Thứ tư, 1/4/2015, 08h04

Hạnh phúc hơn khi học đúng ngành nghề

Không chỉ hạnh phúc hơn khi học đúng ngành nghề yêu thích và phù hợp khả năng, điều kiện mà người học lẫn gia đình, xã hội còn tránh được lãng phí cũng như có cơ hội thăng tiến trong công việc sau này. Đây là điều được Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Phạm Ngọc Thanh nhấn mạnh tại Hội thảo “Phát triển mô hình khuyến học và hướng nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế” vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Theo ông Thanh, không chỉ học sinh được hạnh phúc hơn khi học đúng ngành nghề, thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho lứa tuổi này còn mang lại những lợi ích thiết thực khác. Cụ thể, góp phần quan trọng vào việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT để đào tạo nguồn nhân lực thích ứng nhu cầu xã hội của TP.HCM. Tạo điều kiện phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp, khẳng định vị trí giáo dục nghề nghiệp trong xã hội và nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng gắn kết doanh nghiệp cũng như đáp ứng nguồn lao động theo tiêu chuẩn hội nhập quốc tế.
PGS.TS Lương Ngọc Toản (Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam) cũng cho rằng, hướng nghiệp tốt giúp sinh viên ra trường ít thất nghiệp. Ông đề cập thực trạng đáng lo ngại là phụ huynh, học sinh không mặn mà học nghề khiến nhiều trường không tuyển sinh được, đứng trước nguy cơ giải thể. Trong khi đó, học sinh đổ xô vào ĐH, không ý thức chọn ngành nghề phù hợp thị trường lao động dẫn đến ra trường khó kiếm việc làm. Từ thực tế này, PGS.TS Lương Ngọc Toản cho rằng, vấn đề hướng nghiệp ở các trường ĐH cần được chú trọng. Hoạt động này cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đây là biện pháp thúc đẩy đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như nhu cầu xuất khẩu lao động. Việc liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hướng nghiệp đáp ứng được yêu cầu của cả hai bên. Cụ thể, phía nhà trường với nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực sẽ nắm bắt được nhu cầu của các doanh nghiệp và xã hội. Phía doanh nghiệp để tuyển dụng được đội ngũ lao động tốt, cần liên kết với các trường để định hướng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu sử dụng của chính mình.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Toản, các trường nên có bộ phận phụ trách lĩnh vực hợp tác doanh nghiệp. Doanh nghiệp, bên cạnh tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, thực tập, làm quen với máy móc thiết bị hiện đại còn cần ký hợp đồng với nhà trường để đào tạo nhân lực, ưu tiên tuyển chọn nhân sự ở trường mà doanh nghiệp đặt quan hệ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên thường xuyên hỗ trợ học bổng, khen thưởng sinh viên xuất sắc. Điều này sẽ tạo động lực lớn cho sinh viên phấn đấu học tập, gắn bó mật thiết hơn với doanh nghiệp khi ra trường.
Thục Trân