Thứ hai, 27/10/2014, 10h10

Thay chấm điểm bằng nhận xét: Cần sự linh động

Cô Phạm Thị Hào đang hướng dẫn bài cho HS lớp 5/2
Sau gần nửa tháng thực hiện đổi mới đánh giá học sinh (HS) theo thông tư 30 của Bộ GD-ĐT, nhiều giáo viên (GV) tiểu học chia sẻ rằng công việc không hoàn toàn nặng nề như dự tính ban đầu.
Thông tư 30 chỉ rõ, GV nhận xét hàng ngày theo chuẩn kiến thức - kỹ năng; đồng thời chỉ ra biện pháp hỗ trợ học tập cho HS. Có thể nhận xét bằng lời hoặc ghi vào vở. Cuối tháng tổng hợp lại, ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục…
Một buổi chỉ viết nhận xét 5-7 HS
Cô Nguyễn Thị Thu Hương, GV bộ môn thể dục tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM), cho biết: Thời gian đầu tôi nghe một số đồng nghiệp nói khi thực hiện thông tư 30, GV sẽ rất nặng nề về sổ sách, công việc; đặc biệt với những GV dạy bộ môn, số lượng HS đông sẽ vất vả khi phải ghi hết vào sổ nên tôi hơi lo lắng. Tuy nhiên, khi thực hiện theo đúng hướng dẫn thì hàng ngày tôi chỉ ghi nhận xét một số HS có năng khiếu, HS khuyết tật vào sổ nhật ký. Những HS học tập bình thường, ngay trong tiết học, tôi thường xuyên nhận xét trực tiếp bằng lời về điểm tiến bộ để khuyến khích hoặc chỉ ra lỗi sai cơ bản để các em tiếp thu, sửa đổi ngay. Đến cuối tháng, dựa vào quá trình theo dõi hàng ngày lẫn sổ nhật ký, tôi tổng hợp, ghi vào sổ theo dõi sẽ không mấy nặng nề.
“Cách làm này giúp công việc của tôi nhẹ nhàng hơn, còn HS vẫn được nhận xét về kiến thức, năng lực, phẩm chất một cách đầy đủ. Hơn nữa, trước đây chưa thực hiện thông tư 30, tôi đã có cuốn sổ nhật ký hàng ngày. Đến nay, khi thực hiện thông tư 30, tôi cũng không gặp nhiều khó khăn lắm”, cô Hương nhận định.
Trong khi đó, cô Phạm Thị Hào, GV chủ nhiệm lớp 5/2 (cùng trường với cô Hương) cho rằng, lời nhận xét phải ghi hết 100% nội dung, ý nghĩa để HS và phụ huynh hiểu, nắm bắt nhưng điều đó không có nghĩa là hàng ngày, hoặc hàng tháng, GV phải nhận xét tất cả HS vào vở, vào phiếu. Làm như thế rất mất thời gian cũng như không còn thời gian để quan sát lớp học dẫn đến chất lượng dạy - học không hiệu quả. Thay vào đó, GV nên linh động. Cụ thể, trong buổi dạy, tùy vào sự tiếp thu của HS mà GV có thể ghi lời nhận xét hay chỉ nêu nhận xét bằng lời để HS tiếp thu, sửa chữa ngay tại chỗ. Sau đó, đến cuối buổi sàng lọc ra 5-7 em thực sự “cá biệt” ghi nhận xét vào vở. Bằng cách này, chỉ cần dạy hết tuần thứ nhất, thứ hai trong tháng thì GV có thể ghi vào sổ theo dõi chất lượng, chứ không cần đợi dồn đến cuối tháng, ngồi ghi một lúc vài chục em, sẽ rất mệt. Với cách làm này, công việc sẽ nhẹ nhàng hơn.
Cô Hào cho biết thêm, trước đây lời nhận xét thể hiện chung chung, bây giờ lời nhận xét ghi cụ thể về điểm hạn chế, sự tiến bộ và mang tính động viên, khích lệ cao sẽ giúp HS có động lực phấn đấu học tập, phát huy tính sáng tạo hơn. Ví dụ ở bài tập làm văn luôn luôn không có một cái đích rõ ràng cho sự sáng tạo, nhưng bài văn được chấm 10 điểm sẽ khiến các em cảm thấy hài lòng và không sáng tạo thêm nữa. Ngược lại, nhận xét bằng lời như “bài văn rất hay, có tư duy sáng tạo, tuy nhiên em cần phải cố gắng phát huy hơn nữa” sẽ tạo động lực cho HS cố gắng làm tốt hơn, sáng tạo hơn.
Còn một số băn khoăn
Đề cập đến việc xét khen thưởng, thông tư hướng dẫn: Vào cuối kỳ I, cuối năm học, GV chủ nhiệm hướng dẫn HS bình bầu những HS đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua, có tiến bộ vượt bậc về năng lực học tập, phẩm chất và tham khảo ý kiến phụ huynh, sau đó tổng hợp, lập danh sách và đề nghị lên hiệu trưởng khen thưởng.
Do đó một số phụ huynh tỏ ra băn khoăn vì có liên quan đến chuyện tuyển sinh vào lớp 6. Chị H., có con học lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1), thắc mắc: “Tôi xem thông tư 30 thì thấy không có tiêu chí rõ ràng về danh hiệu HS khá giỏi, chỉ là dựa vào bình bầu của HS lẫn ý kiến phụ huynh. Liệu đánh giá như thế có khách quan, chính xác không?”. Theo chị H., tại một số trường THCS, điều kiện xét tuyển vào lớp 6 phải đạt 19 điểm trở lên (cho môn toán, tiếng Việt) và 5 năm liền đạt HS giỏi. Sang năm con chị vào lớp 6, xét theo địa bàn và năng lực, cháu có thể vào Trường THCS Nguyễn Du. Nhưng với cách đánh giá và khen thưởng mới, chị lo lắng sẽ ảnh hưởng đến cơ hội vào Trường Nguyễn Du của con chị, mặc dù 4 năm liền cháu đạt HS giỏi.
Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được một số lãnh đạo trường tiểu học cho biết, việc này phải đợi cấp trên quyết định. Tuy nhiên, đứng ở góc độ quản lý, cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5, cho biết: “Hiện các quận/huyện đang triển khai, lấy kết quả để đánh giá rút kinh nghiệm. Ít nhất phải đợi đến cuối năm, dựa trên kết quả thực hiện, lúc này mới có kế hoạch tuyển sinh đầu cấp THCS một cách cụ thể. Tại Q.5, chúng tôi triển khai từng bước, cử các chuyên viên xuống trường thăm dò, giám sát kết quả hàng tháng. Dựa vào đây chúng tôi mới xây dựng các kế hoạch tiếp theo”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
 
GV phải ghi nhiều hơn
Thầy Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Bình Thạnh), cho biết: Thực tế quá trình chấm điểm bằng nhận xét cũng được thể hiện từ trước tới giờ tại thông tư 32, tức song song với điểm số, GV còn phải có cả lời nhận xét, chỉ có điều chưa được cụ thể hóa như ở thông tư 30. Tất nhiên chuyển qua việc làm mới này, GV phải ghi nhiều hơn và không tránh được vất vả, nhưng nếu GV linh hoạt, biết sắp xếp công việc khoa học thì tôi tin GV sẽ không gặp nhiều khó khăn. Thậm chí nếu làm tốt, GV còn nắm rõ được năng lực, đặc điểm của từng HS để có những biện pháp hỗ trợ, giúp các em học tốt hơn.