phương pháp dạy NN tích cực nhất để nâng cao chất lượng học NN cho SV - một thế hệ trẻ có vai trò rất quan trọng trong việc “chèo lái” đất nước hội nhập với thế giới.
PGS.TS Trần Thị Hồng
(Trưởng ban Quan hệ Quốc tế ĐHQG TP.HCM)

Dù có thay đổi hình thức chuẩn như thế nào đi nữa thì để nâng cao về chất lượng học NN cho SV, nhất thiết chúng ta phải cải tiến phương pháp giảng dạy và tạo môi trường nói, thực tập về NN - PGS.TS Trần Thị Hồng.